Kết nối dòng họ

Họ tộc Lê Văn, cuộc chia ly gần hai thế kỷ

Chiến tranh loạn lạc và những thăng trầm của các triều đại đã khiến nhiều họ tộc rơi vào cảnh ly tán, xa rời tổ quán, thân thuộc không biết nhau mãi cho đến sau ngày đất nước yên ổn, đời sống an cư mới tìm gặp và nhận ra mình một họ.

Nhưng cuộc chia ly của họ tộc Lê Văn đã diễn ra trong kinh hoàng, trong nỗi sợ sệt, uất nghẹn và kéo dài gần hai thế kỷ.

TỔ QUÁN LÀNG BỒ ĐỀ

Họ Lê Văn có nguồn gốc xa xưa ở làng Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc thiên cư vào Đàng Trong đầu thế kỷ 16, lập nghiệp tại làng Bồ Đề, là rẻo đất từ nam sông Vệ đến hết đèo Bình Đê, xưa kia thuộc huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, dinh Quảng Nam.
Đứng đầu họ tộc Lê Văn là cụ Lê Văn Lương, không biết năm sinh năm mất, chỉ biết cụ Lương là người lớn tuổi nhất họ tộc, mất chôn tại Xóm Bèo (Bàu), ấp Nho Lâm, làng Bồ Đề, huyện Mộ Hoa, nay là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ bà Lê Văn Lương là ai, mộ nơi đâu con cháu không rõ.
Gia phả họ Lê Văn lập tại làng Bồ Đề bằng chữ Hán Nôm, viết cụ Lê Văn Lương có một người con trai tên là Lê Văn Tính (sinh khoảng năm 1680), lấy vợ là Trần Thị Quý, sinh được 11 người con (6 trai, 5 gái). Ông Lê Văn Hiếu là con thứ bảy của ông Lê Văn Tính (sinh khoảng năm 1720) lớn lên trên đất Bồ Đề, huyện Mộ Hoa là dãi đồng bằng ven biển nên thạo nghề sông nước.
Ông Lê Văn Hiếu lấy vợ là bà Nguyễn Thị Ân, năm 1742 (Nhâm Tuất) sinh được một con trai tên là Lê Văn Toại. Bà Nguyễn Thị Ân qua đời năm nào không rõ. Ông Lê Văn Hiếu ở vậy nuôi con khôn lớn, cưới vợ cho con. Vợ của ông Lê Văn Toại là bà Nguyễn Thị Lập.
Theo tư liệu lịch sử đất Quảng Ngãi, vào đầu thế kỷ thứ 16 chúa Nguyễn Hoàng cho đổi thừa tuyên Quảng Nam thành dinh Quảng Nam gồm 5 phủ, đổi tên phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa (hay Ngãi) thuộc dinh Quảng Nam.
Phủ Quảng Ngãi dưới thời các chúa Nguyễn có ba huyện là Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa (sau đổi thành Mộ Đức); riêng ở miền núi phủ Quảng Ngãi gồm 4 nguồn là nguồn Phù Bà, nguồn Cù Bà, nguồn Ba Tư (hay Ba Tơ), nguồn Đà Bồng. Các cửa nguồn của các dân tộc miền núi đều lệ thuộc vào các phủ huyện, kiểm soát việc buôn bán trao đổi giữa miền xuôi, miền ngược và thu nộp thuế hàng năm.
Ở miền xuôi, cư dân Đàng Ngoài, đoạn Thanh Hoa (đời vua Minh Mạng đổi thành Thanh Hóa), Nghệ An tiếp tục di cư vào khai đất, lập làng, hình thành thêm các làng thôn mới.
Cuối thế kỷ 16 do cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn tạm dừng, thời thế yên ổn, chúa Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở mang bờ cõi, ổn định sự cai trị các vùng đất phía Nam.
Năm 1679, tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch cùng thuộc hạ vượt biển sang nước Nam xin cư trú, được chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) cho vào lập nghiệp tại Mỹ Tho. Ba ngàn người Minh Hương cùng với người Việt di dân vào từ trước tiếp tục khẩn hoang, mở ra các vùng đất mới bên sông Tiền lập làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa và khu thương mại Mỹ Tho đại phố.
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phía Nam, thấy nơi đây “đất đã mở mang hàng ngàn dặm và có dân trên 4 vạn hộ”. bèn lập phủ Gia Định chia đất Ðông Phố, lấy xứ Ðồng Nai làm huyện Phục Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng Phiên Trấn, lập xã Minh Hương.
Từ đó trở đi, người miền ngoài đi lại buôn bán tấp nập nên vùng Gia Định càng thêm sầm uất.
Các đời chúa sau như Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần việc mở cõi về phương Nam đã vươn tới các vùng sông nước hoang vu. Thời gian nầy ngoài những người lánh nạn binh đao, còn có tù tội trốn tránh làng thôn, nạn nhân của các thế lực chịu án lưu đày…đã vào khai phá các vùng đất đầm lầy, rừng rậm ven sông Cái (sông Tiền) lập thành đất Vũng Cù (tức Đồng Tháp Mười ngày nay)

