Dòng họ Lê – Nguyễn do cụ Tổ Lê Xuân Cai – là một thầy đốc học có tiếng từ Hưng Yên lên sinh cơ lập nghiệp tại xã Xuân Lộc (Thanh Thủy) cách đây khoảng 200 năm.
Dòng họ Lê – Nguyễn do cụ Tổ Lê Xuân Cai – là một thầy đốc học có tiếng từ Hưng Yên lên sinh cơ lập nghiệp tại xã Xuân Lộc (Thanh Thủy) cách đây khoảng 200 năm. Trước Cách mạng tháng Tám, dòng họ đã có ruộng công để làm quỹ khuyến học- gọi là “học điền”. Từ đó đến nay, do có những nhận thức đúng đắn về sự học nên dù sống trong hoàn cảnh nào, con em trong họ vẫn được nuôi ăn học đến nơi đến chốn, không có người mù chữ. Toàn họ có 82 người tham gia cách mạng, 12 người trở thành cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước, 3 người là cán bộ lão thành Cách mạng. Phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, năm 1995 họ Lê- Nguyễn đã thành lập Ban Khuyến học với 100% thành viên trong họ tham gia và duy trì thành nền nếp.
Việc dạy dỗ các cháu học tập và rèn luyện trong dòng họ Lê- Nguyễn đã trở thành nền nếp từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Sậu- Trưởng họ kiêm Trưởng Hội đồng gia tộc họ Lê- Nguyễn cho biết: “Ban đầu cả họ ở làng Hạ Bỳ Hạ, đến đời thứ 3 thì một bộ phận chuyển sang làng Hạ Bỳ Trung. Do yếu tố làng trên làng dưới thời đó khá nặng nề, để thuận lợi cho việc sinh sống và làm kinh tế, bộ phận ở Hạ Bỳ Trung chuyển từ họ Lê sang họ Nguyễn, thế nên mới có tên là dòng họ Lê- Nguyễn. Hiện nay, cả dòng họ có 52 hộ với 227 khẩu, sinh sống tập trung tại khu 3 và 4 xã Xuân Lộc. Đến năm 2003, mọi người đều nhất trí đưa các quy định của dòng họ vào văn bản gọi là “Tộc ước” gồm 3 chương 18 điều, trong đó riêng Điều 8 về khuyến học nêu rõ: “Mọi nhà phải nuôi con học hết THPT; sau đó, người có điều kiện (học được, nuôi được) thì học tiếp Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, nếu không thì học nghề để giải quyết việc làm. Phấn đấu không để con em trong họ thất học, thất nghiệp”…”.
Sau 18 năm thành lập, đến nay Ban Khuyến học dòng họ Lê- Nguyễn thường xuyên duy trì, cải tiến và đổi mới cách thức, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học phù hợp với từng giai đoạn; đồng thời kiểm tra, đôn đốc phong trào học tập của dòng họ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nảy sinh trong học tập và kinh phí phục vụ học tập; các bậc phụ huynh gương mẫu học tập nâng cao năng lực, trình độ để phục vụ sản xuất, công tác, đồng thời trang bị những kiến thức phổ thông để hướng dẫn con em học tập… Hiện cả họ có 102 người có trình độ từ THPT trở lên, chiếm 93% số người trong độ tuổi, trong đó có 2 Tiến sỹ, 1 nghiên cứu sinh, 2 Thạc sỹ, 38 cử nhân, 12 sinh viên Đại học, cao đẳng. Trong 5 năm qua (2007- 2012), mỗi năm dòng họ có 3- 5 người trúng tuyển Đại học, Cao đẳng; có 3 sinh viên đang du học tại Mỹ, Đức, Pháp; 15 cháu đã qua các lớp kỹ thuật học nghề và đều có việc làm ổn định. Có nhiều gia đình tất cả các con đều học qua Đại học như hộ ông Lê Thành Trung, Lê Văn Luân, Lê Văn Cường, Lê Văn Bốn, Lê Quốc Kỳ, Lê Văn Hợp… Tiêu biểu có gia đình 7 người thì có 3 Cử nhân, 1 Thạc sỹ, 2 Tiến sỹ, 1 nghiên cứu sinh. Riêng năm học 2011- 2012, cả họ có 27 cháu đang độ tuổi học phổ thông thì 100% đều đến trường; 1 cháu 2 năm liền đạt giải Nhì, Ba cấp Quốc gia môn địa lý; 1 cháu đạt giải 3 cấp tỉnh môn địa lý; 21 cháu là học sinh giỏi, xuất sắc, tiên tiến, đạt tỷ lệ 77,7%… Không chỉ chăm lo sự học của dòng họ, người trong dòng họ Lê- Nguyễn còn tham gia Ban chấp hành Hội Khuyến học xã, để đưa kinh nghiệm của mình đóng góp cho phong trào chung của xã và khu dân cư. Nhờ có kiến thức, áp dụng vào công tác, lao động, các thành viên trong độ tuổi lao động của dòng họ đều có việc làm ổn định, kinh tế phát triển, đời sống khá giả. 100% các gia đình đều có nhà xây kiên cố, trang thiết bị tiện nghi và vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt và học tập, không còn hộ đói nghèo; có 48 hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92%; trong họ luôn thuận hòa, đoàn kết.
Đến nay, mỗi người trong dòng họ Lê- Nguyễn ở Xuân Lộc đều ý thức sâu sắc sự cần thiết của học tập và khuyến học, trong đó quan trọng nhất là xác định được mục đích học tập “Học để biết, để đối nhân xử thế, để làm người và để làm việc”. Cả dòng họ tập trung quan tâm đến: Hướng nghiệp và tạo việc làm cho học sinh, thấm nhuần phương châm “Biết nhiều nghề, giỏi một nghề”; tạo kinh phí đầu tư cho học tập và chi phí cho việc khuyến học, mỗi gia đình đóng góp vào Quỹ khuyến học của dòng họ ở mức 100.000 đồng/hộ/năm. Số tiền này được chi vào việc thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện, theo các mức: Học sinh tiên tiến 50.000 đồng, giỏi cấp trường 100.000 đồng, giỏi cấp huyện, tỉnh tăng mỗi mức thêm 100.000 đồng, giỏi cấp Quốc gia 500.000 đồng, đỗ Đại học, Cao đẳng 300.000 đồng. Hàng năm, ngoài chi cho việc trao thưởng, tuyên dương, dòng họ còn tổ chức cho các cháu đi tham quan các di tích lịch sử, hỗ trợ học sinh khó khăn. Số còn lại cho các gia đình vay không lãi để sản xuất, kinh doanh lấy tiền phục vụ học tập. Khi có gia đình gặp khó khăn đột xuất, ảnh hưởng đến việc học tập thì cả họ tập trung vào giúp đỡ, khắc phục. Hàng năm, lấy ngày giỗ họ 13- 6 âm lịch làm ngày hội khuyến học của dòng họ, việc làm này đã có tác dụng cổ vũ, động viên phong trào học tập trong dòng họ và được duy trì thành nền nếp từ năm 1995 đến nay.
Chính vì vậy, dòng họ Lê- Nguyễn được Hội Khuyến học tỉnh công nhận Gia đình hiếu học năm 2003, cấp Bảng vàng dòng họ hiếu học năm 2005, được dự Hội nghị gia đình, dòng họ tiêu biểu xuất sắc toàn quốc do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức năm 2009, hàng năm đều được các cấp khen thưởng, tuyên dương.