Trong nước

Lê Huy Phan (1838 – 1896)

LÊ HUY PHAN (1838 – 1896)[1]

Ông có tên huý là Phan, tự là Lỗ Bão, hiệu là Tĩnh Trai, vốn quê gốc làng Thọ Vực xã Bút Sơn. Ông nội là Trọng Mai, thi đỗ Hiệu sinh thời Lê,  từng làm quan. Cha là sinh đồ Thuần Nhã, mẹ họ Lê tên huý là Tín. Sinh năm Mậu Tuất (1838) đời vua Minh Mạng, mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh rất nghèo, được người chú họ là Giáo thụ phủ Quảng Hoá Cổ Đam tiên sinh Thận Ngôn đưa về làng Cát Xuyên nuôi dưỡng cùng với người em. Được chú tận lòng chăm sóc dạy dỗ, lại cho theo học tại nhà thầy Đỗ Dưỡng Hiên ở Nghĩa Sơn. Năm 24 tuổi Lê Huy Phan thi đậu Cử nhân khoa thi hương năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1861) tại trường thi Thanh Hoá[2], sau khi thi đỗ được bổ thụ chức Cai đội. Năm Tự Đức thứ 26 (1873) được bổ làm Tư vụ ở bộ Lại, hàm Hàn Lâm viện Điển tịch. Tháng 10 cùng năm, Vua Tự Đức cử đi theo quan Kinh lược. Tháng 7 niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875) bổ làm Tri huyện huyện Kim Thành. Tháng 3 năm Tự Đức thứ 30 (1877) được cất cử làm quyền nhiếp phủ Bình Giang, tháng 11 cùng năm được thăng cấp hai trật làm Giám sát ngự sử đạo Nam Nghĩa[3]. Năm Tự Đức thứ 31 (1878) tháng 4 ông được giao giám sát trường vụ cả hai trường thi văn võ ở Bình Định, sau đó lại trở ra giám sát hai trường thi  ở Hà Nội…

Tháng 8 năm Kiến Phúc thứ 1 giao cho nhận chức Chủ sự ở bộ Lại, hàm Hàn Lâm viện Điển tịch, lại sung vào làm Hành tẩu viện Cơ mật. Tháng 5 đời vua Hàm Nghi thứ nhất (1885) do kinh thành có biến được điều động về làm việc ở sở Thương bạc. Tháng 2 năm sau sung Bang tá tỉnh vụ tỉnh Thanh Hoá.

Thời kỳ làm quan ông đã có công tiễu trừ bọn phiến loạn, phát giác những kẻ tham quan cho triều đình, khi ông giữ chức Tri huyện huyện Kim Thành có một tên giả danh là thông ngôn cho Pháp tên là Sự, dựa thế quyền giặc làm rối cả một hạt dân làm khổ nhiều người. Ông đã khéo léo bắt được quả tang tên ấy giải đi[4]. Khi Trương Văn Để trước ở quân thứ Quảng Ngãi, Bình Định, bọn Sơn mán đến cướp, biền binh hoặc những kẻ bị thương bị chết, việc ấy giấu đi không tâu lên, bị quan khoa đạo Lê Huy Phan (từ trường thi Bình Định về tâu lên). Đến nay tra ra quả thực, phạt trượng (80) tội đồ (2 năm)[5]… Lúc ông đương giữ chức giám sát Ngự sử đạo Nam Nghĩa, ông kê tới hai chục lá sớ tâu lên vua phát giải nhiều việc trái phép, cho nên bấy giờ trong kinh thành Huế phường hát tuồng truyền đạt câu hát về việc ấy rằng: “Thiên tử hà uý Nam Nghĩa Ngự sử”. (Không sợ Thiên tử chỉ sợ quan Ngự sử hai tỉnh Nam Nghĩa)[6].

Ngoài ra, ông còn cứu vớt, gỡ tội cho rất nhiều người, hoặc kêu gọi giặc cướp quy thuận, nhiều kẻ nghe theo trở về quê làm ăn yên ổn. Tháng 6 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) được làm quyền Chánh sứ Sơn phòng, Thương Tá tỉnh vụ, tháng 8 niên hiệu Thành Thái thứ 1 (1889)  được thưởng hàm Hàn Lâm viện Trước tác, sau đó 2 năm được thụ phong chức Viên ngoại lang ở bộ Hộ, được giao làm Giám khảo trường thi Nghệ An. Việc thi cử xong xuôi, ông cáo bệnh trở về nhà, nhiều lần triều đình mời ra nhưng ông cứ cáo bệnh không nhận. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), ngày 7 tháng 5 ông mất  hưởng thọ 59 tuổi.