SỰ PHÁT TÍCH VÀ HIỂN VINH CỦA HỌ TỘC LÊ VĂN

Khoảng năm 1760, ông Lê Văn Hiếu và vợ chồng con trai mình rời làng Bồ Đề, tỉnh Quảng Ngãi theo đường biển vào vùng sông nước phía Nam. Lúc ghe vào con sông rộng lớn của xứ Mỹ Tho (sông Tiền), thấy đất vàm xanh tốt, ông Lê Văn Hiếu dừng lại, lên bờ chặt cây cất nhà khởi đầu cuộc sống. Nơi đó sau là vàm Trà Lọt làng Hòa Khánh, tổng An Hòa, tỉnh Định Tường.
Năm 1764 ở vàm Trà Lọt xảy ra dịch bệnh thiên thời. Ông Lê Văn Hiếu không may mắc bệnh mà chết. Năm này, con trai đầu lòng của ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập ra đời đặt tên là Lê Văn Duyệt.
Năm 1765, gia đình ông Lê Văn Toại rời đất Trà Lọt, sang ấp Thạnh Hòa, làng Long Hưng, Mỹ Tho sinh sống. Tại đây, gia đình ông Lê Văn Toại vừa làm ruộng, vừa sống bằng nghề sông nước, cuộc sống khá giả. Ông bà lần lượt có thêm các người con là Lê Văn Oai, Lê Văn Phong, Lê Văn Đến và hai người con gái là Lê Thị Năm, Lê Thị Hổ.
Cuộc chiến Trịnh Nguyễn tái diễn, nội bộ phủ chúa rối rắm chuyện tranh quyền, lại thêm quân Tây Sơn nổi lên “Phò Lê, diệt Trịnh” gây cảnh binh biến loạn lạc, cung quyến của chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ chạy bằng đường biển vào đất phương Nam.
Năm 1777, quân Tây Sơn truy đuổi quân Nguyễn bắt được chúa Nguyễn Phúc Thuần và cung quyến tại Long Xuyên, may còn Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát được, cùng vài tướng cũ lo việc phục quốc.
Lê Văn Duyệt là người ít học (do mắc tật kín nên ngại đi học), có chí lớn, mê đá gà, đá cá nhưng thích học võ và rất giỏi võ. Năm 15 tuổi (1779), Lê Văn Duyệt từng nói “Sinh ở thời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là bậc trượng phu”.
Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hòai Đức, năm 1781, trong một đêm mưa to gió lớn, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn; thuyền của Nguyễn Phúc Ánh bị chìm gần vàm Trà Lọt. Gia đình ông Lê Văn Toại phát hiện chèo xuồng ra cứu thoát và đưa về nhà tá túc. Thưởng công cứu giá, Nguyễn Phúc Ánh nhận Lê Văn Duyệt vào quân ngũ, sau phong lên chức Cai cơ coi sóc nội binh.
Từ đó trở đi, Lê Văn Duyệt theo phò chúa Nguyễn trên bước đường bôn tẩu trốn quân Tây Sơn truy đuổi, từ Gia Định lánh ra Phú Quốc, rồi sang Xiêm (Thái Lan) lên tận Vọng Các. Năm Mậu Tuất (1788), được Võ Tánh giúp sức, chúa Nguyễn Phúc Ánh đưa quân về lấy lại Gia Định.
Do phải chuẩn bị binh lực tiến ra Bắc đánh dẹp 20 vạn quân Thanh, nên quân Tây Sơn không vào Gia Định nữa. Chúa Nguyễn Phúc Ánh có thời gian và điều kiện củng cố ngai vị, thu phục nhân tâm, đắp thành Bát Quái, hàng năm lúc gió mùa thổi mạnh, cử tướng giỏi đưa thủy quân ra đánh Quy Nhơn gây cảnh chinh chiến triền miên. Dân chúng oán hận gọi quân nhà Nguyễn là “giặc mùa”.
Từ năm 1789, Lê Văn Duyệt được đứng vào hàng tướng lãnh của chúa Nguyễn.
Năm 1793, thế và lực của nhà Tây Sơn suy yếu dần. Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Thành, Võ Di Nguy và Võ Tánh theo Nguyễn Phúc Ánh ra đánh Qui Nhơn, lấy được phủ Diên Khánh và phủ Bình Khương.
Tháng 1 năm 1801, Lê Văn Duyệt cùng các tướng Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại. Đây là trận thắng rất hiển hách của Đô Thống chế Tả dinh Lê Văn Duyệt.
Tháng 5 năm 1801, Nguyễn Phúc Ánh kéo quân vào cửa Tư Dung, Lê Văn Duyệt phá được quân Tây Sơn, bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách rồi vào cửa Eo. Vua Cảnh Thịnh mang quân ra giữ cửa Eo nhưng thua phải chạy ra Bắc.
Ngày 3 tháng 5 Nguyễn Phúc Ánh đem binh vào thành Phú Xuân, lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long.
Công lao phò chúa Nguyễn Phúc Ánh của Lê Văn Duyệt rất lớn. Ông là bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn, là võ tướng nắm giữ chức Tả Quân trăm trận trăm thắng, có biệt tài chiêu dụ hàng tướng, đi đến đâu đều bình định an dân đến đó.
Triều Gia Long, Tả quân Lê Văn Duyệt được hưởng nhiều quyền lợi và quyền lực, giữ chức Tổng trấn Gia Định thành, cả họ tộc được vinh hiển, ông bà tổ tiên được truy tặng chức hàm.
– Ông Lê Văn Toại được sắc phong Chưởng cơ Quyên thanh hầu tặng Thống chế, đời vua Minh Mạng được gia tặng Tráng Võ tướng quân, trụ quốc Đô thống, thụy là Cung Tinh.
– Bà Nguyễn Thị Lập được ban Nhất phẩm phu nhân, vua Minh Mạng gia tặng Tráng võ Tướng quân Trụ quốc Đô Thống Lê công Chánh thất, Nhứt phẩm phu nhơn, thụy là Trinh Thuận.
– Ông Lê Văn Hiếu được truy tặng Quang Tấn Chiêu nghị tướng quân, Cẩm y vệ cai cơ Hiếu Thuận hầu, thụy Cương Chánh. Bà Nguyễn Thị Ân được tặng Tư Thục Cung Nhơn.
– Ông Lê Văn Tính được tặng Quang Tấn hộ quân Võ lược tướng quân Cẩm y vệ cai đội Tính thiện hầu, thụy Hiệu Thuận. Bà Trần Thị Quý được tặng là Từ thiện nghi nhân.

Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành hai thời kỳ, 1813-1816 và từ 1820 đến lúc qua đời năm 1832. Gia Định trở thành vùng đất sầm uất, kinh tế phát triển; về ngoại giao thì lân bang nễ sợ, thương buôn nước ngoài khâm phục sự phát triển của vùng đô thị Phiên An. Đối với nhân dân, kỷ cương phép nước được giữ gìn. Trộm cắp không có, ăn mày rất ít. Trẻ con lễ phép với người lớn.
Trong các người em của Lê Văn Duyệt duy chỉ có Lê Văn Phong là theo phò chúa Nguyễn, cùng anh mình lập nhiều công lao, được phong đến chức Tả dinh Đô thống chế.
Năm Nhâm Tuất (1802) ông Lê Văn Phong phụng mệnh vua Gia Long dẫn quân lên đánh Lạng Sơn khiến tướng Tây Sơn trấn thủ là Hoàng Văn Kim, Hiệp trấn Trương Văn Luyện phải mở cửa thành mà hàng.
Năm 1820, Lê Văn Phong được cử làm Phó Tổng trấn Bắc thành, cùng với Lê Chất là Tổng trấn, coi việc quân cơ, cai quản vùng đất rộng lớn từ Ninh Bình đến Lạng Sơn.
Họ tộc Lê Văn truyền tiếp đời sau từ ông Lê Văn Phong, người có hai bà vợ và các bà vợ lẻ. Bà Chánh thất là Tống Thị Hạnh (tên khác là Hằng), bà thứ thất không rõ tên, một bà vợ lẻ tên Nguyễn Thị Bình.
Các bà vợ sinh được 27 con trai, 4 con gái và những người con khác.
Tả quân Lê Văn Duyệt không có con nên vua Gia Long chỉ dụ Lê Văn Duyệt lập con trưởng của Lê Văn Phong là Lê Văn Yến làm con thừa tự. Con trai thứ của Lê Văn Phong là Lê Văn Tề được lập làm con trưởng. Triều vua Minh Mạng, Lê Văn Yến được vua gả em gái thứ mười là công chúa Ngọc Ngôn, trở thành Phò mã Đô úy.
Năm 1824, Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong về thăm quê, trở bệnh rồi qua đời tại Gia Định. Lăng mộ Ngài được đức Tả quân Lê Văn Duyệt xây tại thôn Tân Sơn Nhứt, quận Bình Dương, phủ Tân Bình, Gia Định
Tả quân Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất năm 1832, mộ táng tại thôn Bình Hòa, quận Bình Dương, tỉnh Gia Định.
Năm 1833, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi do có nhiều uất ức đã cầm đầu một số tội nhân chiếm thành Phiên An, giết quan Bố chánh. chống lại triều đình.
Gia Định đất bằng dậy sóng.

