Tìm về cội nguồn

Trận Bình Lỗ đã diễn ra như thế nào?

  • Đặt vấn đề

Chiến tranh Tống – Việt năm 980/981 là cuộc đụng đầu lịch sử giữa Đại Tống thời Tống Thái Tông và Đại Cồ Việt thời Lê Đại Hành. Chỉ trong vòng 4 tháng, quân và dân Đại Cồ Việt đã đánh bại đội quân Đại Tống đông gấp 10 lần (theo tờ sớ của Tống Cảo là đặc sứ nước Tống thời bấy giờ gửi về cho vua Tống thì ở Hoa Lư khi đó chỉ có 3000 Thiên tử quân, phải chống lại 3 vạn quân xâm lược của Đại Tống). Chiến thắng này đã để lại nhiều bài học quý cho các triều đại sau, ngay cả khi sắp lâm chung Hưng Đạo Đại  vương Trần Quốc Tuấn cũng không quên căn dặn lại vua Trần Anh Tông là phải học kinh nghiệm của nhà Tiền Lê về việc “xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống” (ghi trong ĐVSKTT). Còn nhà sử học Lê Văn Hưu thì hết lời ca ngợi tài năng đánh giặc của Lê Đại Hành bằng các từ “dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên” và “người thời Hán, thời Đường cũng không hơn được”.

Những dấu tích trận đánh Tống năm 981 khu vực cửa sông Lồ.

Thắng lợi chống ngoại xâm của Đại Cồ Việt đầu năm 981 là rất lớn. Nhưng sử liệu của nước Tống, tiêu biểu là Tống sử liệt truyện, Tục tư trị thông giám trường biên, An Nam chí lược lại chỉ tập trung ghi về 2 trận thắng của họ, trận đầu vào khoảng tháng 1/981 và trận thứ 2 vào tháng 4/981. Theo Tục tư trị thông giám trường biên thì: “Ngày Tân Mão tháng Chạp năm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (30/1/981), Giao Châu hành doanh (tức Bộ chỉ huy quân Tống) nói phá quân giặc trên vạn, chém được 2.345 đầu giặc”. Và tiếp theo là “Ngày Kỷ Mùi tháng ba niên hiệu Thái Bình hưng quốc thứ 6 (28/4/981), Giao Châu hành doanh tâu rằng: Phá được quân giặc 15.000 người ở cửa sông Bạch Đằng, chém được hơn 1.000 thủ cấp, thu được 200 chiến hạm và hàng vạn áo giáp, binh khí”.

Chiến thắng ban đầu của Đại Tống lớn là vậy, nhưng cuối cùng quân Tống vẫn đại bại và phải rút về nước. Trong khi đó các chính sử cũ của Việt Nam như “Việt sử lược”, “Thiền Uyển tập anh”, “Đại Việt sử ký toàn thư” (ĐVSKTT) thì chép khác nhau về một trận đánh và trận này đại thắng lại thuộc về phía Đại Cồ Việt.

Sau này các nhà nghiên cứu cho rằng trận đánh không diễn ra ở sông Bạch Đằng như ĐVSKTT đã chép mà ở vùng cửa sông Cà Lồ, nơi có thành Bình Lỗ.

Trận đánh đã diễn ra rất nhanh,nhiều tình tiết bất ngờ, Đại Cồ Việt từ chỗ đang thua to bỗng chuyển thành thắng lớn. Vì sao vậy? Tất cả bí mật đều nằm trong trận Bình Lỗ. Vậy bí quyết dẫn đến chiến thắng của Đại Cồ Việt năm 981 là gì và diễn biến của trận Bình Lỗ như thế nào, cần được làm rõ [1].

  • Về ý đồ phá Tống của Hoàng đế Lê Đại Hành

Năm 980, phần lãnh thổ mà Đại Cồ Việt giành lại được sau hơn 1000 năm Bắc thuộc còn rất nhỏ bé, chỉ bằng khoảng 30% so với diện tích lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Dân số không vượt quá 1,5 triệu người, kinh đô lại nằm lọt giữa các núi đá Hoa Lư vắng người, ít của. Tiềm lực của quốc gia lúc bấy giờ tập trung hầu hết ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Để chống lại Đại Tống với hơn 3 vạn quân tinh nhuệ đang ở thời kỳ thịnh vượng nhất (niên hiệu Thái Bình hưng quốc của Tống triều kéo dài từ

12/976 đến 11/984), Lê Đại Hành buộc phải dựa vào “kho người kho của” nằm ở châu thổ Bắc Bộ.

