Danh nhân họ Lê

  Thân thế & sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từ góc nhìn văn hoá

Tri ân Đấng Sinh Thành – Trời, Đất, Tổ Tiên,

Xin thắp nén Tâm Hương, dâng Hoa thơm ngát !

      Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một Thầy thuốc của Nước ta, được nhân dân và giới y học tôn vinh là Nhà Tư Tưởng, Nhà Văn Hóa Lớn và Đại Danh Y.

      Ngài sinh vào thời Hậu Lê, niên hiệu Bảo Thái thứ năm, ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724) giờ Dần, mất về thời Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung thứ tư (1791), năm Tân Hợi ngày Rằm tháng Giêng, thọ 67 tuổi.

       Gia phả Họ Lê Hữu ở Liêu Xá có ghi: … Người anh của Ngài là người con thứ 7 trong 12 người con của Cụ Lê Hữu Mưu, tên là Lê Hữu Tán sinh năm Canh Tý (1720), tháng 2, ngày 14, giờ Tý. Lê Hữu Trác là con thứ 11, tính theo con trai là con thứ 7, nên tục gọi là Chiêu Bảy. (Chúng tôi cho rằng, vì lầm lẫn giữa người con thứ 7 với con trai thứ 7 cho nên mới viết năm sinh của Lê Hữu Trác là 1720).

      Lê Hữu Tán (1720-1786), húy Tựu, hiệu  Thạch Trai, đậu nho sinh. Làm Lễ Bộ Tư Vụ, rồi làm Tri Phủ Anh Đô. Sinh năm Canh Tý, mất năm Bính Ngọ, thọ 67 tuổi, húy 12 tháng 2. Vợ là Nguyễn Thị Báo, sinh 1 con là Lê Hữu Thiệu. (Lê Hữu Dự Đời thứ 15, viết năm Duy Tân III, tháng 6 năm 1909. Bản chữ Nho & Quốc ngữ Latin).

     Trong suốt gần bốn mươi năm làm nghề y, Hải Thượng Lãn Ông đã đem hết tâm trí của mình với sứ mệnh cứu nhân độ thế, trị bệnh cứu người vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân.

     Cũng với tinh thần đó, Ngài nhận rõ ý thức trách nhiệm với tương lai của nghề y Nước Nhà. Xây dựng nền móng, cơ sở truyền y Đạo, đồng thời sưu tập, tổng hợp, hệ thống và viết sách lưu truyền kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ thầy thuốc và nền y dược cổ truyền tương lai.

    Trên nền tảng Dịch lý, những vấn đề cơ bản mang tính nền tảng của Y Đạo, như Y đức, Y thuật và Y lý được đúc kết. Ngài đã cho ra đời bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” một pho Bách khoa toàn thư về Y Dược học cổ truyền dân tộc, một công trình được biên soạn suốt cuộc đời với ý thức xây dựng một nền Đông Y Việt Nam bằng phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo, phản biện và tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với con người và hoàn cảnh đất nước.

     Nhờ đâu mà Hải Thượng Lãn Ông đạt được những thành tựu lớn lao như vậy. Câu hỏi được trả lời từ một số nhà nghiên cứu với những góc độ và lăng kính khác nhau, nhưng chưa phác họa thấu đáo chiều sâu minh triết, triết lý nhân bản tâm linh trên tinh thần Văn Hóa thái hòa uyên nguyên và vi diệu của dân tộc Việt từ cội nguồn. Đó là nền Văn Hóa Nông Nghiệp lúa nước của Đại Chủng Viêm Việt, Việt Thường, Bách Việt và Văn Hóa Hòa Bình được khởi nguyên ở Thái bình Dương, rồi di chuyển lên miền Trung Nguyên nước Tàu, trải rộng từ đồng bằng sông Hoàng Hà tới sông Dương Tử, cách nay khoảng một vạn hai ngàn năm.

     Nền văn hóa Việt cổ này, chúng tôi gọi là kho báu chứa Minh Triết  được kết tinh qua hơn vạn năm của Việt tộc, từ những Sơ nguyên tượng và Tiềm thức cộng thông của Nhân loại, là chất liệu nền móng tạo nên Tòa Tháp Văn Hóa Việt Nam.

     Tinh thần văn hóa thái hòa huyền diệu này nó âm thầm lưu trường trong tâm thức của dân tộc, nó ngấm sâu vào huyết mạch mỗi chúng ta rất an nhiên tự tại. Hơn thế nữa, nó được nung nấu và thăng hoa trong tâm hồn, trí tuệ và hành động của mỗi kẻ sĩ, đặc biệt trong những kẻ sĩ dũng hoạt và bản lĩnh quyết tâm gìn giữ Hồn thiêng Sông Núi và Hào khí dân tộc. Điều đó lý giải tại sao, một dân tộc nhỏ bé nhưng vẫn đủ tâm lực và trí lực đương đầu với những siêu cường để trường tồn suốt hơn một vạn năm nay. (1)

A- Thân thế

      Cách đây 300 năm, trên mảnh đất Xứ Đông địa linh nhân kiệt đã sinh ra cho Dòng họ, cho Quê hương một Người con, cho Dân tộc một Nhà tư tưởng, một Nhà Văn Hóa lớn và một Đại Danh Y –  Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

     Cổ Liêu Hương, xã Liêu Xá, phủ Thượng Hồng trấn Hải Dương, nay là làng Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nơi sinh ra Hải Thượng Lãn Ông, tọa lạc trên đất hình quả bầu. Theo ghi chép của Cụ Lê Hữu Hành tức Tràng Thành, Đời thứ 17, trong cuốn “Gia Phả Họ Lê” năm Kỷ Hợi 1959, có dẫn:

  “Vào đời Hậu Lê, Tả Ao Tiên Sinh là một thầy địa lý có tiếng, đi qua Cổ Liêu Hương thấy phong thủy đẹp, nào dòng Hồ Lô giang điền uốn quanh, nào gò đống ẩn hiện vây lấy dải đất hình quả bầu … và kết một câu: “Cổ Liêu cái bầu thiên kim nan cầu” tức vùng đất cái bầu Cổ Liêu ngàn vàng khôn kiếm”.

    Xung quanh Cổ Liêu Hương là những cánh đồng lúa xanh bát ngát và cũng là vựa lúa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

     Xứ Đông, vùng đất địa linh, gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất nước như Thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390), Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1385), Danh Thần Nguyễn Trãi (13801442), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Diên Hà Bảng Nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784)…

     Hưng Yên, trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Cái, đắc địa với ý nghĩa vừa Hưng Thịnh vừa Yên Bình được ghi danh vào Quốc sử – Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ  nhì Phố Hiến.

     Cụ Khởi Tổ dòng họ Lê Hữu, các cụ hay gọi là cụ Thủy Tổ dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá (vì cụ về Liêu Xá sinh sống và phát triển), trong Gia phả ghi:

    ”Lê Quý Công tên chữ Phúc Tiên, là Giám sinh Quốc Tử Giám thời Hồng Đức không ghi năm sinh, năm mất. Xét sổ Tiên Hiền xã ta, đầu chép quan Hiến Sát Sứ, hiệu Nham Khê là ông Tiên Sinh họ Vương; Quan Tham chính, hiệu Mậu Hoành là ông Tiên Sinh họ Nguyễn; Sinh Đồ Đạo An, Tiên Sinh họ Đỗ; Sinh Đồ hiệu Mai Giang là ông Tiên Sinh họ Đỗ; Quan Giám Sinh, hiệu Phúc Tiên là Tiên Sinh họ Lê; cách 22 tên, ông Sinh Đồ hiệu Chính Đạo là Tiên Sinh họ Lê; lại cách 1 tên, ông Sinh Đồ hiệu Chính Tiến (Tín) là Tiên Sinh họ Lê… ” (Thời Hồng Đức 1460-1497)”

       Lãn Ông xuất thân trong gia đình dòng dõi trâm anh và truyền thống khoa bảng. Lần lượt từ ông nội, đỗ Hoàng giáp, bác, cha, chú, anh và em đều đỗ Tiến sĩ và đều được phong các tước Hầu, Công, Bá và chức sắc quan trọng trong các Triều vua Lê, chúa Trịnh. Tấm bảng vàng ghi rõ trên câu đối nhà thờ Cụ Quận Công Lê Hữu Kiều:

“Lịch Triều phong tặng Hầu, Công, Bá

Kế thế đăng khoa Phụ, Tử, Tôn ”

               [ Các Triều đại phong tặng Hầu Tước, Công Tước, Bá Tước / Các thế hệ Cha, Con, Cháu nối tiếp nhau đỗ đạt Đại khoa].

     Ngài là con của Tướng Công Tiến sĩ Lê Hữu Mưu (1685-1739), hiệu Phác Trai và bà Bùi Thị Thưởng (1685 Ất Sửu), là Trác Thất (vợ kế đầu) – Phong Ấm Thận Nhân, là con gái viên Quan Đô đốc Đặng Phùng Hầu, Phi Phúc Tham Đốc – Bùi Tướng Quân, quê ở Đông Thành, Nghệ An. Thân sinh của Ngài từng đỗ Đệ Tam Giáp Tiến sĩ, làm Thị Lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, Tư nghiệp Quốc Tử Giám (Hiệu phó), gia phong chức Ngự sử, tước Bá, nhập Kinh Diên. Mất ở Chu Thước môn (Cửa Đỏ) Kinh thành Thăng Long, được truy tặng hàm Thượng thư (năm Kỷ Mùi 1739).

1- Trau dồi Văn nghiệp

       Lớn lên từ nếp gia phong, ảnh hưởng sâu sắc nền giáo dục Nho Giáo. Và chính cái nền giáo dục chính thống từ tinh thần văn hóa dân tộc nguyên bản ấy đã vun đắp nên nhân cách cậu bé Chiêu Bảy sau là chàng thư sinh Thuần Chẩn với những tư chất tài năng vượt trội để nuôi chí lớn.

     Chàng thư sinh Thuần Chẩn với đức tính ham học, miệt mài chuyên sâu Dịch lý, Tứ Thư, Ngũ Kinh, thiên văn, địa lý, phong thủy, độn số, văn chương, quân cơ, võ bị, tu luyện thể chất và tinh thần để hoàn thiện các chuẩn mực giáo dục nhân cách kẻ sĩ đương thời với Bát Môn – Nho, Y, Lý, Số, Cầm, Kỳ, Thi, Họa.

      Những năm bốn mươi đến nửa cuối của thế kỷ XVIII, nước Đại Việt trong bối cảnh có nhiều biến động lớn, vua Lê ở thời mạt, Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước lâm vào nội chiến loạn lạc.

     Trong cuốn Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã cực tả cái hình ảnh “Hỗn loạn Canh Thân, Tân Dậu (1740-1741), khắp một vùng rộng lớn, người chết vạ vất đầy đường, người đói phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn, có khi ăn thịt lẫn nhau. Số phận của nhiều hạng người bị đảo lộn, ngay cả những bà góa, tiền của chất như núi cũng chịu ôm tiền mà chết …”

     Đó là câu chuyện những năm chàng trai Thuần Chẩn chưa đầy hai mươi tuổi.

Cũng vào thời gian đó, chàng thư sinh họ Lê còn được chứng kiến trong những biến cố đặc biệt nổi trội, đó là các phong trào khởi nghĩa của nông dân từ Bắc chí Nam. Chỉ tính trong vòng mười năm, suốt từ Nghệ An đến Hải Dương, đã có ngót hai mươi thủ lĩnh nông dân liên tiếp nổi dậy.

Đây là thời kỳ bùng phát tâm lý “Lòng người ước ao loạn lạc”(?). Thời đại mà số phận của những ông chúa thần quyền nghiêng thiên hạ, bỗng dưng bị tung lên, hất xuống trong tay đám kiêu binh chẳng khác trò đùa. Còn nhân dân thì không cam tâm ngồi chờ chết, quyết vùng lên đánh cược với số phận, ra đâu thì ra. (2)

     Đây là một dấu ấn bi kịch lịch sử khó quên thời Trung Đại Việt Nam.

