Đó là gia đình ông Lê Đình Duật, trú tại phòng 410, nhà F8, tổ 23, phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội. Từ năm 1999 đến nay, 5 thành viên trong gia đình ông đã đi hiến máu hơn 75 lần, với 88 dơn vị máu.
Nhà ông ở tầng 4 khu tập thể, đó là căn phòng cũ chừng 35 m2, phía sau nhà có khoảnh vườn treo nho nhỏ làm bạn với ông lúc ngơi việc phường, việc hội. Ông vui và tự hào vì hiện các con đã trưởng thành: Con gái đầu, Lê Thị Thanh Hà tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ đang công tác tại Bộ Công an, con gái thứ hai Lê Thành Nam học xong Đại học Tài chính kế toán về làm việc tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cậu út Lê Quyết Thắng nối nghiệp cha khi đang là học viên năm thứ ba, Khoa Tên lửa, Học viện Phòng không – Không quân.
Ông sinh ra và lớn lên tại Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa và bị mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Năm 1963, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng (khi đó mới 18 tuổi). Kết nạp Đảng buổi sáng thì buổi chiều nhập ngũ.
Trải qua các khóa huấn luyện tân binh, học tập tại Sư đoàn 330 (đơn vị Nam Bộ tập kết) và Trung đoàn 228B (đơn vị tiền thân của Bộ đội Tên lửa). Đến tháng 5/1965, ông chuyển về binh chủng tại Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Sư đoàn phòng không 361. Kể từ đó, ông theo bước chân hành quân chiến đấu của đơn vị từ Hà Bắc, Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào Quảng Bình rồi lại quay về bảo vệ Hà Nội.
Tháng 7/1967, ông về làm giáo viên và cán bộ khung của Trường Sỹ quan Phòng không. Chính thời gian này ông đã gặp gỡ và quen thân với Lê Thị Kim Dinh, người con gái cùng quê Thọ Xuân, Thanh Hóa ra Hà Nội làm công nhân tại Nhà máy Dụng cụ số 1.
Năm 1974, ông được cử làm đội trưởng đội vận động viên Quân chủng Phòng không đi dự hội thao toàn quân. Sau đó, ông chuyển đi làm cán bộ Trường Trung học Phòng không, rồi Phó Chủ nhiệm Khoa Quân sự (ĐHBKHN), đến năm 1990 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá.
Trở về với đời thường, ông cùng vợ và các con nhiệt tình tham gia công tác xã hội, các hoạt động tình nguyện. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban chấp hành các Hội Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc của phường Thanh Xuân Trung. Nhiều năm được thành phố, Bộ Y tế, Hội Cựu chiến binh quận khen thưởng.
Năm 1966, khi đang chiến đấu ở chiến trường khu 4, có lần ông cùng một số anh em hành quân qua Trạm Quân y phà Địa Lợi (Hà Tĩnh). Đúng lúc nhiều thương binh chuyển về chờ cấp cứu, mất máu nghiêm trọng. Ông và đồng đội hưởng ứng lời kêu gọi của các bác sỹ trong trạm, hiến máu cứu người rồi tiếp tục nhiệm vụ.
Ông Lê Đình Duật trong Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2013
Đó là lần đầu tiên ông thực sự hiểu được giá trị của những giọt máu quý trong lúc nguy cấp. Một năm sau, ông nhận được tin dữ từ nhà, bố vợ vừa mất trong một trận bom đánh phá. Ông bị một mảnh bom cắt ngang đùi, mất nhiều máu mà bệnh viện lại không có máu để cấp cứu kịp thời.
Mang nặng trong lòng những kỷ niệm sâu sắc đó nên năm 1999, khi phong trào hiến máu nhân đạo vừa được phát động, ông với vai trò hội viên Chi hội Chữ thập đỏ phường đã trở thành một trong những người đầu tiên nhiệt tình hưởng ứng.
Tính đến nay cả gia đình ông đã nhận được hơn 100 bằng khen, giấy khen các loại, đặc biệt là năm 2006 được bầu chọn là một trong hai gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố Hà Nội.
“Tôi chỉ có thể sống trên thế giới này có một lần. Vì vậy, nếu tôi có thể làm bất cứ điều tốt đẹp nào hay thể hiện lòng nhân ái với bất kỳ ai, tôi sẽ thực hiện ngay không chậm trễ bởi vì tôi sẽ không sống trên thế giới này lần thứ hai” – Lời đề tựa của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho phong trào hiến máu nhân đạo được treo trong phòng khách gia đình ông, như lời tự sự của chủ nhân.
Ông bảo rằng, có thể còn ai đó vẫn xem nhẹ ý nghĩa phong trào hiến máu nhân đạo, cho rằng đó chỉ là một phong trào “hình thức”, nhưng những người lính từng vào sinh ra tử như ông đều thấm thía lắm ý nghĩa cao cả của từng giọt máu đầy sự sẻ chia trong những giây phút người ta cận kề với sự sống và cái chết.
Không chỉ vận động con cháu trong nhà, ông và vợ tất tưởi ngược xuôi vận động xóm làng, họ hàng cùng hiến máu. Con số 313 lượt người hiến 275 đơn vị máu mà vợ chồng ông vận động được nghe qua thì giản dị. Nhưng ngồi nghe ông kể công việc đi vận thuyết phục một người hiến máu quả không ít gian nan.
Năm 2013, gia đình ông Lê Đình Duật đã được chọn là gia đình tiêu biểu tham dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc tổ chức tháng 6. Đây là vinh dự, cũng là ghi nhận tấm lòng cao cả của một gia đình đã hết lòng với phong trào hiến máu tình nguyện của Thủ đô những năm qua.
Nguyễn Thành Trung
Quân chủng Phòng không – Không quân