Vì vậy khi được tin quân Tống chuẩn bị kéo sang xâm lược “Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư (tức đại sư Khuông Việt)” đi trước nghiên cứu và chuẩn bị đánh Tống. Sau này các nhà khoa học lịch sử xác định nơi Sư đến là quận Bình Lỗ (quận này kéo dài từ núi Sóc đến sông Cà Lồ, sang cả huyện Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang) và nơi đây cũng chính là quê hương của sư Khuông Việt.

Tháng 7/980 Thập đạo tướng quân (tức Lê Đại Hành) được tôn lên làm vua. Tháng 10 năm đó ông “thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên miền địa đầu Đông Bắc đất nước”. Bằng cách dẫn đại quân xuyên qua giữa “kho người kho của”, nhà vua đã làm nóng lên khí thế của cả nước. Ông cho truyền hịch cầu tài, xuống chiếu tuyển quân, thu lương. Các hoạt động đó ngày đêm lan ra, truyền đến khắp các thôn xóm, trang ấp. Nhờ vậy mà nhà vua đã làm gia tăng sức mạnh đoàn kết chống giặc ngoại xâm của cả nước.

Năm đó Lý Công Uẩn mới 7 tuổi, còn là chú tiểu ở chùa Tiêu Sơn (Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh) nhưng cũng phải thay nhà chùa vác tre nộp cho nhà vua để đắp thành Bình Lỗ, ngăn sông chặn giặc. “Đứa bé ra đình làng, thì mọi người đã vác hết cây nhỏ và nhẹ, còn một cây to dài rất nặng, mọi người bỏ lại, đứa bé liền nhấc lên vai, đi một mạch ra bờ sông. Dọc đường ai thấy cũng kinh ngạc, khen đứa bé mới bảy tuổi mà sức vóc đã phi thường” [2].

Trong khi cánh quân do Lê Đại Hành chỉ huy “ngược sông Đáy, sông Nhuệ” có nhiệm vụ thu lương, tuyển quân, hỗ trợ việc “đắp thành Bình Lỗ” thì cánh quân do tướng Phạm Cự Lượng chỉ huy chia nhau đi bố phòng trấn giữ các cửa sông và nơi hiểm yếu, làm chậm bước tiến của giặc. Rồi cuộc chiến chuyển sang giai đoạn “hai bên đối đầu cầm cự”, trong khi “Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng …. đến sông Đại Than (tức Phả Lại)” thì “Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng” đã đến “sông Đồ Lỗ” tức khu vực Đò Lo và cửa sông Cà Lồ ngày nay.

Tuy nhiên dù nhà vua khi đó đã tuyển thêm được nhiều quân, nhưng phần lớn quân Đại Cồ Việt chưa quen đánh giặc nên khó có thể địch nổi một đội quân Tống thiện chiến và đông đảo. Vì vậy để chắc thắng Lê Đại Hành đã chọn cách đánh bằng phục binh, nghĩa là phải kéo quân Tống đến nơi hiểm yếu có chuẩn bị sẵn để tiêu diệt.

  • Chọn địa điểm mai phục đắp thành Bình Lỗ

Với lực lượng vượt trội, vua Tống kiêu ngạo mắng nhiếc vua Đại Cồ Việt, trong thư gửi đi tháng 8/980 có đoạn: “Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy”.

Để có thể giành thắng lợi Lê Đại Hành đã quyết định chọn một nơi hiểm yếu để bố trí một trận địa mai phục. Nơi đó gần cửa sông Cà Lồ, chính là căn cứ kháng chiến cũ của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát thời Triệu Việt Vương. Sông Cà Lồ dài nhưng nhỏ hẹp, có nhiều khúc quanh co, xưa được nối thông với sông Hồng và nhiều nước hơn ngày nay. Ngược dòng con sông này quân Tống có thể vào sông Hồng và dễ dàng xuôi dòng tiến đánh Đại La. Ở hai bên bờ hạ lưu sông ngày ấy còn là rừng rậm, lầy lội, dân cư thưa thớt, chỉ có thể di chuyển bằng thuyền bè trên sông hoặc trong các kênh rạch.

Tuy khó khăn là vậy, nhưng quân Tống vẫn có khả năng vượt qua. Vì vậy để tăng sức kháng cự, nhà vua đã cho quân sĩ “xây thành Bình Lỗ” và “đóng cọc ngăn sông”. Chính quân do thám do Bát tác sứ là Hách Thủ Tuấn chỉ huy đã “theo lối đường sông đến tận chỗ đất giặc” và phát hiện ở đây một công trình lớn đang được “khơi (đào) rộng ra”.