2- Rèn luyện Võ công

      Chàng thư sinh Thuần Chẩn lại nghe tiếng vọng: “Binh lửa khắp nơi, con trai thời loạn há chịu ngồi mãi trong thư phòng sao???”. (Tựa Y Tông tâm lĩnh)

     Chàng thư sinh liền gác văn học võ, theo học Binh Thư Võ Bị suốt hai năm, các môn Thiên-Nhân, Âm-Dương thuyết  áp dụng vào binh thư, luyện võ nghệ, bài binh bố trận đều thông suốt. Từng là môn đệ của Võ Sư họ Vũ ở làng Đặng Xá. Ngay sau đó, tòng quân gia nhập quân đội Triều đình thời Lê Trịnh. Ngài đã từng bầy binh bố trận, đánh đâu thắng đó, giành chiến công lớn, được cấp trên ghi nhận và tỏ ý muốn thăng quan và ban thưởng. Nhưng Ngài đã từ chối khéo vì đã nhận ra chân tướng của cuộc chiến huynh đệ tương tàn vô nghĩa. Binh lính cũng là nhân dân đều thiệt mạng để vua chúa hưởng lợ

B- Sự nghiệp

I- Khởi đoan Y Đạo

    Ngẫm lại lời tự thuật: “Tôi vốn là con nhà dòng dõi trâm anh, thuở nhỏ thường chăm chỉ sách đèn, những muốn làm nên sự nghiệp lớn…” (Thượng Kinh Ký Sự).

     Vậy sự nghiệp lớn là gì khi cố gắng chăm chỉ đèn sách để thi đậu rồi làm quan trong một thực trạng xã hội rối ren đang ở bờ vực của suy tàn thì không phù hợp với tâm chí. “… tôi chạy nay đây mai đó, không thể làm người cao đạo trong đời loạn, học thói giàu có trong cái năm nghèo đói được.”  (Tựa Y tông tâm lĩnh).

   Thật là một nan đề lớn của cuộc đời.

     Ở đây ta nhớ lại giai thoại “Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà bác học”.        

     Lê Hữu Trác và Lê Quý Đôn cùng dự thi Hương ở Sơn Nam Hạ năm Quý Hợi 1743. Kỳ thi trong bốn ngày bắt đầu từ mùng 8 đến 28 tháng 8.

Đầu đề bài văn sách như sau:

“Cai trị thiên hạ nên có phương pháp: chăm sóc đời sống cho dân, cẩn thận về các chính thể, kén chọn tướng có tài, nghiêm túc việc dùng quân. Đều là những việc trọng yếu của việc cai trị đó”.

     Quyển thi của Lê Hữu Trác được nộp lên. Các quan trường xem ai nấy đều khen ngợi, nêu tinh thần rất xác đáng, lời bàn thấu đáo, rõ ràng. Nhưng nếu vị giám khảo  nào tinh ý cũng đều nhận thấy ẩn hiện một nỗi niềm đau xót, chán chường trước thời cuộc hiện tại trong bài thi. Cuối cùng Lê Hữu Trác chỉ trúng Tam Trường, Lê Quý Đôn đỗ Giải Nguyên. (3)

     Có nhiều bình luận về sự kiện này trong bước ngoặt cuộc đời Lãn Ông, đa số cho rằng, vì chán cảnh thế sự rối ren nên Ngài bẻ tên, cởi giáp đi về ở ẩn, âu cũng phù hợp với cái tâm lý tránh bon chen của kẻ sĩ “Thời trị làm quan, thời loạn ở ẩn”(?).

     Nhưng sự thực không phải vậy, một mặt vì nuối tiếc công lao đèn sách, thế sự rối ren, chí lớn không đạt, mặt khác Lãn Ông lúc đó gặp phải sự cố gia đình khi có tin người anh trai Lê Hữu Đề mất sớm, để lại ba đứa con thơ và mẹ già đã bảy tuần ở chốn quê Hương Sơn. Lãn Ông liền bẻ tên cởi giáp trở về quê chịu tang anh, phụ dưỡng mẹ già và đàn cháu nhỏ.

     Ngài nuối tiếc: ”Tuy đã mải miết lo toan ngược xuôi, việc mài gươm tuốt kiếm, đọc sách, khí hồng nghê muôn trượng khó bề thực hiện, khi ấy tôi có bài thơ ngẫu cảm:

                                                                                                                                                                                                          “ Thập niên ma nhất kiếm

Phong nhận chính quang mang

Sát khí xung ngưu đẩu

Uy nghiêm động tuyết sương

Nhập Tần kỳ bất khả

Quy Hán diệc vị hoàng

Hải hồ không phiêu đãng

Tráng chí thành đại cuồng.

Dịch:

Mười năm mài lưỡi kiếm

Mũi nhọn tỏa hào quang

Sát khí xông Ngưu Đẩu

Oai hùng động tuyết sương

Vào Tần đã chẳng được

Về Hán cũng chưa màng

Biển hồ trôi dạt mãi

Chí lớn thành cuồng ngông.”

Lãn Ông tiếp dẫn:

     “Ngờ đâu trăm điều ràng buộc, tâm lực ngày một hao mòn, bị bệnh nặng mất vài năm. Sau đi tìm được thầy Trần Độc ở núi Thành để nhờ chữa bệnh (thầy Trần ở làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tinh thông kinh sử nhưng thi không đậu, sau về ở ẩn làm thuốc rất thạo). Độ hơn một năm, có một hôm nhân lúc rỗi rãi tôi ngồi mở đọc sách Cẩm Nang Phùng Thị, những chỗ sâu sắc về dịch lý âm dương trong sách thuốc đều thấu suốt cả. Thầy Trần thấy tôi có năng khiếu bèn muốn dốc hết cả kiến thức của thầy cho tôi. Khi ấy tôi chưa quyết tâm học, nhưng trong khi bàn luận về những chân lý bí ẩn cũng có những điều hiểu biết thấu đáo. Vừa khi ấy, Hải tướng quân đang vây quân địch ở vùng Bào Giang. Bè bạn tòng quân nhiều. Có người đề bạt tôi, rồi tướng quân cho đem lễ vật tới triệu mời, nhân đó tôi mới yết kiến ở cửa quân. Tướng quân  bí mật bàn giao cho tôi đem đem quân dạt biển, quặt phía sau lưng địch từ phía Cao Châu xông ra, đánh úp viện quân của địch. Ngài lại nhủ rằng, việc bái tướng phong hầu chính là ở chuyến này.

Tôi thầm nghĩ, trường đời danh lợi đã gửi cho nước cuốn mây trôi từ lâu rồi, liền cố ý từ chối vì còn mẹ già không thể đi xa được.” (Tựa Y Tông tâm lĩnh)

      Thế là y nghiệp bắt đầu từ đây. Ngài về Hương Sơn, làm nhà dưới rừng, quyết chí học nghề y. Tìm tòi sách vở, miệt mài ngày đêm, vô cùng khó khăn vì không có thầy hay đồng nghiệp để hỏi han, trao đổi, duy chỉ có cách tự vấn và tự đáp qua thực tiễn.

     Đến lúc cần nâng cao, đã từng lên Kinh tìm thầy nhưng không có duyên để gặp thầy giỏi, sách hay rồi ngậm ngùi trở về chốn quê.

      Về lại Hương Sơn, Ngài lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, Lãn Ông nghĩa là Ông Lười không sống theo lối “Khảng khái tùng Vương dị“  mà  là Ông Siêng theo lối  “Thung dung tựu Nghĩa nan”, (có nghĩa ghét bỏ lối dễ dãi khảng khái phục tùng nhà vua, mà chăm lo việc ung dung làm tròn đại nghĩa) nên ông già Lười xứ Hải Thượng không màng danh lợi, nhưng để  vừa dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, vừa tận tâm chữa bệnh cho mọi người, sau mười năm, tiếng tăm đã nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu.

     Năm Bính Tý 1756, Lãn Ông lên Kinh Đô Thăng Long để tìm thầy cao minh và tinh thông nghề thuốc mong muốn học hỏi nâng cao tay nghề và trình độ y lý, nhưng duyên không thành. Nhân cơ hội gặp lại Diên Hà Thừa Chỉ Lê Quý Đôn sau mười ba năm cách biệt, hai tư tưởng lớn đều thành danh vui mừng khôn xiết, tâm đắc chuyện trò, xướng họa thơ ca, trà dư tửu hậu … Một thành danh nơi quan trường, một ở chốn núi rừng thâm sâu cùng cốc, cũng nổi danh như một đại y sư, tiếng vang vọng tới triều đình. Hai quan điểm sống trái ngược nhưng vẫn đạt đỉnh thành tựu trong cuộc đời.

Giây phút chia tay nhau, Hàn lâm viện Thừa Chỉ Tiên Sinh than vãn :

“Giữa thời buổi người ta xô chen giẫm đạp lên nhau mà chết chốn trường thi, thế mà bác Thuần Chẩn một người tài cao, học rộng lại không màng gì với công danh, phú quý để trở thành lão già lười đất Hải Thượng, tinh thông y lý, chuyên tâm trị bệnh cứu người thì quả là một sự lạ lùng!” (4)

     Đây là dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam về tình bạn tri âm, tri kỷ quý hiếm giữa một Đại Danh Y và một Danh Thần Bác học. Hai tư tưởng, hai bản lĩnh, hai trí tuệ và hai con đường khác nhau, nhưng cùng đến một đích nhân bản và nhân văn – Chân, Thiện, Mỹ.

     Điều đó chứng tỏ Lãn Ông đã không tìm nơi nương thân ở ẩn, ngược lại cố tránh xa Cửu trùng để yên thân an hành chính Đạo. Lãn Ông không xuất thế, tức từ bỏ đời thường, không nhập thế, tức vào quan trường để màng công danh, mà Ngài đã vượt lên cả hai hành động xuất và nhập để an hành xử thế. Bởi bản chất Đạo Việt là xử thế.  An vi chính là an hành, là hành động an nhiên tự tại, thái hòa, hành động pháp tự nhiên để thành tựu, trái với cưỡng hành ở những cộng đồng cá lớn nuốt cá bé và lợi hành ở những cộng đồng nặng về tư lợi, ích kỷ

II- Dịch Lý

     Lãn Ông sinh ra, lớn lên và được học hành trên nền tảng giáo dục Nho giáo truyền thống với một tri thức cơ bản và toàn diện. Một trong những chìa khóa quan trọng nhất để tiếp cận và khám phá thế giới tự nhiên và xã hội đó là Dịch lý, Âm Dương Ngũ Hành cũng gọi là Thiên lý. Trong lời tiểu dẫn cuốn “Y gia quan miện”, Ngài dẫn lời di huấn của các bậc hiền triết xưa: “Học Kinh Dịch đã rồi mới có thể nói tới việc làm thuốc”, làm nghề y mà không tinh thông Dịch lý thì chớ có theo mà uổng công vô ích. Bởi Dịch lý là Đạo Trời, Đất, Người, không hiểu nó thì khác nào tìm chim đáy biển, tìm cá trên trời. Lãn Ông hướng dẫn cách học Kinh Dịch như thế nào để nắm được gốc rễ và bản chất của môn học.