THẢM SÁT VÀ LY TÁN

Cuộc binh biến của Lê Văn Khôi bị dẹp tan vào năm 1835 khiến thành Phiên An tử khí ngút trời. 1831 người là quan quân dưới quyền Lê Văn Khôi bị triều đình ra lệnh chém ngay tức thì. Máu chảy thành sông, thây chất thành núi, chôn vùi một chỗ gọi là Mả Ngụy.
Hàng ngàn người gồm cha mẹ, vợ con, anh chị em của các người làm phản gây bạo loạn thành Phiên An, từ Cao Bằng đến Định Tường, An Giang đã bị bắt giữ, nay đem ra xử chém không chừa một ai.
Năm 1836, triều đình xét xử vụ nổi loạn chiếm thành Phiên An của Lê Văn Khôi, các quan triều đình đã dâng sớ lên vua Minh Mạng buộc Lê Văn Duyệt 7 tội phải chết.
Vua Minh Mạng nghị triều xét Lê Văn Duyệt dù đã chết, tội vẫn truy, lẽ ra đào mộ phanh thây, nhưng nghĩ công lao của Lê Văn Duyệt với Tiên Đế, sau nầy dẹp loạn Bình Man, giữ yên bờ cõi phương Nam nên ra chỉ dụ san bằng mồ mả Lê Văn Duyệt ở Bình Hòa thôn và cắm bia khắc chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”.
Theo luận tội của các quan triều đình, họ tộc Lê Văn còn phải bị thu hồi 38 đạo sắc phong vua ban, bia mộ thân sinh Đức Tả quân ghi phẩm hàm phải đục bỏ, ruộng đất hương hỏa ở làng Long Hưng và các nơi khác bị tịch thu. Con cháu họ tộc Lê Văn trên 18 tuổi đều quy tội chết, dưới 18 tuổi giam trảm hậu.
Kinh thành Huế chứng kiến cảnh đầu rơi, máu đổ. Phò mả Đô úy Lê Văn Diễn được vua Minh Mạng ban ân cho tự chết, các người em kế là Lê Văn Tề, Lê Văn Phước, Lê Văn Thận, Lê Văn An, Lê Văn Hào, Lê Văn Sầm, Lê Văn Doanh bị buộc tội làm phản giam giữ đến năm 1838 đưa ra hành quyết.
Con của Lê Văn Yến là Lê Văn Diễn, Lê Văn Minh; con của Lê Văn Tề là Lê Văn Hiệp, Lê Văn Dũng do còn nhỏ nên đưa đi an trí ở Cao Bằng.
Cuộc chia ly bi thảm của họ tộc Lê Văn bắt đầu từ năm 1838. Những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, trẻ con mất cha sống trong sợ hãi, nơm nớp lo phải vào nơi cửa tử.
Đau thương, uất nghẹn chất chồng!
Phu nhân đức Tả quân Lê Văn Duyệt, các nàng hầu của Ngài không phải tội chết nhưng phải giam một thời gian, tịch biên gia sản, đuổi ra ngoài thành thứ dân. Bà Đỗ Thị Phẩn vào tu trong một ngôi chùa, sống quạnh hiu đến lúc qua đời.
Công chúa Ngọc Ngôn, vợ Phò mả Đô úy Lê Văn Yến, sống trong chốn cung đình uy nga, đầu đội tang chồng, thương nhớ các con, sống mỏi mòn chết lúc 52 tuổi.
Trong cơn binh biến loạn lạc, một số quan quân thân tín và con cháu họ Lê Văn đã chạy thoát khỏi thành Phiên An.
Lê Văn Dược, con trai Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong, đưa vợ và các con trốn ở vùng rừng Quang Hóa phía bắc Gia Định chôn giấu gươm đao, áo mão, mai danh ẩn tích, đổi họ Lê sang họ Nguyễn. Quang Hóa là vùng rừng hoang có nhiều cổ thụ, năm 1830, Phó Vệ úy Lê Văn Khôi vâng lệnh Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt lập trại khai thác gỗ rừng đưa về tu sửa thành Phiên An.
Ở Quang Hóa, ông Lê Văn Dược và các con khai đất lập làng, sống hòa đồng với người Khmer nơi Gò Tháp. Do đổi sang họ Nguyễn nên con cháu sau nầy khó biết rõ tung tích các bậc tiền hiền, hoặc có biết cũng không đầy đủ và không dám nói lại cho con cháu hiểu rõ ngọn nguồn.
Hậu duệ họ tộc Lê Văn ở làng Long Hưng, Định Tường sau ngày án lệnh ban ra đã trốn khỏi làng, mai danh ẩn tích, tránh họa tru di. Mồ mả ông bà ở Long Hưng không ai hương khói. Nhà thờ hoang vắng. Cây cỏ mọc thành rừng.
Một số hậu duệ trốn chạy đã vượt sông Tiền, đi mãi về vùng sông Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ở đây, họ khẩn đất trồng trọt, sống cùng cư dân địa phương, sinh con cái, không dám nhắc đến cội nguồn.
Năm 1870, một hậu duệ họ Lê Văn tên là Lê Văn Dương (sinh năm 1851) rời làng quê An Hội, tổng Bình Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đi ra miền ngoài.
