Trong nước

Lê Huy Du (1757 – 1835)

LÊ HUY DU (1757 – 1835)

Lê Huy Du hiệu là Bạch Trai, quê xã Bột Thượng, nay thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh là Lê Văn Hạnh làm Tri huyện Trung Thuận. Lê Huy Du đỗ Hương tiến năm Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779). Khoa thi Hội năm Đinh Mùi (1787), niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đây là khoa thi cuối cùng của nhà Lê. Vừa nhận chức Hộ khoa Cấp sự trung ông đã phải cùng với triều thần đưa Lê Chiêu Thống đi lánh nạn khi nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc. Thời gian này ông giữ chức Đốc vận quân lương đạo Lạng Sơn.

Lê Huy Du bước vào quan trường trong bối cảnh chính trị xã hội ở Đàng Ngoài rất phức tạp. Nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc lật đổ chính quyền Lê – Trịnh. Lê Chiêu Thống sai người sang cầu viện quân Mãn Thanh. Vua nhà Thanh là Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng chỉ huy 29 vạn quân tràn vào nước ta. Tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ đăng quang ngôi Hoàng đế và thần tốc tiến quân ra giải phóng Thăng Long vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Lê Chiêu Thống và Hoàng tộc cùng một số quan lại theo đám tàn quân của Tôn Sĩ Nghị chạy sang Trung Quốc. Lê Huy Du không theo Lê Chiêu Thống “tòng vong” và cũng không cộng tác với Tây Sơn [1] mà đưa gia đình về ẩn cư ở phường Yên Thái (Thăng Long) trong 16 năm.

Năm 1802, vương triều Nguyễn được thành lập. Để tăng cường đội ngũ quan lại (đặc biệt là văn quan), vua Gia Long xuống chiếu chiêu mộ những người đã đỗ Hương cống, Tiến sĩ triều Lê ở Bắc Hà, kể cả những người đã từng làm quan dưới triều Tây Sơn ra giúp rập vương triều mới. Tháng 4 năm Nhâm Tý, Gia Long thứ 3 (1804), Lê Huy Du được bổ nhiệm chức Đốc học Sơn Tây [2]. Ông giữ chức này trong thời gian 8 năm, đào tạo được rất nhiều thế hệ thành tài.

Mặc dù đã ra cộng tác với triều Nguyễn, nhưng tâm tư  của Lê Huy Du vẫn hướng về nhà Lê. Năm 1804, khi hài cốt vua Lê Chiêu Thống được đưa từ Trung Quốc về nước, Lê Huy Du đã viết bài thơ cảm hoài, nói lên tâm sự hoài niệm về “nước cũ, người xưa” [3].

Nằm gai nếm mật mấy mấy năm thừa

Nấm cỏ đem về tấc đất xưa

Ải Bắc bao lần, rồng ẩn bóng

Non Nam một dải, hạc về trưa

Nhớ câu năm nọ như ngày nọ

Nghĩ đến bao giờ khóc bấy giờ

Thua được cuộc cờ thôi đành vậy

Nặng ơn cây cỏ vẫn không thừa.

Tháng 2 năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 10 (1812), Lê Huy Du được điều về giữ chức Đốc học Hoài Đức, tức kinh thành Thăng Long xưa [4].

Tháng 10 năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819), ông đương chức Đốc học Hoài Đức được cử làm Giám thí trường thi Hương ở Sơn Nam hạ. Khoa này trường Sơn Nam hạ lấy đỗ 30 Hương cống [5].

Tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), lúc này Lê Huy Du đã 65 tuổi, lấy lý do già yếu ông xin về trí sĩ và được Minh Mệnh chấp thuận.

Trong 18 năm làm quan dưới triều Nguyễn, Lê Huy Du chỉ giữ một chức quan là Đốc học. Ông là một nhà giáo dục nổi tiếng, đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng. Học trò của ông nhiều người đỗ Tiến sĩ, Hương cống và trở thành những nhà văn hóa, những chính trị gia xuất sắc sau này như Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ Lê Duy Trung, Tiến sĩ Hoàng Tế Mỹ, Cử nhân Lý Văn Phức… Khi về trí sĩ, ông mở trường dạy học ở quê nhà, học trò các nơi nô nức đến theo học. Vũ Phạm Khải từ Nam Định cũng lặn lội vào xứ Thanh xin làm môn đồ. Vũ Phạm Khải sau này trở thành một danh thần của nhà Nguyễn. Nhiều con em trong xã nhờ ông dạy dỗ mà thành đạt. Con trai ông là Lê Huy Côn đỗ Giải nguyên khoa Quý Dậu (1813) làm quan đến chức Tri phủ.