      Ngài tiếp: “Nhưng nói Kinh Dịch không phải là học các hào, các quẻ hay thoán/soán từ của Kinh Dịch mà chỉ cần nắm được quy luật biến hóa của Âm Dương, sinh khắc của Ngũ hành tựa như vòng xoáy chôn ốc không đầu, không cuối, Động Tĩnh đều chung một lẽ duy nhất bởi, trong Trời Đất, vạn vật từ các loại sinh con hay đẻ trứng, hình hóa hay khí hóa, côn trùng hay thảo mộc loài nào cũng đều bẩm thụ được tinh túy của Ngũ hành rồi mới có sự sinh trưởng. Huống chi con Người là loài khôn hơn vạn vật, hấp thụ được toàn bộ tinh túy Âm Dương, đầy đủ phát dục của Ngũ hành… mà không tinh thông Dịch lý và Âm Dương Ngũ Hành thì làm sao mà hành nghề y, chữa bệnh cứu người.” (Tiểu dẫn Y Gia Quan Miện)

     Cho nên, Lãn Ông đưa mục Âm Dương Ngũ Hành lên đầu sách rồi lần lượt đến các bộ vị tạng, phủ, kinh lạc, mạch yếu … để mở đầu cho việc bước vào nghề y.

Từ nhãn quan vũ trụ động, Lãn Ông đã chiếm lĩnh chìa khóa Dịch lý để tiến xa hơn, đi sâu nghiên cứu các triết thuyết cổ nhân mà ngày nay gọi là Đạo học Phương Đông cơ bản như: thuyết Ngũ Hành Âm Dương, Minh Triết-Triết lý Nhân bản, Đạo Nguyên Nho, Phật Pháp (Thiền), Y lý, Thiên văn, Độn số, Địa lý, Văn chương, Thơ phú, Binh pháp, quân cơ … làm cơ sở vững bước vào thực tiễn nghề y.

     Cổ nhân phương Đông ta có câu “Trông trời mà minh thời” rồi “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu nhân tình”, mới mong thành tựu (5), là kinh nghiệm được lưu truyền từ văn hóa vạn năm để muôn thế hệ biết bảo nhau mà trau dồi kiến thức. Đây là một trong những tinh thần của môn Vận Khí, Tam Tài Bí Chí, Vận Khí Tầm Nguyên kết hợp với Dịch lý để Lãn Ông viết thành cuốn “Vận khí bí điển”.

     Nắm bắt lời dạy của tiền nhân, Lãn Ông tập hợp được kiến thức xưa và thuật lại nguyên văn, sau mới có lời bình xét ở đoạn kết. Một tinh thần công minh trong học thuật và học tập đáng ghi nhận và noi theo.

     Một trong những biệt tài của Lãn Ông là cách tìm huyệt đất và long mạch trong thuật phong thủy, làm các nhà phong thủy ngày nay ngả mũ thán phục. Tìm hiểu Lãn Ông, chúng ta thấy cách bài trí nhà cửa, sân vườn trong khu Vườn đào nơi Lãn Ông và gia đình sinh sống. Ta thấy Lãn ông bố trí một trật tự phong thủy hài hòa để sống khỏe và hành nghề, ngoài khu ở, tiếp khách, chữa bệnh, lầu Tỵ huyên (nơi yên tĩnh), nhà Di chân (nơi vui thú tự nhiên) còn có Đình nghênh phong để đón gió, vọng khí, có hồ bán nguyệt và hòn non bộ, nuôi chim để nghe  hót, bên hồ cắm một cây sào và buộc diều để nhìn hướng gió, nghe sáo diều để biết lực gió.

     Thử xem Lãn Ông tìm huyệt đất và long mạch thế nào. Lãn Ông bắt đầu bấm độn, xem ngày giờ, quan sát thời tiết và vọng gió. Đúng giờ và cho thả diều, diều bay và rơi chỗ nào thì đó chính là cái mình cần tìm. Đây là một môn học rất khó bởi tính độc đáo và chuyên biệt, nó kết hợp cả khoa học thực nghiệm và tâm linh. Thực ra, tâm linh cũng chẳng khó hiểu, nhưng đòi hỏi phải có một trực quan nhạy bén và sinh động, sử dụng giác quan thứ sáu để nhận biết cái tượng, cái tướng hay cái hồn của sự vật, hiện tượng, sau đó dùng các dụng cụ, lý thuyết kể trên để hành sự, sau cùng là kiểm chứng kết quả. Thuật này, Lãn Ông tuân thủ và áp dụng đúng nguyên lý ”Tại Thiên thành Tượng, tại Địa thành Hình” của Dịch Lý. Việc này không thấy có “Âm vận khí án” (?).

III. Mạch sống ngầm Dân tộc

     Đến nay nhiều người vẫn cứ tin Nho giáo là do Tàu truyền dạy cho Tổ tiên ta, nhưng qua sự khai quật của Triết gia Kim Định (1915-1997) thì ngược lại.

     Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu phía bắc được cải thiện. Người Việt cổ đi lên chinh phục đất Trung Hoa, từ lưu vực sông Dương Tử tới lưu vực Hoàng Hà. Từ hơn 7000 – 5000 năm TCN, Đại chủng Viêm Việt đã là chủ nhân nông nghiệp trồng lúa với Tam Hoàng hay Tam Vương – Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông. Năm 2879 TCN, Nhà Nước đầu tiên của Viêm Việt ra đời là Xích Quỷ ở nam Sông Dương Tử.

Năm 2679 Hiên Viên thủ lĩnh tộc Thiểu Điển từ phương Bắc xâm chiếm Viêm Việt. Trong cuộc xâm lăng này, người Du mục hòa huyết với người Việt bản địa sinh ra giống con lai mới, gọi là Hoa Hạ hay Hoa Di. Sau này người Trung Quốc phong cho Hiên Viên là Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa (thuộc Đế Kỷ với Ngũ Đế).

     Nho giáo được thai nghén từ nền Văn Hóa Hoà Bình, qua Thao thiết về Vũ Hóa và Hóa Long, tới thời Tam Hoàng, rồi Nguyên Nho của Khổng Tử, mà Nguyên Nho lại  do Đức Khổng “Tổ thuật  từ nền Văn hoá phương  Nam của Đại chủng Việt.”

     Nền tảng của  Nho giáo là Dịch lý, mà Biểu tượng là “Tiên Rồng gặp nhau trên cánh Đồng Tương“  nét Lưỡng nhất này xuyên suốt nền Văn Hóa Việt .

     Trong  các cuộc xâm chiếm Việt Nam, khi nào người Tàu cũng tịch thu sách vở, thu gom trống đồng, bắt hết nhân tài, nên Tổ tiên Việt, một mặt đã đem tinh thần Nho vào Văn chương truyền khẩu như Ca dao, Tục ngữ, cùng các Truyền kỳ để giúp cho người bình dân Chất gia trau dồi Nhân Nghĩa; mặt khác về phương diện Nho gia gọi là Văn gia thì Tổ tiên chúng ta cũng đã cất dấu nền tảng Nho trong Huyền thoại Tiên Rồng, trong  Linh cổ Trống Đồng Đông Sơn, Hoàng Hạ, người Tàu  tuy chiếm được  Văn hoá nhưng chỉ hớt được cái ngọn 64 quẻ Dịch phần nhiều chỉ dùng để bốc phệ  (bói toán), nhâm cầm độn toán, mà không mò ra được triết lý Nhân sinh trong Nho, đó là cái tinh túy của Nho. Nhìn qua vật biểu của Tàu và Việt thì rõ, trong khi vật biểu của Việt là Tiên Rồng tức là Âm Dương, là nền tảng của Dịch, còn vật biểu của Tàu thời Hiên Viên là hùm, beo, chim cú, đời nhà Thương là Bạch mã là phương tiện di chuyển của Du mục, rồi  đến đời Nhà Hán mới nhận Rồng, Rồng là Đực rựa,“Độc Dương bất sinh“.

Từ nền tảng đó mà hai nền Văn hoá Việt Tàu khác nhau : bên Việt thì “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo“, còn Hán Nho của Tàu thì “Dĩ Cường lăng Nhược“.

Đây là sự phân biệt nền tảng, nên khi đánh chiếm, người Tàu tịch thu sách vở bắt cống nhân tài để huỷ diệt Văn Hoá Việt, nhưng  mọi âm mưu tiêu diệt Văn Hoá của Tàu đều thất bại, dù không  có sách vở, nhưng mạch sống dân tộc đã được kết tinh trong văn chương truyền khẩu như ca dao, tục ngữ, các truyền kỳ…, mạch sống Nhân Nghĩa bình dân này cứ ngầm cuộn chảy trong huyết quản dân Việt, do đó mà hơn bốn ngàn năm Tàu không bao giờ khuất phục nổi.

     Hải Thượng Lãn Ông là  một Văn gia, nhưng lại sống với Bình dân nơi thôn dã, nên hai dòng Văn Hóa  Văn gia và Chất gia  kết tụ nơi Ngài, nên Ngài trở thành con Người Nhân chủ  (Hùng Vương) là Tinh hoa của Trời Đất, của Tiên Rồng. (6)

     Con người là chủ thể đồng thời là đối tượng của các quan hệ tự nhiên và xã hội.

Nhân sinh quan của Đạo Việt biểu hiện trong con người và nhân cách Lãn Ông.

     Con người và Nhân cách Lãn Ông là tổng hòa các nét đẹp thiên nhiên, dân tộc và Văn Hóa Thái Hòa Việt Nam, với những nét đặc trưng :

Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh, những đặc tính này xem ra luôn bám sát suốt cuộc đời và sự nghiệp của Ngài.

     Nền Văn Hóa Thái Hòa này đặt trên nền tảng Âm Dương hoà, cũng là nền tảng của Y lý, từ Âm Dương phát triển qua Tứ Tượng, Bát Quái, Hà Đồ, Lạc Thư, Cửu Trù, Hồng Phạm. Đồ hình và số độ Ngũ hành được dùng như Biểu tượng để diễn tả lò Tạo hóa/Tạo hóa lư hay bộ máy Huyền cơ để khám phá ra Thiên lý của Vũ trụ hòa.

Ngoài  Đồ hình và Số độ của Ngũ hành, đồ Hình Lạc Thư cũng diễn tả sự tạo Thiên lập Địa chẳng khác nào Thời – Không – Liên của Einstein, chỉ khác nhau ở chỗ bên Lạc Thư thì dùng cặp đối cực Lẻ/Chẵn, còn Einstein thì dùng cặp đối cực Thời gian/Không gian.

 B- Cơ cấu Văn Hóa Đông Nam

I- Dịch: Nghịch số chi lý

                                                                               Nam

Hỏa                                          2

│                                            │

                   Mộc ― Thổ ― Kim           Đông 3 ― 5 ― 4 Tây

                                   │                                            │

                                 Thủy                                        1

                                                                                Bắc

 

                                                                                                                                                       

  Đồ hình & Độ số Ngũ Hành

      Để hiểu Dịch Lý chúng ta phải vận dung đến Đồ hình Ngũ Hành. Ngũ hành có 4 hành xung quanh, ghép thành hai cặp đối cực :

     *Cặp đối cực hàng Dọc Thuỷ Hỏa, tượng trưng cho Nước Lửa. Nước được gán cho là nguồn gốc của Vạn vật (Thuỷ : vạn vật chi nguyên) là nguồn sống, Hỏa được xem là nguồn sáng. Hai hành đều là nguồn Năng lượng/Vật chất .

     *Cặp đối cực hàng Ngang  Mộc Kim tượng trưng cho sinh vật và khoáng chất.

Do tương tác với nhau mà các cặp đối cực tạo nên Vạn vật, cho nên khung Ngũ hành có thể xem như lò Tạo hoá hay Tạo hoá lư, tức là thế giới Hiện tượng, thế giới Hữu (4 hành xung quanh). Các cặp đối cực đạt tỷ lệ quân bình động theo tỷ lệ 3/2 : Đông/Nam (Tham Thiên lưỡng Địa nhi ỷ số). Đó là cơ cấu  của nền Văn Hoá Thái Hoà Đông Nam của Đại Chủng Viêm Việt.

     *Còn Hành Thổ ở giữa đóng vai trò Dung hóa giúp cho các cặp đối cực hoà hợp mà biến hoá khi đạt trạng thái quân bình động, Thổ tượng trưng cho Thế giới Vô. (Hành Thổ ở giữa). Người Tàu không bàn tới những thứ nền tảng này.