Theo con cháu của cụ Lê Văn Dương kể lại thì ở Măng Thít cụ có mười anh em đều đã qua đời nên cụ buồn bỏ xứ ra đi. Cụ Dương đăng lính, sau làm đến chức Chánh Lãnh binh Đội trưởng ở Hưng Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tuy đã làm quan nhưng cụ Lê Văn Dương vẫn không về lại Măng Thít, dù ở đó cụ còn vợ và hai con gái.
Cụ Lê Văn Dương lập gia đình và định cư tại vùng đất Bạch Hạc thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Cụ Lê Văn Quyền, con trai trưởng của cụ Lê Văn Dương, lúc cao tuổi về quê nhà sống với con cháu, có căn dặn: “Mình là hậu duệ của Đức Tả quân, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Khi có điều kiện thì về miền Nam tìm họ hàng”
Năm Tự Đức nguyên niên (1847), các quan triều đình dâng sớ tấu xin xem xét lại các vụ án oan của các Đại thần triều Nguyễn là Lê Chất, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành. Vua Tự Đức xem sớ tâu cảm động đã ban chỉ dụ xóa tội trạng cho các vị Đại thần, phẩm hàm và quyền lợi của gia tộc dần được phục hồi.
Từ năm Tự Đức nguyên niên (1847), giông bão đã qua, trời quang mây tạnh. Họ tộc Lê Văn như được hồi sinh. Người sống sót tìm nhau, hỏi nhau ai còn, ai mất, ai trốn chạy phương nào có biết hay không?
Án tội họ tộc Lê Văn đến năm nầy là chấm dứt.
Hai người con của Phò mả Đô úy Lê Văn Yến là Lê Văn Diễn, Lê Văn Minh và con của ông Lê Văn Tề là Lê Văn Hiệp, Lê Văn Dõng (Dũng) trước đây bị đày đi Cao Bằng nay được tha về.
Lê Văn Diễn được sắc phong ấm thọ chức Kỵ Đô úy, về sống ở Huế lo việc thờ tự tổ tiên, giữ Phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Phú Mộng, Huế. Ông có bốn bà vợ và rất đông con.
Lê Văn Minh về làng Bồ Đề sinh sống, xây lại nhà thờ Đức Tả quân, chăm lo mồ mả tổ tiên, rồi ra Huế ở với các con lúc nầy đều được triều đình trọng dụng làm quan đến chức Chánh đội Cấm binh, Tinh binh Chánh đội, Phó Lãnh binh …
Con cháu đời sau học hành đỗ đạt cao, hưởng lộc triều đình.
Con ông Lê Văn Tề là Lê Văn Hiệp được tha về làm chức Phó Lãnh binh, sau được phong Chánh Lãnh binh, qua đời tại Huế.
Lê Văn Dõng là suất đội ở Hà Nội. Không rõ sau nầy làm gì.
Họ tộc Lê Văn ở kinh thành Huế dần xóa được mặc cảm tội đồ, lấy lại sự quý trọng của triều đình và dân chúng. Phủ thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt ở thôn Phú Mộng, làng Kim Long hương hoa ấm áp dù thời gian có làm mái ngói rêu phong, vườn xưa ít nhiều xơ xác.
Ở đất Nam kỳ, năm 1850, quan tỉnh Định Tường trả lại 32 mẫu ruộng của phụ thân Lê Văn Duyệt cho Lê Văn Niên là con bà Lê Thị Hổ, để lo hương hỏa cho song thân đức Tả Quân.
Cùng thời gian nầy, dân làng Long Hưng trình quan sở tại một người cháu nội của Tả Dinh Thống chế Lê Văn Phong tên là Lê Văn Thi (con út của ông Lê Văn Dược) bấy lâu sợ tội nên mãi trốn tránh. Lê Văn Thi đến chợ Bà Chiểu, lo việc xây cất miếu thờ Đức Tả Quân. Việc xây miếu hoàn tất, ông tìm về Mỹ Khánh sống với cha mẹ và các anh.
Ông Lê Văn Thi mất năm nào không rõ, mộ ở ấp Bình Thượng, xã Thái Mỹ. Bài vị phụng thờ tại Lăng miếu Tả quân là bậc Tiền hiền.
Đến năm 1868, vua Tự Đức chuẩn cho Nguyễn Văn Thành được phục chức Vọng Các công thần, Chưởng Trung quân Bình Tây Đại tướng quân, Quận công; chuẩn cho Lê Văn Duyệt truy phục chức Vọng Các công thần, Chưởng Tả quân Bình Tây Đại nguyên soái, Quận công, được thờ tại miếu Trung Hưng Công thần. Truy phục cho Đặng Trần Thường làm Tham tri bộ lại, Lê Văn Quân là Bình Tây Đô đốc, Chưởng quân Lê Văn Chất là Tả quân Đô Thống chế.
Qua vụ án Lê Văn Khôi và triều đình xử tội Tả quân Lê Văn Duyệt, người đời sau chỉ thấy họ tộc Lê Văn có hàng trăm người bị xử chém, bị lưu đày; những mất mát họ Lê Văn gánh chịu là rất lớn. Nhưng, còn một mất mát khác gần hai trăm năm sau hậu duệ Lê Văn mới nhận ra được, đó là “sự thất lạc họ tộc”, là “đánh mất cội nguồn” hậu quả của các cuộc đào tẩu, thay tên đổi họ tìm con đường sống.