Lê Huy Du là một người thầy nghiêm khắc. Tương truyền rằng, khi ông làm Đốc học Quốc Tử giám, sĩ tử rất kính nể ông, nhưng cũng rất e sợ bởi tính nghiêm khắc của ông trong các cuộc bình văn, các kỳ thi tuyển. Làm quan nhiều năm nhưng ông sống rất liêm khiết, gia cảnh thanh bần. Khi ông mất, học trò cùng nhau quyên góp tiền bạc xây dựng nhà thờ cho thầy. Tiến sĩ Lê Duy Trung khi được bổ nhiệm làm Đốc học Thanh Hóa, việc đầu tiên là về Hoằng Lộc bái lạy Từ đường, tỏ rõ lòng biết ơn của trò đối với thầy. Trong nhà thờ hiện còn đôi câu đối viếng của Tiến sĩ Lê Văn Trung:

唐 盛 文 章 鍾 大 歷

Đường thịnh văn chương chung Đại Lịch

宋 興 道 學 倣 湖 洲

Tống hưng đạo học phỏng Hồ Châu[6].

Dịch:

Đường nổi văn thơ như Đại Lịch

Tống vang đạo học, khắp Hồ Châu

Câu đối có ý so sánh tài văn chương của Lê Huy Du, sánh với các bậc danh Nho ở Trung Quốc thời “Đường thịnh, Tống hưng”.

Lê Huy Du mất tháng giêng năm Ất Mùi (1835) hưởng thọ 79 tuổi. Trước khi mất, ông bình thản ngâm hai câu thơ:

一 生 事 業 歸 何 處

“Nhất sinh sự nghiệp quy hà xứ

千 古 科 名 在 後 人

Thiên cổ khoa danh tại hậu nhân”.

(Một thời sự nghiệp về đâu

Nghìn năm khoa cử để sau một người).

Môn sinh của ông là Lý Văn Phức từng viết bài thơ ca tụng công lao, đức nghiệp của Thầy:

Bột Thượng ngô phu tử

 

Thành quân[7] lão giáp khoa

 

Tinh vi khai thác thược

 

Khí tiết động sơn hà

 

Thu tễ Uyên Minh[8] kính

 

Xuân thâm Thiệu Tử[9] oa

 

Giang quan vi phụ cấp

 

Tự giác lậu hoài đa

Dịch nghĩa:

Thầy ta ở Bột Thượng

Đỗ đại khoa đã lâu

Sự tinh diệu của Thầy khai trời mở đất

Khí tiết của Thầy chấn động núi sông

Trong sáng như gương Uyên Minh trời thu tạnh sáng

 Ấm áp như nhà Thiệu Tử mùa xuân nồng

Mang cặp đi tìm học gặp bao khó khăn

Tự biết mình còn nhiều điều kém cỏi.

Dịch thơ:

Thầy ta ở Bột Thượng

Tên sớm nêu bảng vàng

Tài trí mở vũ trụ

Tiết cao lừng núi sông

Xuân nông công Thiệu Bá

Thu sáng Uyên Minh gương

Tự biết cần tìm học

Ngại chi muôn dặm đường [10].

Trong tác phẩm Lịch đại danh hiền phổ, biên soạn thời Nguyễn có riêng một chuyện viết về Lê Huy Du. Nội dung bài viết như sau: Ông người làng Bột Thượng, phủ Hoằng Hóa, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Vị, niên hiệu Chiêu Thống (1787). Văn chương của ông tinh vi thân mật lắm, sự học của ông chỉ cốt tìm hiểu cho rõ ràng những ý nghĩa của sách, sau ông làm Đốc học trong Quốc Tử giám 8,9 năm đào tạo các bậc anh tài, thành tựu rất nhiều…

[1] Về thái độ ứng xử của tầng lớp trí thức Nho học Thanh Hoá trong giai đoạn lịch sử này, chúng tôi đã phân tích ở chương I.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (Đệ nhất kỷ), tập I, sđd, tr. 600.

[3] Trích trong Gia phả họ Lê Huy. Tác giả Phan Trần Chúc trong tác phẩm Bánh xe khứ quốc, viết về Lê Chiêu Thống cũng có nhắc đến bài thơ này nhưng không rõ tác giả của bài thơ mà chỉ cho biết đó là của một ẩn sĩ.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (Đệ nhất kỷ), tập I, sđd, tr. 834.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (Đệ nhất kỷ), tập I, sđd, tr. 998.

Nhà Đường ở Trung Quốc (618 – 907) là triều đại rất thịnh về văn học. Đại Lịch là niên hiệu của vua Đường Đại Tông (763 – 780).

Nhà Tống (960 – 1279) đạo Nho phát triển rực rỡ, người ta thường gọi là Tống Nho.

[7] “Nhà Thành quân (trường học cao nhất, chỉ Quốc Tử giám) là chỗ đầu phong hoá, mô phạm quan hệ ở đấy”. Theo Đại Nam thực lục (Đệ nhị kỷ), tập III, tr. 105

[8] Uyên Minh: người có khí tiết thanh cao (đời Tấn)

[9] Thiệu Tử (tức Thiệu Bá): Là vị quan tốt có công với dân

[10] Bản dịch của Trần Thị Băng Thanh. Dẫn theo Hoằng Lộc đất hiếu học.

Các tin liên quan