     Lấy một ví dụ, đun nước bằng nồi đất hay nồi kim loại để uống, để thấy cặp đối cực tương khắc Thủy Hỏa, nhưng thông qua trung gian Thổ hay Kim mà đạt hiệu quả bình thường. Mặt khác, khi các cặp đối cực tương khắc trực tiếp giao nhau, có hai trường hợp xảy ra, một là xảy ra xung lực ở trạng thái nổ, vỡ tung hay tan rã, hai là hòa với nhau, tức“Âm Dương tương thôi“ để đạt trạng thái “Âm Dương hòa” mà Biến hoá.

     Đây là sự vận động tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ, luôn luôn tồn tại theo quy luật hỗ căn tức nương tựa vào nhau, tiêu trưởng lẫn nhau rồi hòa với nhau để đạt thế Quân bình động.

     Cho nên, có đồng hóa và dị hóa, có ức chế và hưng phấn thì mới phát sinh và phát triển.

     Trong y học truyền thống chúng ta thấy có những sự tương tác thường xuyên của cơ thể con người, thời tiết và các vị thuốc như: tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ.

     Các Thiên thể trong Không gian nhờ  sự quân bình giữa sức Ly TâmQuy Tâm, mà di chuyển không ngừng trong Không gian. Trong Vũ trụ nhìn đâu chúng ta cũng thấy sự biến hoá bất biến của các cặp đối cực.

II- Thái  hòa

     Thái Hòa là sự giao hòa của các cặp đối cực  của vạn vật tồn tại trong Vũ trụ, các cặp đối cực như Âm-Dương, Khôn-Càn, Cái-Đực, Lẻ-Chẵn, Tụ-Tán, Tĩnh- Động, Tình-Lý, Yêu-Ghét… Các cặp đối cực như Âm Dương là Nghịch số, Dịch lý là  Lý  của “Âm Dương hoà“, Đó là Nhất lý, có “Nhất lý thông“ , thì “Vạn lý minh“.

     Theo quy luật “Tham Thiên Lưỡng Địa nhi ỷ số“ (hai-ba/ba-hai), là độ chênh lệch giữa đối cực ít nhất, nên có thể xô đẩy níu kéo nhau để tạo nên thế quân bình động, nhờ thế mà Tiến hoá và Trường tồn, tạo nên cảnh Thái Hòa.

Tỷ lệ cân bằng là vài ba (2 Đất 3 Trời hay 3 Tình 2 Lý ) hay Tham thiên lưỡng Địa (3 Trời 2 đất, 2, 3 là huyền số ước lệ, co dãn tuỳ từng trường hợp, không phải là con số Toán học, bởi vài ba khác 2, 3 ).

    Ví dụ như Big Bang (centrifugal) gây ra sự Dãn nở, tức là sức Ly tâm  cần được cân bằng với sức hấp dẫn vũ trụ, tức là sức Quy tâm (universal attraction: centripetal), hai lực đó có đạt trạng thái quân bình động thì các thiên thể được treo lơ lửng trên không và di chuyển theo hướng vô cùng, vô tận.

Số 2 được mang ý nghĩa Thái Hòa, Nho đã dùng biểu đồ Thái cực viên đồ, (biểu tượng Âm Dương trong hình tròn). Khi các cặp đối cực đạt thế Quân bình động thì Âm Dương hoà, nghĩa là Thái hòa.

     Thái hòa, giản dị là biểu hiện của đạo xử thế An Vi – Nhân Hoà qua Tình Lý hài  hòa, khi đạt nhịp sống Thiên sinh, Địa dưỡng,  Nhân hoà thì có  Thái Hòa.

     Lãn Ông đã sống an bần lạc đạo, ứng xử như Đạo Lạc/Đạo Nước/Đạo Nác của Tổ Tiên Lạc Việt. Sống và ứng xử  sao cho  Nhu – Cương được kết hợp như Nước thì đã đạt chân lý rồi.

     Hãy xem phong cách Lãn Ông có phải là Lạc dân /dân nước xuất thân từ quê hương lúa nước? Có phải Lãn Ông thường uống nước mưa, tắm nước sông, bắt cua cá trên ruộng  lúa nước, để rồi uyển chuyển, mềm mại như nước, lãng mạn một chút thì ướt át như nước.

Hễ cần thì mạnh mẽ như hồng thuỷ, cuốn trôi mọi rác rưởi, bình thường thì cuộc đời an nhiên tự tại như gió heo may thoảng trên Trời trong, hay dòng nước lững lờ bên suối vắng. Người Lạc Dân an nhiên là vậy !

III. Nhân chủ

     Nhân Chủ là hệ quả của cặp đối cực Thiên/Địa kết thành, Thiên: 1 (Lẻ), Địa: 2 (Chẵn) , Nhân : 3 (1+2 = 3). Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân, Tài Nhân cũng ngang hàng và bình đẳng với hai tài Thiên, Địa, bởi con người cũng là một Tiểu Vũ Trụ.

     Bài vịnh Tam tài của Chi sĩ Trần Cao Vân cho chúng ta hiểu rõ về Tam Tài :

Trời Đất sinh Ta có Ý không?

Chưa sinh Trời Đất có Ta trong

Ta cùng Trời Đất  ba Ngôi sánh

Trời Đất in Ta một chữ Đồng

Đất nứt, Ta ra, Trời chuyển động

Ta thay Trời, mở Đất mênh mông

Trời che, Đất chở, Ta thong thả

Trời , Đất, Ta đây, đủ Hóa công.

      Vấn đề quan trọng của con người là định được vị trí của mình trong vũ trụ.

Nếu bị kéo lên Trời thì bị phụ thuộc và làm nô lệ cho Thần Thánh, lúc đó trở nên nhỏ bé, bất lực và chỉ biết có nài nỉ, cầu xin. Rơi vào Duy Tâm.

Nếu bị Đất đạp xuống thì hóa vật chủ, làm nô lệ cho vật chất, ngược với Trời/ chống Trời. Rơi vào Duy Vật.

     Còn thứ nữa là Duy Nhân, trên đời con người chỉ biết có mình, không coi Trời cao Đất rộng ra gì, con người quá to lớn (coi trời bằng vung). Rơi vào Duy Nhân.

     Chỉ  khi con người giữ được vị thế cân bằng động giữa Trời và Đất thì không Duy Tâm, chẳng Duy vật, cũng chẳng Duy Nhân, không rơi vào đâu cả mà vượt lên cả ba thứ đó để thành con người Nhân Chủ. Con Người có đạt được vị thể cân bằng giữa cặp đối cực Trời Đất  thì mới Tự chủ, muốn duy trì vị thế tự Chủ thì phải  tự Lực và tự Cường, nhờ đó mà  con người có khả năng làm chủ đời sống mình gia đình mình và đất nước mình. Đây là vấn đề hệ trọng nhất của con người.

(Đất nước chúng ta đã thất bại vì không duy trì được vị thế của con người Nhân Chủ này.) (7)

     Ngay từ khi còn là chàng thư sinh đi thi Hương, tinh thần nhân chủ đã thể hiện rất rõ trong con người Lãn Ông. Đó là cảm nghĩ về thế sự rối ren được mô tả trong phần cuối của bài thi.

     Đó là gác bút nghiên theo học võ bị, quân cơ, bầy binh bố trận… Đến bước ngoặt quan trọng là cởi giáp bẻ tên trở về nơi thâm sâu cùng cốc, vui thú cùng núi rừng, làm thuốc chữa bệnh. Và cứ như thế, con người nhân chủ luôn luôn an nhiên tự tại vững bước trên chính đôi chân của mình tới cõi vô cùng.

IV-Tâm linh

 

                                     

2

 
 

3

 

5

 

4

   

1

 

Số độ Ngũ hành

     Để tìm hiểu về Tâm linh  chúng ta phải dùng Số độ Ngũ hành.

Theo số độ của Ngũ Hành, nếu ta vẽ  4 ô:  ô  Thuỷ (1); Hỏa (2), Mộc (3), Kim (4) bao quanh ô Thổ (5) ở giữa. Khi tách 4 ô xung quanh ra thì ô 5 trống không, nên Thổ (số 5) tượng trựng cho Vô (Tâm linh). Qua đó chúng ta có thể gọi 4 ô xung quanh là thế giới Hữu, thế giới Hiện tượng có tính chất Động, còn ô giữa là thế giới Vô, thế giới Tâm linh, thế giới Tĩnh.

     Khi ra sống ngoài thế giới Hiện tượng chúng ta phải dùng Lý trí để Ly Tâm hay ”Suy Đi“, còn khi quay về thế giới Tâm linh thì phải Quy Tâm hay “Nghĩ Lại“ để mà Tu Tâm hầu cảm nghiệm, rồi thể nghiệm Thiên lý. Thế giới Tâm linh (Tĩnh) và Hiện tượng (Động) cũng là cặp đối cực của Thái cực. Khi cặp đối cực của Thái cực Âm Dương kết thành Lưỡng nhất thì là VÔ CỰC, tức là

“Đại Đạo Âm Dương hoà“. VÔ này là Chân không diệu hữu, chứ không là cặp đối đãi Vô – Hữu nữa.

     Tóm lại, nền Văn hoá Việt không chỉ có văn học, nghệ thuật, mà là một Triết lý Nhân sinh gồm:

  1. Một Vũ trụ quan Động, biến hoá theo Dịch lý
  2. Một Nhân sinh quan Nhân chủ, Thái hòa
  3. Một Đạt quan Phong Lưu, An nhiên tự tại.

     Hải Thượng Lãn Ông quả là một con người Toàn diện.  (8)

B-  ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

 Y Lý cũng là Dịch Lý “ Âm Dương Hoà “ 

      Tâm linh của Đạo Việt là huyền diệu, vi diệu chứ không huyền ảo, bởi nó xuất phát từ nguyên lý Dịch, Đạo Trời Đất, nên hội tụ đầy đủ những quy luật tự nhiên của vũ trụ được ăn sâu vào tinh thần văn hóa Việt tộc.

     Con người là một Tiểu Vũ trụ, nên cũng là một bộ máy huyền vi, sinh lý của cơ thể con Người cũng tuân theo Dịch lý. Khi các cơ quan trong con Người đạt thế Âm Dương hoà thì khỏe mạnh, ngược lại bất hòa thì  bệnh tật. Cái khó của Lương Y là biến “bất hoà“ trở thành “hòa“.

     Lãn Ông đã dùng Dịch lý một cách điêu luyện để chẩn mạch và bốc thuốc. Ngài đã áp dụng sáng tạo từ những phương pháp chữa bệnh, bốc thuốc kinh điển của cổ nhân thành những phương pháp chữa bệnh và phương thuốc mới phù hợp với hoàn cảnh khí hậu và con người Việt Nam.

     Làm thế nào mà Lãn Ông lại có những phép thuật huyền diệu như vậy. Nếu không có cái chí dũng hoạt, bản lĩnh nhân chủ và trí thông minh mẫn duệ thì làm sao có thể tiến sâu vào bể y học mênh mông với một khối lượng đồ sộ trước tác, sách vở Đông Tây Kim Cổ. Thế rồi đọc, học, tự vấn, tự đáp rồi nhập tâm thì vẫn chưa đủ, vấn đề ở chỗ phải rút gọn, lược bỏ rườm rà, cô đọng, biến hóa và biên soạn thành sách để người đọc dễ tra cứu, khi đó cái sở học mới hanh thông.

    “Mọi (sở học) phải sáng rõ, dung hóa, tùy cơ ứng biến, thâu nhập vào tâm, thấy rõ ra được ở trước mắt; (có thế) thì tự nhiên ứng vào tay mà không phạm sai lầm” (Tập Y huấn cách ngôn).