Các kết quả nghiên cứu gần đây cho biết thành Bình Lỗ được xây dựng trên một gò đất cao, ngay bờ Nam sông Cà Lồ, cách cửa sông ngày nay khoảng 2 km. Với điều kiện địa hình ở đây quân và dân Đại Cồ Việt đã “thung mộc hạn giang” nghĩa là đóng cọc tre gỗ thẳng xuống lòng sông từ bờ này sang bờ kia để cản giặc (khác hẳn kiểu ở sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền).

  • Đánh giả hàng, chia cắt địch, kéo bộ phận quân Tống hung hăng nhất đến chỗ hiểm yếu để tiêu diệt

 

Xét về mối quan hệ giữa sông Bạch Đằng với sông Cà Lồ thì thấy sông Cà Lồ là một phụ lưu của sông Cầu, còn sông Cầu lại là phụ lưu của sông Bạch Đằng. Vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ tại các con sông này, nước thường chảy hiền hòa nên quân Tống từ Bạch Đằng tiến lên không có gì khó khăn.

Tuy nhiên đoạn đường sông này khá dài đến hơn 100 km, nên vấn đề đặt ra đối với Lê Đại Hành là phải làm sao dụ được quân Tống đến khu vực thành Bình Lỗ để tiêu diệt. Muốn vậy phải giả thua, mà phải thua lớn, nghĩa là vừa đánh vừa chạy đồng thời phải vứt lại thật nhiều vũ khí, áo giáp và thuyền bè, kể cả phải giả hàng giặc, thì quân Tống mới tin được. Cho nên trận đại bại của Đại Cồ Việt ngày 28/4/981 (theo Tống sử) chỉ là kết quả của kế nghi binh “đánh giả hàng” và nằm trong kế sách dụ Nhân Bảo “đem quân tiến lên trước” của Hoàng đế Lê Đại Hành. “Đại Việt sử lược” còn ghi cả hướng di chuyển của hai bên: “Vua sai quân đánh giả hàng để dụ Nhân Bảo lên phía Bắc”. Vậy là quân Tống đã đuổi theo quân Đại Cồ Việt trên một quãng sông rất dài, qua cả Lục Đầu (Phả Lại), rồi đuổi tiếp 60 km sông Cầu nữa mới đến cửa sông Cà Lồ.

Sau cuộc hành quân, vừa đánh vừa đuổi theo trên 100 km đường sông, vừa phải thu nhặt nhiều chiến lợi phẩm, vừa bắt tù binh, quân Tống tất mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Trong lúc Hầu Nhân Bảo “cùng đạo tiền quân tiến sâu vào” và vượt lên thật nhanh để bắt Lê Đại Hành, còn đại quân của hắn phía sau thì ngược lại muốn dừng lại nghỉ ngơi và ăn mừng chiến thắng. Trong bối cảnh ấy, cái tên Hoa Bộ nào đó trở thành địa danh tập kết lý tưởng và tạm nghỉ của các toán quân đến sau. Nơi này chắc hẳn phải nằm ngay bên bờ sông Cầu và không quá xa thành Bình Lỗ.

Trận Bạch Đằng mà Tống sử ghi ngày 28/4/981 chắc chỉ là một trận đánh giả hàng bởi vì ngay sau đó quân Đại Cồ Việt còn rất mạnh, vẫn đủ sức đánh tan 3 vạn quân Tống và ngay năm sau (982) còn kéo quân vào Nam đánh phá Chiêm Thành. Nghĩa là quân Tống đã mắc phải mưu kế của Lê Đại Hành, bị chia cắt không phối hợp được với nhau và bộ phận tiền quân thì sa vào trận địa mai phục sẵn. Đúng như Tống sử đã chép: “Hầu Nhân Bảo dẫn tiền quân đi trước, bọn Tôn Toàn Hưng đóng quân bảy chục ngày ở bến Hoa Bộ để đợi Lưu Trừng. Nhân Bảo nhiều lần thúc giục nhưng không đi…Giặc trá hàng để dụ Nhân Bảo, Nhân Bảo tin theo, rút cục bị hại”.