HỌ TỘC LÊ VĂN VỚI LÒNG YÊU NƯỚC

Năm Bính Thìn 1856 (Tự Đức thứ 9), triều đình nhà Nguyễn phải đối đầu với họa xâm lăng của người Pháp sau vụ bắn phá các đồn lũy quân triều đình ở Đà Nẵng.
Năm 1858, quân Pháp với 14 tàu chiến và 3 ngàn quân trở lại Đà Nẵng bắn phá các đồn lũy và chiếm hai thành Tôn Hải, An Hải. Chiếm Đà Nẵng nhưng quân Pháp không đánh ra Huế, mà chuyển quân đánh xứ Nam Kỳ là vùng đất trù phú, nhiều lúa gạo và thiếu phòng bị.
Năm 1859, Gia Định mất vào tay quân Pháp. Rồi 6 tỉnh Nam kỳ cũng lần lượt mất dù triều đình Huế đã đi sứ cầu hòa, xin chuộc đất.
Các đời vua Nguyễn sau Tự Đức như Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định thời gian ngồi trên ngai vàng dài ngắn khác nhau, quyết tâm chống giặc hay hàng giặc khác nhau nhưng đều có cái chung một điểm là tư tưởng cổ hủ, cuộc sống bó hẹp chốn cung đình, làm gì cũng bị số quyền thần, võ quan yếu hèn chi phối.
Đầu thế kỷ 19, ba miền đất của Việt Nam trên danh nghĩa là đất “thuộc địa”, “bảo hộ” của người Pháp nhưng thực tế thì người dân Việt đã là nô lệ da màu của những ông chủ “Phú Lang Sa” văn minh và tàn ác.
Cho đến những năm 30, tư tưởng tiến bộ được truyền bá, các cuộc nổi dậy của nông dân bùng nổ, phong trào đấu tranh được tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đã tạo ra sức mạnh mới cho nhân dân ba miền giành lại độc lập, tự do.
Gần một trăm năm qua, nỗi đau của họ tộc Lê Văn vẫn còn âm ỉ. Người chết đã yên mồ yên mả, người thất lạc vẫn chưa tìm về họ tộc! Nhưng đất nước rơi vào tay ngoại bang, dân tình điêu đứng, cuộc sống lầm than; con cháu họ Lê Văn nhắm mắt khoanh tay sao được? Dù ở các miền đất khác nhau và chưa có mối liên lạc họ hàng, hậu duệ Lê Văn vẫn có chung lòng yêu nước, đã tham gia phong trào tiến bộ, gia nhập các tổ chức đấu tranh chống lại bọn quan quyền tay sai giặc Pháp.
Ông Lê Văn Quyền (con trưởng cụ Lê Văn Dương) sinh năm 1901, lớn lên ở Vĩnh Phúc, đi học trường Bưởi, Hà Nội(trường dành cho con cái quan lại) thông tuệ Pháp văn, Hán văn và khoa học. Ông tốt nghiệp bằng Diplome, về dạy học ở làng Mọc, Thanh Xuân, Hà Nội và viết báo lấy bút danh là Lê Long Hội. Ông tham gia hoạt động cách mạng, bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) và cấm cố ở Bạch Hạc.
Năm 1945, ông Lê Văn Quyền tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và xây dựng chính quyền cách mạng tại Bạch Hạc, huyện Vĩnh Tường. Trong thời gian 1945- 1952, ông Lê Văn Quyền là phó Chủ tịch huyện Vĩnh Tường.
Em thứ tư ông Lê Văn Quyền là ông Lê Văn Đô là liệt sĩ chống Pháp trong phong trào Quốc dân Đảng (thân Cộng sản) của Nguyễn Thái Học.
Năm 1931, ông bị Pháp bắt tại Lạng Sơn và bị xử tử hình không giam giữ. Cái chết của ông Lê Văn Đô kéo theo cái chết tiết liệt của người vợ là bà Lê Thị Uân 21 tuổi. Bà Uân tự tử ở cầu Việt Trì để trọn nghĩa với người hy sinh vì nước. Con của bà Lê Thị Uẩn là Lê Văn Úc lúc đó được 4 tháng tuổi. Lớn lên, với thù nhà nợ nước nặng hai vai, Lê Văn Úc gia nhập bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp.
Các người con của cụ Lê Văn Dương, tức em trai và em gái của ông Lê Văn Quyền, đều tham gia kháng chiến chống Pháp, là bộ đội, là cấp dưỡng phục vụ chiến đấu.
Con trai của ông Lê Văn Quyền là ông Lê Văn Lý tham gia giành chính quyền tại xã Bạch Hạc và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tự vệ Vĩnh Tường, là Huyện đội truởng đầu tiên của huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 1947, ông Lê Văn Lý gia nhập quân đội, là sĩ quan cho đến lúc nghỉ hưu, bậc lương Thiếu tướng.
Ông Lê Văn Thủ sinh năm 1917 tại làng Bồ Đề, Quảng Ngãi là hậu duệ đời thứ Mười họ tộc Lê Văn. Ông tham gia cách mạng trước năm 1940, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1941. Sau cách mạng tháng tám, ông Lê Văn Thủ là Bí thư huyện ủy Mộ Đức.
Năm 1954, ông Lê Văn Thủ tập kết ra miền Bắc, đi học trường Đại học Thương nghiệp và tốt nghiệp trung cao cấp trường Nguyễn Ái Quốc Hà Nội. Sau 1975, ông Lê Văn Thủ về Nam làm Bí thư huyện Diên Khánh, tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa)
Hậu duệ họ Lê Văn trên đất Bồ Đề còn nhiều người tham gia hoạt động cách mạng, hy sinh xương máu, giữ gìn truyền thống yêu nước của họ tộc.
Tại Gia Định, ông Lê Văn Dược khai khẩn vùng Quang Hóa, cùng với con cháu đời sau là Lê Văn Nguyên, Lê Văn Thành, Lê Văn Ngọt, Lê Văn Thi…và các họ Dương, Vương lập nên làng Mỹ Khánh, rồi làng Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ.
Năm 1934, ông Hai Tạo từ Tân Mỹ (Đức Hòa) qua Thái Bình Hạ, ở đậu nhà ông Lê Văn Tất (hậu duệ họ Lê đời 5), vừa dạy võ cho thanh niên, vừa tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Ông Hai Tạo lấy vợ là con gái ông Cả Hiệp, cùng với ông Lê Lâm (Tư Lâm, hậu duệ đời 5) là anh em cột chèo, ông Lê Văn Tất, ông Lê Văn Trừu (Hai Trừu), ông Lê Văn Nguy (Hai Nguy), ông Tám Bộ lập ra tổ đảng tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.
Năm 1944, ba làng Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng và Thái Bình Hạ được nhập lại thành làng Thái Mỹ thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định
Tháng 8 năm 1945, sau khi giành chánh quyền, ông Lê Văn Trừu thành lập mặt trận Việt Minh do ông làm chủ nhiệm, ông Lê Văn Nguy làm thơ ký. Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của làng Thái Mỹ được thành lập với ông Lê Văn Trừu làm Bí thư, ông Lê Văn Sống (Sáu Sống, hậu duệ đời 5) là Phó bí thư, Lê Văn Tất (Năm Tất) ủy viên Thường vụ.
Chi bộ đảng và Ủy ban Kháng chiến xã Thái Mỹ được củng cố. Ông Hai Khiêm (Lê Văn Khiêm) được bầu làm Bí thơ chi bộ xã, ông Lê Văn Nguy ủy viên Thường vụ. Riêng ông Lê Lâm thoát ly tham gia lực lượng võ trang Chi đội 12, tỉnh Gia Định Ninh.
Trong thời chiến tranh chống Mỹ, nhiều lần địch càn quét gom dân, đốt nhà, giết trâu bò, xúc lúa của dân; người dân Thái Mỹ và hậu duệ họ Lê vô cùng cơ cực, nghèo khó. Nhà cửa không còn, mạng sống bị đe dọa nhưng nhiều cán bộ chiến sĩ là con cháu của họ Lê vẫn bám đất Thái Mỹ hoạt động, chiến đấu, vì nước quên thân.
Ông Lê Văn Sống (Sáu Sống) hậu duệ đời 5, Phó bí thư chi bộ đảng năm 1947, bám đất hoạt động và hy sinh tại Phước Hiệp-Củ Chi, năm 1967. Ông Lê Văn Tiển du kích xã, chuyên chế tạo mìn trái, hy sinh năm 1969. Ông Lê Văn Dìa, Bí thư xã đoàn, hy sinh 1971
Bà Nguyễn Thị Lan, tức Lê Thị Lan và chồng là ông Nguyễn Văn Mười bám đất giữ làng, động viên các con cầm súng đánh giặc. Ông bà có 3 người con lần lượt hy sinh, được công nhận liệt sĩ. Sau năm 1975, bà Lê Thị Lan được nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ở ấp Tháp còn 3 gia đình các ông Út Sẵng (Lê Văn Sẵng), Chín Miền (Lê Văn Miền) và Út Huyền (Lê Văn Huyền)- hậu duệ họ Lê Đời 4- bám đất, nuôi cán bộ, cất giấu võ khí, đạn dược.