     Có nhiều vấn đề sau khi nghiên cứu, tìm tòi, Lãn Ông không thỏa mãn với những giải đáp có hạn trong sách vở, Ngài phải tự tìm đến tận gốc rễ mới thôi. Lãn Ông tâm sự:

    “Tôi muốn sao cho sự hiểu biết (của mình) đến nơi đến chốn mới khỏi hổ thẹn. Nhưng vốn đã không có tài thiên bẩm, lại không có thầy dạy, nên sự học càng thêm thụ động lại quê mùa. (Vậy mà) đành phải ôm lấy cái chí đi đến cội nguồn (học vấn), chứ đâu có chịu rơi vào cảnh lạc đường giữa bể học mênh mông không có bến bờ” (“Phàm lệ” Y tông tâm lĩnh) (9)

    Trên cơ sở Dịch lý vững chắc, Lãn Ông thẳng thắn phê phán những thầy thuốc thấp tay và thiếu trách nhiệm khi bó tay trước bệnh nan y hay khó chữa, rồi thoái thác cho “mệnh”. Ngài đã đề cao tinh thần“Đức năng thắng số” để khích lệ tính tự chủ, tự tin và quyết tâm vượt khó. Từ đó xóa bỏ lối nghĩ, quan niệm giáo điều và hủ tục lạc hậu làm cho y đạo thêm sáng.

     Năm Canh Thìn 1760, Lãn Ông mở trường dạy học, đào tạo thế hệ thầy thuốc tương lai. Viết sách, khao khát cái kiến thức hèn mọn của mình được phổ biến rộng rãi, vô tư, không dấu diếm. Lãn Ông suy tư, việc trước thư lập ngôn không phải là chuyện dễ, ngạn ngữ có câu: “Cho thuốc không bằng cho phương” bởi, cho thuốc chỉ cứu được một người, còn cho phương thì để lại điều Nhân mãi mãi. Ngài suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ lưỡng. Đặc biệt, nêu ra những sai lầm của những danh y thời trước để rút ra bài học kinh nghiệm cho đời sau.

     Đây là tư duy khoa học tiến bộ, thể hiện tư tưởng khai sáng, là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo trong mỗi ngành khoa học ở mọi thời đại.

     Lãn Ông truyền nghề giản dị, ân cần nhưng rất kinh điển với tinh thần “người đi trước rước người đi sau”, nhằm khuyến khích toàn dân học tập.   

     Nghề thầy thuốc cổ truyền dân tộc là một nghề không có đối thủ cạnh tranh về mức độ khó khăn và phức tạp trên mọi phương diện. Lương y theo Dịch lý là biểu thị nét Lưỡng Nhất hay là sự tổng hòa giữa hai yếu tố ngược nhau thành một chỉnh thể, vừa đảm nhiệm chức năng chữa bệnh, vừa đảm nhiệm chức năng làm thuốc, bào chế thuốc và chăm sóc bệnh nhân đến khi khỏi bệnh. Đối chiếu sang bên Tây y thì lương y bằng bác sĩ, dược sĩ, hộ lý cộng lại (và hơn thế nữa).

     Đó là một nghề với chức năng chữa cả căn bệnh và người bệnh, tức chữa bệnh cho con người một cách trọn vẹn.

     Người lương y, trước hết, xét trên diện rộng, phải là con người toàn đức toàn tài, có lòng nhân ái sâu rộng. Tinh thần của Đạo Nho/ Vương Đạo được Lãn Ông đề cập trước tiên như kim chỉ Nam cho người thầy thuốc. Theo y đạo của tiền nhân, người thầy thuốc phải thấm nhuần y đức, nắm vững y lý và giỏi y thuật. Lãn Ông trong tác phẩm “Y huấn cách ngôn” đã trước thư thấu đáo về đạo đức nghề y :

“Khi học nghề y, phải nên thấu suốt cả Nho lý. Một khi đã thông Nho lý rồi thì học y sẽ được dễ dàng hơn.” Ngài tiếp:

 “Nhân là đức tính cơ bản của nghề y, đòi hỏi trách nhiệm tối cao, bởi sự sống chết, họa phúc đều ở tay mình xoay chuyển. Lẽ nào người thiếu bản lĩnh, trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm trí không khoáng đạt mà dám theo đòi bắt chước nghề y”.

 Lương Y như Từ Mẫu

        Đạo Hiếu

      Đạo hiếu là Đạo cao quý nhất của loài người. Đó là bản năng sinh tồn về sinh học, sau được nhân loại văn minh tôn vinh như một giá trị cao quý của Đạo làm người còn gọi là Nhân Đạo. Hãy quan sát các con vật ríu rít nấp dưới đôi cánh mẹ, rúc đầu, chúi mũi vào vú mẹ, rồi đến đứa trẻ sơ sinh quờ tay, rúc đầu tìm vú mẹ bú chùn chụt… Tất cả những sinh linh ấy khi có biến động hay bị đe dọa đều tìm đến sự che chở và bảo vệ của mẹ. Sau này sướng khổ, sầu bi đều kêu mẹ, kêu cha. Đạo hiếu bắt đầu từ đó. Ai sinh ra trên đời cũng đều phải biết ơn Đấng sinh thành, gần nhất là Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ Tiên rồi đến Trời Đất.

Nếu không thấu hiểu cái Đạo đầu tiên này thì những Đạo tiếp theo đều trở nên vô nghĩa. Thiên hạ mới tồn tại người Có Hiếu và người Bất Hiếu là vậy.

     Đạo hiếu của Lãn Ông với gia đình thời đã dẫn. Ở đây, chúng tôi muốn chia sẻ một nghĩa cử của Ngài khi tri ân các vị Tiên Sư Y Tổ từ thời thái cổ nước ta.

     Trong “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” có bài “Lễ nghi phụng sự Tiên sư về Y Dược”, Tập Thủ – dịch giả: Đình Thụ Hoàng Văn Hòe với sự cộng tác của Hoàng Đình Khoa, NXB Khai Trí , Sài Gòn 1972. Trong y thư, Ngài tâm sự cái sở học của mình trải qua bao gian khó và cuối cùng nhờ đọc được sách hay và vận dụng ngay vào chữa bệnh rồi thành công. Ngài viết: “… Vì thế tôi cảm kích, vẽ thần tượng Đức Trương Công, tác giả bộ Cẩm Nang, dọn sạch một chỗ làm thư viện, sớm tối hương đăng để báo ơn đức độ của Ngài. Lãn Ông còn lập kế hoạch tiết kiệm tiền hàng năm để có một khoản chi tiêu cho các lễ nghi phụng sự. Xắp đặt vị trí theo sách của các Tiên sinh hướng dẫn bài trí trên các ban thờ thật chính vị và kính cẩn. Ngài tiếp: “Nay nghi lễ như sau, để các bậc quân tử về sau có chí y dược nên nghĩ đến nguồn gốc. Thứ tự trên dưới, bên tả, bên hữu, phía đông, phía tây của các vị Tiên Thánh, Tiên Hiền do Tiên Sinh bài trí”. Sau đó là kể tên các tòa và các vị y tổ tương ứng với từng vị trí, để các môn đệ xắp xếp. “Tất cả gồm có 3 vị Thánh Đế sáng chế ra Y Dược là: 1. Đức Thần Nông Thánh Đế, 2. Đức Phục Hy Thánh Đế, 3. Đức Hoàng Đế Thánh Đế, 12 vị Thánh sư, 1 Thần vị tiên sư và 232 vị Hiền sư, Tiên sư và Tiên sinh. Tổng cộng là 248 vị đều được ghi danh và tước vị.” (10)

     Như vậy, qua việc thờ phụng Đấng khai thiên lập địa và Tiên Tổ nghề y, với lòng biết ơn và trân trọng, Lãn Ông đã để lại cho hậu thế những bài học về Đạo Hiếu truyền thống cho muôn thế hệ giữ gìn và phát triển.

 Lương Y như Từ Mẫu

     Lãn Ông luôn truyền đạt và nhắc nhở cho hậu thế, Đạo làm thuốc là đầu mối của đạo đức chân chính, là nghệ thuật của lòng Nhân ái.

      Suy nghĩ về “Bốn chữ – Từ, Tế, Hoạt, Nhân”, bồi đắp “Tám chữ – Nhân, Minh, Đức, Trí, Lượng, Thành, Khiêm, Cần”, tránh mắc “Tám tội – Lười, Keo, Tham, Dối, Dốt, Ác, Hẹp, Thất đức”, là những chuẩn mực luân lý, đạo đức vẫn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

     Những giáo lý mẫu mực luôn thể hiện trong những công việc hàng ngày của y gia, như đức tính bền bỉ, đào sâu suy nghĩ, khắc phục khó khăn, tận tâm cứu chữa, còn nước còn tát… Ngài thẳng thắn phê phán kịch liệt thói khinh thường, bắt chẹt người bệnh; dấu nghề, dấu dốt của thiểu số tà y.

 Từ đáy lòng lãn Ông chia sẻ:

Phải đâu vất vả mong ơn huệ
 Trong đáy lòng ta cốt cứu người.”

“Quên mình cứu chữa người ta,

Ngoài ra tất cả đều là phù vân.”

      Ngày nay, có nhiều thầy thuốc đồng lòng đi theo Lãn Ông, đứng trên thế kiềng ba chân của  Y Đức, Y Lý và Y Thuật vững chãi để hành Y Đạo, đó là tiếp thu truyền thống quý báu của tiền nhân, không những về chuyên môn mà trọn vẹn đạo đức văn hóa thái hòa dân tộc. Nhưng tiếc thay, Đất Nước hiện đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng và đa diện về cả văn hóa, đạo đức lẫn lối sống. Xuất hiện một số đáng kể những thầy thuốc không thấm nhuần y đức, rơi vào cám dỗ vật chất tầm thường, tự hạ thấp nhân cách, làm mất uy tín ngành y và lây nhiễm tiếng xấu toàn xã hội. Đây là một nan đề lớn mà các thầy thuốc cùng chung trách nhiệm.

  III.  Y nghiệp  lưu truyền

 Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh

     Sau mười năm biên soạn với gần bốn mươi năm kinh nghiệm, năm Canh Dần 1770, Lãn Ông cho ra đời bộ sách “Lãn Ông Tâm Lĩnh” sau đổi thành “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, cùng với thực tiễn lâm sàng phong phú, là một Bách khoa thư đồ sộ và toàn diện về Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam thời Trung Đại, thế kỷ XVIII. Đây là một cống hiến quan trọng cho sự phát triển của y học nói riêng, khoa học tự nhiên và xã hội nói chung, đồng thời là một di sản văn hóa y học mẫu mực của dân tộc và thế giới để cho hậu thế kế thừa và phát triển.

     “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” đóng góp một vị trí trang trọng vào bộ sách dân tộc như là cầu nối giữa các thế hệ thầy thuốc và quảng đại quần chúng với văn hóa sức khỏe, “sức khỏe quý hơn vàng“.

     Hoài bão của Lãn Ông là “chỉ muốn người đời không có bệnh”, nên Ngài luôn luôn phấn đấu để chiến thắng bệnh tật, bớt đau khổ và hạn chế chết chóc.  

     Tinh thông, sáng suốt và sáng tạo y lý trên nền tảng lý thuyết Kinh Dịch, Âm Dương Ngũ Hành. Cũng trên tinh thần đó tư duy khoa học của Lãn Ông hình thành vũ trụ quan và nhân sinh quan từ những quy luật và nguyên lý về khởi, sinh, thành, diệt của vạn vật, phục vụ lý thuyết biện chứng luận trị của Đông y.

Nắm vững tầm vĩ mô của Đại Đạo. Coi trọng cái Tượng hơn cái Hình qua bản chất và cơ cấu của sự vật, hiện tượng và con người (biết-hiểu-biện-thâu).

Áp dụng thường xuyên, liên tục những bước cơ bản của Quá trình nhận thức trong giáo dục nhân cách các thế hệ thầy thuốc kế cận – Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nguyên lý xây dựng và hình thành nhân cách này cũng có thể áp dụng cho sự ra đời một sản phẩm hay một quá trình kinh doanh, bắt đầu từ khâu thăm dò thị trường, quyết định đầu tư, sản xuất, dịch vụ thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

      Giáo dục đức khiêm tốn để kiềm chế tranh đua, bon chen, thậm chí xung đột – “Biết đủ không tham” – Một triết lý sống có giá trị phổ quát toàn nhân loại.