  1. Bao vây, diệt gọn đội quân tiên phong cùng với chủ tướng của địch

Do cố đuổi bắt Lê Đại Hành đang ‘thua chạy’ ở phía trước, đạo tiền quân tiến sâu vào sông Hữu Ninh (tức đoạn hạ lưu sông Cà Lồ) mà không biết. Đến khi phát hiện thành Bình Lỗ và chiến lũy “ngăn sông” ở trước mặt, chúng vội rút lui nhưng không kịp. Khi đó “đoàn âm binh áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt quay lại bịt kín cửa sông Cà Lồ. Đạo tiền quân của Hầu Nhân Bảo bị vây chặt trong đoạn sông Hữu Ninh, chúng phải liều chết xông lên đánh chiếm thành Bình Lỗ và bị quân Đại Cồ Việt chống trả quyết liệt. Ngày nay tại chân gò đất cao (vị trí của thành Bình Lỗ) còn

để lại cái tên Ngòi Ác (nơi sông Cà Lồ tách ra thành 2 nhánh tạm gọi là Hữu Ninh 1 và Hữu Ninh 2) như một minh chứng của trận chiến ác liệt năm nào. Kết quả là “quân giặc kinh hãi” phải “rút về giữ sông Hữu Ninh”. Nhánh sông Hữu Ninh 2 nhỏ hơn đã bị vùi lấp, nay còn để lại nhiềudấu tích, chạy dài đến 3 km từ gò đất cao đến bờ sông Cầu ở cuối làng Như Nguyệt. Tại đây “Nhân Bảo bị giặc vây đánh rất hăng, quân viện đến cứu không kịp, Nhân Bảo bị giết chết ở giữa sông”. Dọc con sông này còn lưu lại những cái tên như Ngòi Ác, Cầu Cửa Ma, Đầm Lâu, Bờ Xác, Đình Mừng,… như phản ánh lại những chiến công xưa

Sách “Sự thực loại uyển” (事實類苑) của Giang Thiếu Ngu (江少虞) thời Nam Tống (1127/1279) dẫn từ Tương Sơn dã lục (湘山野錄) cho biết “Nhân Bảo bị người Giao Chỉ bắt, chém bêu đầu ở huyện Chu Diên (仁寶為交趾所擒,梟首於朱鳶縣,宜然也)”.

Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết, Tôn Toàn Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy, đạo quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết (sử Việt không ghi rõ địa danh này, có thể là khu vực Hiệp Hòa, Bắc Giang) lo sợ rút lui. Quách Quân Biện ngược theo sông Cầu chạy đến Vũ Nhai (một huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên) thì bị bắt. “Vua đem các tướng đuổi đánh. Quân Khâm Tộ thua lớn, chết hơn phân nửa, thây chất đầy đồng, bắt tướng chúng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư [3].

  1. Ý nghĩa của chiến thắng Bình Lỗ

Cuộc kháng chiến năm 980-981 thắng lợi trọn vẹn, Lê Đại Hành đã lợi dụng điều kiện địa hình sông ngòi của nước ta, bố phòng hợp lý khiến cho quân Tống không dùng được kế đánh nhanh thắng nhanh. Ông lại thực thi có hiệu quả thuật “tâm công” coi trọng đánh vào tinh thần, tư tưởng quân địch và kế trá hàng làm cho các tướng Tống không lường trước được.

Trận đánh ở khu vực thành Bình Lỗ khiên quân Tống hàng chục năm sau vẫn còn sợ hãi. Năm 1005, nhân khi vua Lê Đại Hành chết tình hình Đại Cồ Việt rối ren, các quan lại nhà Tống xin tiến quân để trả thù, nhưng vua Tống Chân Tông vẫn một mực từ chối. Chiến thắng Bình Lỗ thực sự là một mốc son chói lọi, mở đầu một thời kỳ dài 1000 năm giữ nước vang dội tiếp theo của nhân dân ta.

Tại khu vực Bình Lỗ ngày nay còn để lại nhiều di tích lịch sử gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Tống (năm 981 và 1077) thuộc 3 tỉnh là Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang. Nhiều di tích đã được công nhận ở những mức độ khác nhau như đền Xà, nơi phát tích của bài thơ “Nam quốc sơn hà” lần thứ hai, đền thờ Lý Thường Kiệt mới được xây dựng năm 2018, căn cứ kháng chiến của hai vị anh hùng Trương Hống – Trương Hát ở Tiên Tảo (Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội), làng Ba Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) và nhiều cái tên cũng như địa danh lịch sử khác. Thành Bình Lỗ, nơi phát tích lần đầu của bài thơ “Nam quốc sơn hà”, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân dân Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo tài tình của Hoàng đế Lê Đại Hành rất cần được xem xét tôn tạo và lưu giữ cho muôn đời sau.

LÊ ĐẮC CHỈNH

TLTK

1-Trận Bình Lỗ đã diễn ra như thế nào? Nghiên cứu lịch sử. https://nghiencuulichsu.com/2019/03/04/tran-binh-lo-da-dien-ra-nhu-the-nao/

2-Bình Lỗ. Bách khoa toàn thư mở. Wikipedia

Các tin liên quan