Tìm về cội nguồn

Lam Kinh- Dấu ấn 10 năm được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt

HLVN – Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ đó tới nay, Lam Kinh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về quy mô, diện mạo, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nói chung, Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh nói riêng đã nỗ lực làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích; kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực để phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa cho biết:” Việc Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đã tạo động lực lớn để Ban quản lý nỗ lực trong gìn giữ và phát huy giá trị di tích”.

Bia Vĩnh Lăng là bảo vật đặc biệt quan trọng ở khu di tích Lam Kinh, được dựng vào năm Thuận Thiên thứ 6, năm 1433, ghi thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Vua Lê Thái Tổ. Sau khi Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh lập hồ sơ trình lên Chính phủ, ngày 30/12/2013, Bia Vĩnh Lăng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia. Từ năm 2013 đến 2019, tại Lam Kinh đã có 5 tấm bia được công nhận Bảo vật Quốc gia, gồm Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái Tổ), Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), Chiêu Lăng (bia vua Lê Thánh Tông), Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến Tông) và Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông). Cũng trong năm 2013, Ban quản lý hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản và đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 18 cây di sản ở rừng Lam Kinh.

Năm 2013 – 2014, Ban quản lý tiếp nhận bàn giao Đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) và Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) để quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ. Công tác bảo vệ, phục hồi rừng đặc dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong các khu lăng mộ, đường nội bộ… được nỗ lực thực hiện. Công tác bảo vệ an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ được quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Hàng chục xe điện được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Ban quản lý Di tích Lam Kinh đã đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trong cả nước xây dựng các chương trình giới thiệu về Lam Kinh, xây dựng trang Website quảng bá, thực hiện chuyển đổi số, giúp  du khách  trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị của di tích Lam Kinh.

Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa cho biết thêm:” Định hướng của ngành văn hóa nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong thời gian tới”.

Đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã trở thành địa chỉ quan trọng trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và cả nước. Lượng khách đến với Lam Kinh ngày càng tăng.

Cố đô Lam Kinh trầm mặc uy nghi, tỏa rạng ánh vàng son một thuở. Dòng chảy Hào khí Lam Sơn từ trong quá khứ được kết nối mạch nguồn đến hôm nay, trở thành động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tiếp bước cha ông, xây dựng quê hương đất nước ngày càng  thịnh vượng.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 14/9/2022

Các tin liên quan