     Trong phần đầu bộ sách lớn Y tông tâm lĩnh, Lãn Ông có chọn lọc chín câu cách ngôn của các thẩy thuốc quá khứ, sắp xếp lại, viết thêm lời bình luận, và đặt thành một chương: Y huấn cách ngôn. Người đọc sách có thể hiểu ngầm dụng ý của tác giả: muốn đọc Ngài, trước hết phải hiểu con người và “phương châm thực hành y lý”, “nói chí mình” của Ngài. Đó là tiếng nói của lương tri, những bài học xương máu từ nhiều thế hệ đúc kết lại, trong đó có bài học xương máu của chính Lãn Ông. (11)

     Lãn Ông truyền đạt tinh thần thuyết nhân quả khi hành đạo làm thuốc: “Đạo làm thuốc là giữ gìn mạng sống, là đầu mối của đạo đức chân chính”. Qua nghề y người ta có thể bồi đắp chữ “Đức” được cao dầy nếu hết lòng vì người bệnh. Ngược lại, nếu lạm dụng để vô ý hay hữu ý gây hại thì mắc tội “Thất đức” không nhỏ.

     Ngài phàn nàn: “Than ôi, đem nhân thuật mà làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi thành buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được”. Có thể nói: ”Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người, nhưng cũng có thể nói: không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. (Y đức – Y huấn cách ngôn)

     Vừa nêu lên những lời dạy bảo chí tình, chí lý, lại vừa nghiêm khắc chỉ rõ những đối tượng, những hành vi cần phải răn dạy; chu đáo, cẩn thận và tâm lý. Khi đọc đến chương Y huấn cách ngôn của Lãn Ông chúng ta nghĩ đến mười lời thề của Hippocrate, Thánh Y cổ Hy Lạp (460 – 375 ? TCN), mà sau này y học phương Tây vẫn dùng làm lời thề danh dự cho các thầy thuốc trước lúc ra trường. Chúng ta phải ngạc nhiên đến khâm phục trước những nét tương đồng ở tầm cao trí tuệ và chiều sâu tâm hồn của hai bậc đại y tôn.

     Hai con người sinh ra ở hai phương trời xa cách nhau, sống cách nhau hơn hai thiên niên kỷ, đương nhiên chẳng có mối liên hệ hiện diện nào, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng trong suy nghĩ. Phải chăng, hai tâm hồn có cùng tần số dao động đã gặp nhau trong Tiềm thức cộng thông nhân loại, người xưa thường nói duyên kỳ ngộ, rồi nay ta gặp vô số những hiện tượng gọi hồn, áp vong thì cũng chẳng có gì là lạ.  Năng lượng tâm linh đến nay khoa học cảm xạ vẫn chưa có dụng cụ để đo tốc độ và độ lớn, bởi nó chuyển động siêu tốc vượt không thời gian.

     Trong Y huấn, Mục 10, Lãn Ông viết : « Đạo làm thuốc lại chia làm hai ngả Vương Đạo và Bá Đạo. Vương Đạo là đạo làm thuốc (Y Đạo), bá Đạo là thuật làm thuốc (Y Thuật). Vương Đạo thời lấy gốc tìm nguồn để chữa bệnh mà không chữa vào mệnh. Bá Đạo thời chữa đầu chữa chân, tức chữa ngọn không chữa gốc ». Đó là lý thuyết, đặng Lãn Ông than phiền :

     “Ôi ! nghề thuốc đâu phải có Vương Đạo hay Bá Đạo, chỉ lo cái hiểu biết nông hay sâu mà thôi. Cho nên, người hiểu nông chỉ biết lấy tạng phủ, khí huyết làm âm dương, lấy tâm thận làm thủy hỏa, không biết chân âm tức chân thủy làm căn bản cho huyết ; chân dương tức chân hỏa, làm gốc cho khí ; ấy đều là thủy hỏa vô hình của tiên thiên, căn bản của sự sống, cội rễ của tính mệnh, làm cương lĩnh chủ yếu cho các bệnh. Người ta tìm sự sống, thầy thuốc chữa bệnh, không ngoài thủy hỏa ấy được”.

     Chúng ta càng khâm phục trí tuệ của Lãn Ông trong cách tiếp cận những vấn đề gốc rễ, cơ bản của khoa học.

     Vương Đạo chính là phép trị dân theo Đức trị của Nho giáo, là hướng con người sống với nhau có tình (Âm) có lý (Dương), phải người phải ta, con hiếu với cha mẹ, anh em, vợ chồng yêu thương đùm bọc, cộng đồng hòa với nhau chung sống … của văn hóa thái hòa.

     Khi nói đến nguyên nhân gây bệnh, bao giờ Ngài cũng nhìn cả hai phương diện: khách quan và chủ quan. Ngài không tách rời người bệnh với môi trường.     Theo Ngài, việc học tập các sách thuốc của Trung Quốc đời cổ là cần, nhưng không nên cứ nhắm mắt áp dụng. Vì phương Bắc và phương Nam khác nhau về khí hậu, người Bắc người Nam khác nhau về cơ thể gầy béo, chắc chắn có những bệnh phương Bắc có, phương Nam không có, có những phương thuốc người Bắc dùng tốt, người Nam không thể dùng (Ngoại cảm thông trị). Ngay trong cùng một miền, xưa và nay cũng đã không đồng nhất” (“Tiểu dẫn” Đạo du vận). Thậm chí trong cùng một miền, cùng một thời và cùng một loại bệnh, thì đối với từng người việc định bệnh cũng phải phân biệt, “già trẻ khác nhau, mạnh, yếu khác nhau, khí bẩm khác nhau, bệnh mới bệnh cũ khác nhau. (Ngoại cảm thông trị).(12)

     Không thể không ghi nhận một tinh thần tự chủ, và phần nào một thái độ hoài nghi khoa học, đã được thể hiện nhất quán trên toàn bộ sự nghiệp của nhà danh y. “Đọc sách của Trọng Cảnh nhưng không theo phương của Trọng Cảnh” (Ngoại cảm thông trị), đó là câu nói cửa miệng của Lãn Ông.  Phản biện, vạch ra sai lầm của Biển Thước, cho rằng huyệt mệnh môn nằm ở thận phải. Bằng y lý sắc bén Lãn Ông phân tích mệnh môn hỏa như là Thái cực trong tiểu vũ trụ con người, nó nằm ở khoảng giữa hai quả thận. Được các y gia hiện đại kiểm chứng và công nhận (BS. Hoàng Văn Sĩ, “Luận về Học thuyết Thủy Hỏa của Hải Thượng Lãn Ông vận vào chẩn đoán và điều trị”. NXB Từ điển Bách khoa 2006). (Thủy Hỏa 25 chương – Y hải cầu nguyên)

     Vì thế, Ngài đã không rơi vào con đường hời hợt, rập khuôn của nhiều thầy thuốc khác, sách nói sao thì hay vậy. Trái lại, Ngài đã đem vào trong cái vốn học thuật cả tâm hồn, trí tuệ, làm cho cái vốn chết ấy sống dậy, nhân lên rất nhiều lần. Đặc biệt, từ những kiểm nghiệm trong thực tiễn lâm sàng, đôi khi Lãn Ông còn tiến xa hơn, coi trọng sức mạnh của lý tính, và nghi ngờ thuyết định mệnh.

     “Điềm lành điềm dữ thật ra chỉ là sợi dây huyền bí của những chuyện báo ứng hão, còn cái chết thì mới đúng là nỗi đau xót trước mắt. Cho nên hễ gặp một chứng bệnh không chữa được, tôi tuyệt không dám vì cớ không chữa được mà chối từ, mà chỉ lấy tình thực bảo với người nhà bệnh nhân, rồi bóp bụng vắt óc, lo tìm thang chạy thuốc, giành cái sống từ trong chỗ chết, dốc sức cứu vãn người bệnh cho đến khi dương khô âm kiệt mới thôi” (“Tiểu dẫn” Y âm án) (13).

      Con người là tổng hòa các yếu tố tự nhiên và xã hội, với cơ cấu CON + NGƯỜI.

Nhiệm vụ của thầy thuốc là phải chữa trọn vẹn CON NGƯỜI/NGƯỜI BỆNH, chứ không chữa Bệnh bỏ Người, đó là tinh thần chủ đạo của Y đạo, nghệ thuật của lòng nhân ái.

  1. Y Án

     Y án gồm Dương Án là những bệnh Lãn ông cứu sống; còn Âm Án là những bệnh không cứu sống được. Đó là lối truyền kinh nghiệm cả hai mặt. Ở đây Lãn Ông điều chỉnh cặp đối cực Âm Dương, sao cho ổn định  và phát triển yếu tố tích cực Dương, giảm yếu tố tiêu cực Âm theo tinh thần Dịch lý.

 Y Dương án

      Trong lời Tiểu dẫn Y Dương án là những lời tâm sự từ đáy lòng về y nghiệp từ khi mới vào nghề đến khi thành thục có thể chia sẻ, truyền đạt thông tin, trao đổi kinh nghiệm, cổ xúy y đạo. Lãn Ông viết:

     “… không tiếc công phu, bén mùi y học, càng thấy say sưa mới bắt tay chữa bệnh, trước chữa người nhà, sau chữa người ngoài, đã được nhiều phen kinh nghiệm. Trong một năm chữa khỏi hàng ngàn bệnh, không lấy gì làm khó, cũng có một vài bệnh khó rồi cũng phải tìm hết ra ngoài khuôn pháp rồi cũng chữa nổi. Nhân đó chép thành nghiệm án, không biết rằng tự sức mình suy nghĩ được mà thành công chăng? Tôi vẫn không dám đem ý kiến của mình mà khoe với ai, chỉ cốt là ghi lại làm một tập nghiệm cho mình và cho nhà mình đó thôi.”

      Lãn Ông tâm sự những câu chuyện cảm động, day dứt lương tâm với những tình huống nghịch lý khó xử. Nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm và lòng vị tha, mọi sự được giải quyết êm ấm. Đó là chuyện chữa bệnh cho một cháu bé gái bị đậu mùa con gia đình thuyền chài nghèo khổ; rồi đến những nghịch cảnh khác như gặp phải viên thầy thuốc họ Lâm hợm hĩnh, hách dịch lại ghen ghét, đố kỵ tài năng, Lãn Ông lần này thì không bình tĩnh nổi :

     “Tôi thấy họ Lâm chọc tức, lòng muốn cứu sống người bệnh bốc lên mười phần thì lòng căm giận cũng bốc lên mười phần”.

 Y Âm án

.    Trong lời Tiểu dẫn Y Âm án là một y thư đặc trưng khác biệt với các tác giả từ xưa tới nay, y thư  phân tích, đánh giá và tự nhận sai lầm, khuyết điểm. Sau đó kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc sửa sai, rút kinh nghiệm và làm bài học cho hậu thế. Lãn Ông viết:

     “Nghề thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là  việc hay. Cứu được một mạng thì hoa chân múa tay để biểu dương cho người biết; lỡ có thất bại thì lại giấu im đi, ít có người không dấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi cái thói đó chăng?… Trong khi chữa bệnh đã nhiều phen xoay dữ làm lành, cứu chết ra sống biết bao nhiêu người, mà bó tay chờ chết, cũng không phải là ít.”

“Tuy theo nghề y nhưng không hám chữa bệnh lắm đâu, vì e rằng chữa nhiều thì dễ lầm nhiều, nhầm nhiều thì âm càng nhiều, đâm ra làm phúc mà rước họa, nên chăng?”

     Trong số những trường hợp phải bó tay, có một trường hợp được ghi ở Bệnh án số 4, tập Y âm án.