Lê Huy Phan là mẫu người thanh liêm chính trực, cả cuộc đời chỉ lo cho cho cuộc sống của sinh dân, yên ổn của triều đình, sự kiện còn ghi lại khi ông đang giữ chức Tri huyện Kim Thành “khi đê Văn Giang vỡ, các địa phương trong tỉnh góp tre đến đủ mà nộp ngay trên đê, ông thấy việc làm như thế vừa phiền hà mà tốn kém công sức dân, ông bèn sức cho dân trong huyện tính giá đổi sang tiền mà nộp cho nha lại, việc ấy được dân rất đồng tình. Hoặc trong 2 năm ông làm Tri huyện Kim Thành, ông được nhân dân rất mực tín phục, sau đó triều đình  cất cử ông lên nắm quyền nhiếp chính công việc ở phủ Kinh Môn, nhiều lần nhân dân huyện Kim Thành làm giấy xin lưu giữ lại nhưng không được[7]. Thời vua Đồng Khánh ông đang làm Bang tá tỉnh vụ tỉnh Thanh Hoá, dân ở Danh Mao, Danh Bái của xã Điền Lư, huyện Cẩm Thuỷ thu hoạch vụ mùa vì cố ý theo bọn phỉ tặc mà gây mất trật tự trong hạt, ông được cử lên chiêu dụ dân, dân trong hạt nghe theo quy thuận[8]

Đối với làng xóm họ hàng, ông lấy điều nghĩa làm cho người ta nhìn thấy lấy ơn huệ, giúp đỡ kẻ khốn khó, nâng đỡ học trò tiến bước dần dần lên, ông thường nói: “Văn chương nghĩa lý là gì? Văn chương phải từ nghĩa lý mà ra, không nghĩa lý thì không thể có văn chương”[9]. Thường ngày trong gia đình rất khoan hoà hiếu thảo, rất thương mến anh chị em trong gia đình. Khi ông đang làm Bang tá tỉnh vụ nhà ở bị quan Pháp đốt cháy cả, người em trai là Lê Ngọc Dự bị chết lây, ông được tin khóc dận mà nói “Việc nước quên việc nhà đó là bổn phận của kẻ bề tôi, em tôi chút gì rỡ ràng cha mẹ, tôi là anh nhiệm vụ phải bảo toàn em mà không trọn vẹn, thương xót quá lắm”, bèn đưa con trai của em là Lê Ngọc Thân về nuôi nấng dậy dỗ”[10]. Người đời xưng ông là kẻ ở ẩn chốn thị thành, kẻ sĩ trong hạt đều trọng vọng Huy Phan đúng như núi Thái như sao Đẩu.

[1] . Do âm chữ Hán chữ Phan có một âm đọc nữa là Phiên, do vậy một số sách ghi ông là Huy Phiên. Đại Nam Thực Lục chính biên ghi ông là Phan, chúng tôi căn cứ theo sách, gia phả, các lệnh chỉ dịch ông là Huy Phan.

[2].  Khoa thi này Lê Thận Ngôn là người chú họ đem ông về nuôi ở làng Cát Xuyên cũng thi đỗ.

[3] . Đạo Nam Nghĩa là 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xưa.

[4] . Theo Hành trạng họ Lê Huy hiện lưu giữ tại từ đường dòng họ.

[5] . Đại Nam Thực lục chính biên-Đệ tứ kỷ-quyển 34-Trang 404-nhà Xuất bản KHXH- Hà Nội 1976.

[6] . Theo hành trạng họ Lê Huy, hiện lưu giữ tại từ đường dòng họ.

[7] . Theo hành trạng họ Lê Huy, hiện lưu giữ tại từ đường dòng họ.

[8] . Theo lệnh chỉ ban ngày 5 tháng 4 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887). hiện lưu giữ tại từ đường dòng họ.

[9] . Trích lời biên chép trong hành trạng họ Lê Huy, hiện lưu giữ tại từ đường dòng họ.

[10] . Sự việc này cũng thấy ghi trong văn bia” Tự sự bi ký” khắc năm Thành Thái 16 hiện lưu giữ tại dòng họ.

Các tin liên quan