VIẾT LẠI LỊCH SỬ HỌ TỘC

Hậu duệ Lê Văn làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đời thứ Mười có ông Lê Văn Thủ, sinh năm 1917 (Đinh Tỵ), giỏi chữ Hán, có lòng thành kính ghi lại gia phả họ tộc.
Ông Lê Văn Thủ chọn “ngày lành cuối thu, năm Bảo Đại thứ 12 (1938) sắm lễ dâng lên từ đường, mời thầy giỏi đến chiếu theo gia phả cũ mà biến thành bản mới, liệt kê các đời theo thế thứ phân minh…”
Từ bản ghi chép của ông cha, hậu duệ họ Lê Văn biết được cội nguồn, dốc lòng tìm hiểu lịch sử và ghi chép lại thành gia phả họ tộc.
Gia phả làng Bồ Đề lập đến đời ông Lê Văn Thủ là đời thứ Mười.
Năm 1993, ông Lê Văn Thủ và con trai là Lê Ngọc Ấn tu chỉnh bản dịch từ gia phả gốc và ghi tiếp từ Đời thứ Mười Một trở về sau.
Sau ngày được tha về, ông Lê Văn Diễn sống ở kinh thành Huế, lập gia đình và chép lại gia phả họ tộc.
Tiếc rằng bộ gia phả nầy đã thất lạc.
Hậu duệ các đời sau truyền nhau trông coi Phủ thờ Đức Tả quân tại Phú Mộng. Từ Lê Văn Vị, Lê Văn Dương (Hai Đồ), Lê Doãn Tế đến Lê Chánh Nguyên (Đời thứ Mười), chuyển cho con là Lê Chánh Tuấn (Đời thứ Mười một)
Ở Huế còn một Chi họ Lê Văn từ lâu an cư lạc nghiệp là hậu duệ của Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong và bà Nguyễn Thị Bình. Gia phả họ tộc Lê Văn do ông Lê Văn Chương (đời thứ Bảy) lập, ghi bà Nguyễn Thị Bình là vợ lẻ của Lê Văn Phong.
Hậu duệ của Chi nầy cũng bị thảm sát ít nhiều trong năm 1838.
Sau ngày giải phóng, hậu duệ họ Lê ở Thái Mỹ, Củ Chi lấy lại họ tộc mình, truy tìm nguồn gốc dòng họ, tìm kiếm họ hàng lưu lạc các nơi và lập nhà thờ họ tộc, cúng giỗ cụ Tổ Lê Văn Dược ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Do đổi sang họ Nguyễn, lại thêm loạn lạc kéo dài nên về sau một số con cháu ông Lê Văn Dược lưu cư ở các vùng đất Tân Mỹ thuộc huyện Đức Huệ (Long An), Trảng Bàng, Châu Thành, Hòa Thành (Tây Ninh) thiếu mối liên lạc dòng họ, khó biết rõ tung tích các bậc tiền hiền
Được hai ông Lê Văn Huyền, Lê Văn Tạc (Đời thứ Tư) nhắc nhở, con cháu họ Lê đã tìm hiểu, viết lại lịch sử họ tộc chi ông Tổ Lê Văn Dược, ấp Tháp xã Thái Mỹ và Tây Ninh. Hành trạng các ông bà đời trên không ghi rõ được, hậu duệ các đời sau gắn với cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, phát huy được lòng yêu nước.
Thái Mỹ giáp ranh làng An Tịnh, Trảng Bàng nên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một số con cháu họ Lê Văn tham gia cách mạng hoạt động trên đất Tây Ninh; số khác về Tây Ninh lập nghiệp, đã lập thành một Nhánh họ Lê Văn trên vùng đất Tây Ninh.
Nhánh Lê Văn ở Tây Ninh cúng giỗ Tổ Lê Văn Dược trước một ngày (12 tháng 3) gọi là cúng Tiên thường tại nhà ông Lê Văn Chiền. Sau ngày ông Lê Văn Chiền qua đời, con trai là Lê Văn Sỹ tổ chức cúng Tổ.
Qua lời kể về lịch sử dòng họ và gặp gỡ nhau trong các kỳ giỗ kỵ mà họ hàng Lê Văn các nơi Tân Mỹ, Đức Hòa, Thái Mỹ, An Tịnh, Sài Gòn, Tây Ninh ngày một gần hơn, có sự kết nối thân thiết các đời sau.
Ở miền Bắc thời kỳ sau năm 1954 cho đến đầu những năm 1900, triều Nguyễn với các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và các vị Đại thần như Tả quân Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Bắc thành Lê Chất, Hiệp trấn Bắc thành Lê Văn Phong … ít được nhắc đến. Hậu duệ họ Lê Văn chi cụ Lê Văn Dương ở miền Bắc cũng không rõ tông tích tổ tiên do các đời trên không dám tiết lộ.
Mãi đến năm 2000, ghi nhớ lời kể của cụ Lê Văn Quyền, qua tìm hiểu họ tộc trong vùng và tra cứu tư liệu lịch sử mà ông Lê Lý Ninh (hậu duệ đời thứ Tư) đã ghi chép lại gia phả họ tộc Lê Văn Dương (Vĩnh Phúc) đến đời thứ Sáu. Việc tìm lại nguồn gốc họ tộc trong Nam chưa có kết quả do đất đai làng quê thay đổi tên gọi, địa giới hành chánh xứ Vĩnh Long xưa kia nay rất mờ nhạt; vợ và hai con gái của cụ Lê Văn Dương qua đời đã lâu, khó dò ra tông tích.