     Một lần, có vùng Nghệ An có loạn, Lê Hữu Trác đem gia đình chạy đến núi Thành. Một nhà phú hộ ở đấy có người vợ bị bệnh thũng, liền đón ông đến, cho ở nhờ, để chữa bệnh cho vợ mình luôn. Lúc đầu êm thấm, vì gặp thầy giỏi bệnh giảm hẳn, ai cũng mừng. Nhưng rồi sau, Lãn Ông thấy “lòng như lửa đốt, nằm ngồi như kim châm”, lại thêm có chỗ không được vừa ý, lòng dạ tức đầy, chán không muốn chữa. Ngài bỏ đi mặc cho gia đình người bệnh níu lại:

     “Cả nhà này nghe tôi nói xong , có ý lo sợ. Người chồng quỳ xuống van lơn hết cách, cố ý giữ tôi lại. Tôi càng bực mình thêm và bỏ đi. Biết không giữ được, bèn sai bốn năm người đày tớ chạy theo đưa tôi về”.

     Kết quả: vì không còn thầy hay, người bệnh ốm nặng trở lại, mười hôm thì chết. (14)

Tại sao Lê Hữu Trác lại bỏ đi? Hình như Ngài cũng lúng túng. Ngài băn khoăn tự hỏi và đồ rằng có lẽ tại số người kia xui nên vậy. Nhưng nói gì chuyện số mệnh ở đây, khi mà chính Lê Hữu Trác, viết lời đề dẫn làm tư tưởng chủ đạo tập sách đã bác bỏ định mệnh? Và sao lại có thể chán nản riêng một trường hợp đó thôi, khi mà ở mọi bệnh án khác trong sách, Ngài đều hết lòng “giành cái sống từ trong cái chết” cho người?

     Sau hàng chục năm học hỏi, chữa bệnh, nghiên cứu, trải nghiệm, Lãn Ông đã có một kiến thức và trình độ nhất định. Xét thấy cần tổng hợp kiến thức và trước tác y thư, vừa dùng để dạy học, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên với môn sinh, đồng nghiệp vừa có ý định lưu truyền cho đời sau.

     Như vậy, toàn bộ tri thức về Y đức, Y thuật và Y lý trọn đời đã được gửi gắm trong bộ y thư “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”.

 Thượng Kinh Ký sự

          Thượng Kinh Ký Sự (phần cuối Bộ “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”).

     Đây là một thiên phóng sự cả về thơ và văn, viết về những điều mắt thấy tai nghe một cách giản dị, trung thực có giá trị như một sử liệu.

 Ký sự thuật lại việc Lãn Ông lên Kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho Chúa Trịnh với bao cảnh éo le đan xen.

      Trong con mắt nữ văn sĩ Pháp, Yveline Féray, Lãn Ông hiện thân như một vị phi anh hùng hay anh hùng thầm lặng. Vị y sư chao đảo bởi cuộc chiến đấu thầm lặng đầy hiểm nguy để giành lại sự sống trong cái chết. Câu chuyện xoay quanh chủ đề, sự đối đầu giữa quyền lực và nghề y, thông qua hình tượng vị danh y bị làm con tin cho hai phe nhóm đối địch là bà Chánh Cung và Ấu Chúa Trịnh Cán. Khẳng định con người kiêm ái, bản lĩnh và khôn khéo trước những cám dỗ danh vọng.

     Nhà nghiên cứu Phan Quý Bích từng nhận định:

”Bà Yveline Féray có con mắt xanh tinh tường và độc đáo khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong suốt mười năm, đã phát hiện hai nhân vật điển hình trên hai lĩnh vực chính trị và văn hóa. Đó là Danh Thần Nguyễn Trãi, về chính trị và Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, về văn hóa”.

     Vinh danh hai nhân vật điển hình của Việt Nam, nữ văn sĩ người Pháp đã cho ra đời hai cuốn tiểu thuyết lịch sử, về Nguyễn Trãi cuốn “Vạn Xuân”, dịch giả Nguyễn Khắc Dương, NXB Văn Học 1997, về Lê Hữu Trác cuốn “Lãn Ông”, dịch giả Lê Trọng Sâm, NXB Văn Nghệ TP. HCM 2005.

     Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trong bài “Lê Hữu Trác và con đường của một trí thức trong cơn phong ba nửa cuối thế kỷ XVIII”- Tr. 492-526, Tổng tập -Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục Việt Nam 2013, đánh giá:

     “Thượng Kinh Ký Sự, đóng góp nổi bật của nhà văn Lê Hữu Trác vào văn xuôi tự sự cổ điển Việt Nam. Đây là một cuốn bút ký rất hiếm thấy trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII… cùng với Hoàng Lê nhất thống chí và các tập tùy bút của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án … những dòng ghi chép chân thực của Lê Hữu Trác đã đem lại cho người đọc một cách nhìn, cách nghĩ và một tình cảm thực sự mới mẻ. Chúng không những gây được một ấn tượng trong lớp đọc giả sĩ phu bấy giờ mà còn ảnh hưởng đến khí sắc văn xuôi chữ Nho giai đoạn sau”.

     Lần lượt khảo sát những điểm nhấn của Lãn Ông trong hành trình lên Kinh.

     Điểm nhấn quyền lực và nghề y là một phát hiện độc đáo xuyên suốt. Đây là khám phá lột tả được trạng thái tâm lý-phản tâm lý hay nghịch lý đấu tranh nội tâm của nhân vật chính.

     Ấn tượng ban đầu đối với chàng thư sinh Thuần Chẩn là bối cảnh rối ren, bất ổn của đất nước, đã được thể hiện trong phần cuối của bài thi Hương. Thấy rõ quan điểm công minh, chính trực và tôn trọng sự thật của chàng thư sinh. Tiếp đến là sự đoạn tuyệt với hiện thực bế tắc không lối thoát đã biến cái chí lớn thành hư không và người tráng sĩ thành cuồng ngông.

     Và con đường đến với chân lý đích thực là trở về. Đây là tác động khách quan, mà toàn dân cùng chung số phận. Còn tác động trực tiếp chính là giữa quyền lực (bộ máy chính quyền) với thầy thuốc và nghề y (yếu tố văn hóa). Trong tất cả các xã hội thì văn hóa luôn bị lép vế trước quyền lực. Một mặt, văn hóa là nguồn sống và nguồn sáng, là trường tồn, là vạn đại, nhưng luôn bị điều chỉnh bởi quyền lực. Mặt khác, quyền lực (chính quyền) là yếu tố nhất thời, nhưng lại được thực thi bởi sức mạnh của mệnh lệnh, hay cưỡng chế hành chính, thậm chí cả vũ lực.

     Mức độ cao thấp của văn hóa luôn tỷ lệ nghịch với độ lớn của bộ máy nhà nước. Ở những nước dân trí càng cao thì nhà nước càng nhỏ, ngược lại, ở những nước dân trí càng thấp thì nhà nước càng to.

     Hãy xem phản ứng của nghề y và quyền lực, khi Lãn Ông nhận được chiếu chỉ của Triều đình ban lệnh và sai lính trấn hộ vệ đưa Lãn Ông ngay lên Kinh đợi mệnh. Ngài nghe thấy tin mà sửng sốt:

    “Tôi thấy sự việc quan trọng như thế, lo sợ vô cùng, người cứ như ngớ ngẩn mất nửa giờ”. Rồi tiếp: “Tôi chỉ ân hận, sao mình đã đi ở ẩn mà chưa ở ẩn cho kín?” Và chấp nhận: “Cây kia có hoa nên bị người ta hái, người ta có cái hư danh nên phải lụy về chữ danh. Ví bằng trốn cái danh đi có tốt hơn không?”(Thượng Kinh ký sự).

     Còn việc gấp của Triều đình là Đông Vương cung Thế Tử đang lâm bệnh nặng cần chữa trị khẩn cấp. Đó là việc đại sự không thể từ chối.

     Tiếp đến là những mối quan hệ đan xen đầy rẫy sự phức tạp, thấp hèn, kể cả bất nhân trong phủ Chúa. Đến các tính cách hoạn quan như đố kỵ, bon chen, nói xấu sau lưng, đồn nhảm, tranh công và vô vàn các cạm bẫy khác. Lãn Ông phải sống và làm việc trong hoàn cảnh bất lợi, đơn phương độc mã trước áp lực của những hoài nghi, ghen tức. Nhưng với bản lĩnh, nghị lực và tài trí, Lãn Ông đã thuyết phục và chiếm được lòng tin của Thánh Thượng và Quan Chánh Đường. Bài thuốc của Lãn Ông được chấp nhận, sau được trọng thưởng mười quan tiền và mũ áo. Trong lời tâu với Thánh Thượng, Quan Chánh Đường nói về Lãn Ông:

     “Ông ta là người quê mùa, ăn nói vụng về, nhưng về hiểu ý lý sâu sắc thì thầy thuốc trong thiên hạ không ai hơn được.” Vừa nghe Chánh Đường nói xong, Lãn Ông phản ứng ngay: “Tôi nghe Quan Chánh Đường nói xong lạnh cả tóc gáy, chuyến này thì mắc vào vòng, trời cứu cũng không thoát được”.  (Thượng Kinh ký sự).

      Mâu thuẫn tâm lý xuất hiện trở thành nan đề, hai nỗi lo chồng chất lên Lãn Ông, thứ nhất, làm sao chữa khỏi bệnh cho Chúa, thứ hai, chữa bệnh được rồi thì sẽ phải chôn chân nơi Kinh thành.

      Trạng thái ”được” hay “bị” triệu lên Kinh cũng như vô vàn các trạng thái khác với tính chất như nhau. Độc lập, tự do luôn luôn bị đe dọa và miễn cưỡng tuân thủ dưới áp lực của mệnh lệnh hành chính (tất nhiên là đối với Lãn Ông). Trước một thế lực áp đảo, thân phận bình dân chỉ còn cách vâng lệnh để an thân, theo đó tùy cơ ứng biến dù đã mắc vào vòng danh lợi nhưng cũng không để danh lợi mê hoặc. Cuối cùng cũng khôn khéo thoát thân.

     Điểm nhấn tiếp theo, Người anh hùng thầm lặng.

     Chúng tôi cho là một đánh giá xác đáng với con mắt tinh tường của nữ văn sĩ Féray về nhân vật văn hóa Việt Nam.

     Lãn Ông hiện thân là Người anh hùng Văn Hóa Việt Nam hay là Danh Nhân Văn Hóa, con người có cống hiến lớn lao cho đất nước và được vinh danh tên tuổi, được viết sách, ghi sử, vẽ tranh, tạc tượng.

     Người anh hùng, trong văn hóa Việt Nam, nhờ nắm vững  TAM CƯƠNG: Nhân, Trí, Dũng. Nhân là Tình thuộc nguyên lý Mẹ, Trí là Lý thuộc nguyên lý Cha, Dũng hay Hùng Dũng là hệ quả của Tình Lý. Anh hùng mang trọn đức tính của các đứa con mang dòng máu Việt là Trai Tài, Gái Đảm, con cái của Mẹ Tiên Cha Rồng của Nhân và Trí.

     Trai tài gái Đảm là kết quả của lao động sáng tạo bằng Nhân và Trí, cũng là nguồn Sống  (Nhân) và nguồn Sáng (Trí) của nền văn hóa.

     Nhớ lại hành động quyết đoán tự chủ của chàng thư sinh Thuần Chẩn khi cởi giáp bẻ tên, trở về với núi rừng, muông thú nơi thâm sâu cùng cốc để bắt đầu bước ngoặt mới của cuộc đời. Đó là một hành động đầy bản lĩnh và cố gắng hướng thiện một cách thầm lặng và an nhiên. Chàng trai Thuần Chẩn dấn thân vào y nghiệp và quyết tâm cắm cờ hồng trong ngành y.

    Những bài học về nghề thuốc đầu tiên khi chàng trai trẻ họ Lê đến nhờ thầy Trần Độc chữa bệnh cho mình, rồi nghe thầy dặn cách dùng thuốc, hỏi thầy cách chữa. Thấy nghề chữa bệnh cũng thu hút sự chú ý, rồi chăm chú nghe thầy giảng giải y lý, đọc sách Cẩm Nang Phùng Thị, những chỗ sâu sắc về dịch lý âm dương trong sách thuốc đều thấu suốt cả. Thầy Trần thấy có năng khiếu bèn muốn dốc hết cả kiến thức của thầy cho cậu tân học trò. Thời gian âm thầm, lặng lẽ trôi và :

     “… cứ miệt mài, không tiếc công phu, bén mùi y học, càng thấy say sưa mới bắt tay chữa bệnh, trước chữa người nhà, sau chữa người ngoài, đã được nhiều phen kinh nghiệm. Trong một năm chữa khỏi hàng ngàn bệnh, không lấy gì làm khó, cũng có một vài bệnh khó rồi cũng phải tìm hết ra ngoài khuôn pháp rồi cũng chữa nổi. Nhân đó chép thành nghiệm án, không biết rằng tự sức mình suy nghĩ được mà thành công chăng? Tôi vẫn không dám đem ý kiến của mình mà khoe với ai, chỉ cốt là ghi lại làm một tập nghiệm cho mình và cho nhà mình đó thôi.” (Tiểu dẫn “Y dương án”).

     Tiếng vang khắp vùng Châu Hoan, khách đến thăm nhà nườm nượp, bệnh nhân cảm tạ, người bình dân thì vài đấu gạo, nhà có của hay những quan chức thì lễ tạ hậu hĩnh. Riêng có trường hợp quan Thự Trấn Hoàng Đình Bảo mắc bệnh nặng, được Lãn Ông chữa chạy tận tình, sau đãi Lãn Ông vào bậc khách quý, ngồi kề sát chiếu, thết đãi rất trọng hậu. Và cũng chính vì cái chữ tín chữa bệnh này mà sau đó “được” ông ta tâu với Chúa Trịnh xuống chỉ, triệu Lãn Ông lên Kinh chữa bệnh.

     Nhớ lại năm Bính Tý 1756 sau mười ba năm kể từ ngày đi thi Hương ở Sơn Nam Hạ, Lãn Ông có dịp gặp lại người em rể họ là Diên Hà Bảng Nhãn Lê Quý Đôn ở Kinh Đô, một thành danh nơi quan trường, sau trở thành quan Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ, một nhà Bách khoa toàn thư lớn của Đại Việt, một ở chốn núi rừng thâm sâu cùng cốc, nhưng âm thầm nổi danh như một y sư, tiếng vang vọng tới Cửu trùng. Hai quan điểm sống trái ngược nhưng vẫn đạt đỉnh thành tựu trong cuộc đời.

Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ Tiên Sinh than vãn khi chia tay Lãn Ông:

     “Giữa thời buổi người ta xô chen giẫm đạp lên nhau mà chết chốn trường thi, thế mà bác Thuần Chẩn một người tài cao, học rộng lại không màng gì với công danh, phú quý để trở thành lão già lười đất Hải Thượng, tinh thông y lý, chuyên tâm trị bệnh cứu người thì quả là một sự lạ lùng!” (15)

     Chính thái độ khâm phục này là một nhận định xác đáng về một con người anh hùng và vô cùng thầm lặng đáng tôn kính này.

Anh hùng bởi một tấm lòng cao cả, một bản lĩnh phi thường, một sức lao động miệt mài bằng Nhân và Trí để cống hiến trọn vẹn cho đời.

     Thầm lặng bởi tự nó không bon chen, không tham chính, không ở nơi kinh đô phố thị, mà âm thầm lặng lẽ, tự tranh đấu với chính mình, ở nơi thâm sâu cùng cốc, hiu hắt quê mùa.

     Vị y sư đã thành tựu từ cái sự giản dị, tầm thường để trở thành phi thường.

Lời kết

      Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hội tụ đầy đủ tinh hoa của Vũ Trụ Càn Khôn, hiện thân như một Thiên Sứ, với Sứ mệnh Cứu nhân độ thế và Khai sáng muôn dân.

    Với tư tưởng khai sáng bằng tri thức trí huệ, Ngài chỉ rõ rằng, y đạo là bể kiến thức vô bờ, đầy chông gai, nhọc nhằn và bí ẩn, muốn vượt qua nó thì không gì ngoài nỗ lực của cá nhân và cái chìa khóa duy nhất là sự hiểu biết:

      “… chỉ lo cái hiểu biết nông hay sâu mà thôi “.

(Y huấn cách ngôn)

     Cho nên, cái sở học, tức là cái vốn tri thức khoa học đích thực của mỗi người được Lãn Ông suy tôn lên đỉnh cao của trí tuệ như là bảo vật quý giá. Đó chính là tinh thần “Cách vật trí tri” của Nho gia.

Trong lời Tiểu dẫn Đạo Lưu Dư Vận, Ngài viết:

“Tôi thà đắc tội với các bậc tiền bối, chứ quyết không phụ cái sở học của tôi”.

 Chúng ta liên tưởng đến những tấm gương đấu tranh và bảo vệ chân lý khoa học (Thuyết Nhật Tâm) đến cùng của các tiền nhân Copernic, Bruno, Galileo Galilei, sẵn sàng đổi mạng sống, dũng cảm, hiên ngang trên giàn hỏa thiêu vì một chân lý cao cả :

“Dù sao Trái Đất vẫn quay”.

     Họ, những con người chết vì lý tưởng cao đẹp, dù ở chân trời nào, với niềm tin chân lý, lòng quả cảm và sự cống hiến cho nhân loại đều trở thành bất diệt.

     Chúng ta vừa kết thúc chuyến thăm Bảo tàng Văn Hóa Lãn Ông, với những cảm nhận khác nhau về quá khứ của một con người, một sự nghiệp và một thời đại. Để kết thúc bài viết của mình, tôi xin trân trọng gửi lại một câu kết từ kho tàng Minh Triết Việt mà nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray đã dùng làm câu kết trong cảm nhận của mình về Lãn Ông:

“Ngôn Bất Tận Tình”.

 Kính cẩn!

 Hà Nội Giờ chính Ngọ, ngày Ngọc Đường Hoàng Đạo (Tân Tỵ), tháng Kỷ Mùi, năm Quý Tỵ , tức 14.07.2013.

 Lê Hữu Khánh, tự Phúc Khánh, Cháu Đời thứ 19 từ Cụ Thủy Tổ Lê Phúc Tiên Cháu Chín đời của Lãn Ông, tự đề.

  Địa chỉ và điện thoại liên lạc: khatsi235@gmail.com, 0904898957, www.huyensu.com

Căn hộ 501 B1, Chung cư Nhạc Viện, số 22/125 phố Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

  Chú thích

  • Kim Định và các tác giả Văn Hóa Việt Nam trên net.
  • Nguyễn Huệ Chi, Bài “Lê Hữu Trác và con đường của một trí thức trong cơn phong ba nửa cuối thế kỷ XVIII” trong Tổng tập “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật”, Nguyễn Huệ Chi. NXB Giáo dục Việt Nam, 2013.
  • Lê Gia Vinh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, 1986. Tự xuất bản 1997, Hà Nội.
  • Xem (3)
  • Các tác giả thường trích dẫn hai vế đầu, vế thứ ba “giữa hiểu nhân tình”, người viết bổ sung cho phù hợp với tam tài Thiên, Địa, Nhân. Mong được chỉ giáo.
  • Việt Nhân, Văn Hóa Thái Hòa Việt tộc 3 tập: Văn Hóa Đông Nam,         Văn Hiến Việt Nam và Đạo lý xử thế, phát hành tại Hoa Kỳ – net
  • , (8) & (9) Xem (6).

(10) Về 3 vị Thánh Đế. Các cụ ngày xưa cũng bị nhầm do sử Tàu viết sai.

Vấn đề Tam Hoàng/Tam Vương Ngũ Đế sử Trung Quốc viết không nhất quán vì không phải gốc của họ. Theo chính sử TQ trong Lịch sử Trung Quốc 5.000 năm (Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương ) bắt đầu từ Nhà Hạ 2205 TCN. Trước đó là thời huyền sử với Bàn Cổ, Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên lại một mình xếp Hoàng Đế lên hàng đầu 3 vị Tam Hoàng và định vị – Hoàng Đế, Phục Hy, Thần Nông (như hiện đang được bài trí trong Y miếu). Trong khi theo huyền sử Bách Việt cũng như trong cổ sử Tàu ghi lại thời Đại Chủng Viêm Việt, lần lượt là Thần Trời – Toại Nhân cho Lửa, Thần  Đất – Phục Hy cho Kinh Diệc/Dịch, Thần Nhân – Thần Nông dạy trồng lúa và nghề y. Còn Hoàng Đế chính là Hiên Viên thủ lĩnh du mục ở tây bắc Trung Quốc (thuộc Đế Kỷ, sau thời Tam Hoàng hơn 600 năm), sau khi đánh thắng Đế Lai tức Li/Si Vưu và xưng Hoàng Đế, đứng đầu Ngũ Đế (Đế Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn) mới hợp sử quan tâm linh văn hóa nông nghiệp Bách Việt. Và được gửi gắm trong trò chơi ú tim của trẻ con Việt Nam vẫn hát xưa nay là “Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, tam vương ngũ đế, bắt dế di tìm, ù à ù ập”.

Cũng theo những nguồn sử sai lệch khác của Tàu, Hoàng Đế còn được gọi là vua sáng chế ra chữ viết, xe cộ, nghề y…

(11), (12),(13), (14) & X. (2)

(15) X. (3)

Tài liệu tham khảo

 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Tập 1,2,3,4. NXB Y học, 2008.

  1. Hải Thượng Lãn Ông, Thượng Kinh Ký Sự.

Biên dịch: Bùi Hạnh Cẩn. NXB Hà Nội 1977.

Biên dịch: Ứng Nhạc Vũ Văn Đình. NXB Văn Học 1993.

  1. Tràng Thành tức Lê Hữu Hành, Gia phả Họ Lê Hữu
  2. Viện Hán-Nôm, Văn Xá Lê Tộc Thế Phả, A 679.
  3. Lê Hữu Quán, Văn bia họ Lê Hữu, NXB Thế Giới 1994.
  4. Viện Viễn Đông Bác Cổ EFEO ấn hành 1972, Thượng Kinh Ký Sự.

     Dịch và chú giải: Nguyễn Trần Huân.

  1. Yveline Féray, Lãn Ông (Monsieur le Paresseux), NXB Văn Nghệ TP. HCM 2005, Dịch giả: Lê Trọng Sâm.
  2. Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông Lê hữu Trác. NXB Y học và Thể dục thể thao, Hà Nội 1970.
  3. GS Pierre Huard & Maurice Durand, Lãn Ông và nền y học Trung – Việt, trong BSEI, tập XXVI, số 3, Sai Gon 1953.
  4. Kim Định và các tác giả Đạo Việt An Vi, net, vietnamvanhien.net, minhtrietviet.net, dunglac.org, laclong.tk với một thư viện đồ sộ về Văn Hóa VN.
  5. Madeleine Colani, giáo sư khảo cổ người Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ EFEO – Đông Dương, công trình nghiên cứu “Văn Hóa Hòa Bình”,1929.
  6. Lê Gia Vinh, Hải Thượng Lãn Ông Lê hữu Trác, 1986. Tự xuất bản 1997 Hà Nội .
  7. Nguyễn Khắc Minh, Việt Y Tổ. com
  8. Nguyễn Huệ Chi, Văn học cổ Cận Đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. NXB Giáo dục Việt Nam, 2013.

Bản này gửi Hội thảo Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Lãn Ông, nhan đề : “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hứu Trác – Cuộc đời & Sự nghiệp”, do UBND Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.

 

 

Các tin liên quan