HỌ LÊ VĂN NGÀY NAY

Năm 1993, ông Lê Văn Thủ (đời Mười) vận động con cháu góp sức xây lại nhà thờ đức Tả quân Lê Văn Duyệt tại thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lần thứ năm nhà thờ Đức Tả quân tại đây được xây lại .
Sau ngày nghỉ hưu, ông Lê Văn Thủ vào Đồng Nai sống với con trai mình là ông Lê Quảng Châu. Ông qua đời năm Tân Tỵ (2001), chôn tại Đồng Nai.
Bà Lê Thị Cúc, con gái út của ông Lê Văn Thủ, và chồng là ông Huỳnh Thắng trông coi nhà thờ, giữ mối liên lạc họ tộc ở Tổ quán với các nơi con cháu trực hệ đang sinh sống như Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội và với các Chi họ khác.
Hậu duệ ông Tổ Lê Văn Dược (Thái Mỹ, Củ Chi) các đời Năm, đời Sáu tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng tại Tây Ninh; nay giữ các vị trí lãnh đạo Đảng và chánh quyền tỉnh.
Bà Lê Thị Bân, ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh là con ông Lê Văn Miền.
Ông Lê Văn Bầu (Lê Minh Thành) nguyên Thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tây Ninh là con ông Lê Văn Sẳng.
Ông Lê Tấn An, nguyên phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Tây Ninh, trưởng ban Quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam là con ông Lê Văn Huyền.
Ông Lê Minh Trọng phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh.
Ông Lê Hồng Châu, nguyên tỉnh ủy viên, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Hai người con gái của bà Lê Thị Bia và ông Nguyễn Văn Thuấn là bà Nguyễn Thị Thu Hà, ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Hai hậu duệ họ Lê Văn quan tâm đến họ tộc là ông Lê Văn Sỹ kinh doanh thành đạt và ông Lê Văn Hải nhà giáo đều cư ngụ tại Tây Ninh.

Trong năm 2011, hậu duệ họ tộc Lê Văn các nơi có dịp tìm đến nhau kết nối họ tộc, tạo sự cảm thông sâu sắc về nỗi đau ly tán gần hai trăm năm trước.

Tháng 4 năm 2011, ông Lê Lý Ninh (Chi họ Lê Văn Dương ở Vĩnh Phúc) vào Nam viếng nhà thờ Thân phụ và Tả quân tại làng Long Hưng, qua bài viết về họ Lê trên mạng Internet đã tìm về Thái Mỹ thăm viếng cụ Lê Văn Huyền, dự giỗ Tổ Lê Văn Dược (13 tháng 3) và gặp các hậu duệ họ Lê ở Thái Mỹ và Tây Ninh.

Tháng 6 năm 2011, ông Lê Văn Hải (Tây Ninh) có dịp tìm về viếng mộ các cụ Tổ họ Lê Văn tại Tổ quán thôn Bồ Đề, Quảng Ngãi, kết nối được dòng họ Lê Văn ở Thái Mỹ-Tây Ninh và Tổ quán.

Các hậu duệ đời thứ Mười Một họ Lê Văn đã tìm gặp và nhận nhau cùng họ trong nụ cười và nước mắt, trong sự hãnh diện và tưởng nhớ tổ tiên phải chăng là dấu chấm hết cuộc chia ly của họ tộc Lê Văn trải qua gần hai thế kỷ?./.

Diệp Hồng Phương

Các tin liên quan