Trong nước

Lê Thị Ngọc Ngỗi (1606 – ?)

LÊ THỊ NGỌC NGỖI (1606 – ?)

Sinh năm Bính Ngọ (1606), quê làng Trung Hy xã Phú Vinh, nay thuộc xã Hoằng Vinh, phụ thân không rõ tên huý, tên chữ là Bảo Đức. Bà có dáng vẻ xinh đẹp, đoan trang và sớm biết chữ. Lúc nhỏ, vì nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha con phải di cư tới một ngôi chùa ở xã Phù Lưu, huyện Đông Sơn, kiếm kế sinh nhai bằng cày ruộng, chăn tằm. Sáng, chiều thắp hương, tụng kinh. Ít lâu sau cha mất. Khi cải táng cha, nhờ được thầy địa lý tìm nơi an táng hài cốt cha tại xứ Nga My vùng sơn địa xã Phù Lưu. Chôn cất xong, thầy địa lý bảo: mộ này có thể phát tới phi tần. Mãn tang cha, Ngọc Ngỗi sống tại giáo phường tư nhân ở làng Phù Lưu hằng ngày tập múa hát, giọng hát càng hay và dung mạo càng xinh đẹp, một thời gian sau, dời ra sống tại Kinh Bắc. Một hôm, Ngọc Ngỗi hái dâu trên bãi sông, vừa hái vừa hát, giọng ca cao vút véo von. Lúc ấy có một quan nội giám từ kinh thành Thăng Long về Kinh Bắc, thuyền đi tới nơi Ngọc Ngỗi đang hát, viên nội giám mới hỏi về gia cảnh của nàng và nhận làm con, rồi cho vào cung cấm, dạy cách ca múa, và trở thành một cô gái tài sắc hơn người.

Năm Ngọc Ngỗi 19 tuổi, viên quan nội giám tiến dâng vào vương phủ làm vương phi chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Đến năm Tân Mùi, Đức Long thứ ba (1631) Vương phi Ngọc Ngỗi sinh ra Trịnh Toàn là con thứ 18 của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Trịnh Toàn là một danh tướng của vương triều Lê- Trịnh, năm 25 tuổi (1656) khi quân Trịnh bị quân chúa Nguyễn tấn công, đánh úp tại vùng Thạch Hà, (nay thuộc Hà Tĩnh). Lúc ấy, Thiếu bảo Trịnh Toàn thống lĩnh quân tướng, bày thế trận phản công, đánh bại quân Nguyễn tại vùng Đại Nại, huyện Thạch Hà.

Do chiến công này, Trịnh Toàn được phong làm Khâm sai tiết chế thuộc thuỷ bộ chứ dinh kiêm cai quản đạo Nghệ An, Phó đô tướng Thái uý Ninh quốc công, mở phủ Dương Uy.

Năm 1657, chúa Trịnh Tráng mất, chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan ra Thăng Long phúng viếng và tung tin Ninh Quốc công Trịnh Toàn đang chuẩn bị thực hiện mưu đồ phản nghịch; lại thêm một số viên quan trong triều gièm pha. Bấy giờ Tây Định vương Trịnh Tạc tin điều đó là đúng, liền ra lệnh bắt giữ và tống giam Trịnh Toàn trong ngục kéo dài 18 năm, rồi bắt uống thuốc độc chết. Thi hài Ninh Quốc công Trịnh Toàn được đưa về an táng tại quê ngoại, làng Trung Hy, xã Phú Vinh. Chúa Trịnh Tạc ban lệnh phục hồi chức tước của Trịnh Toàn. Tác giả sách Hoằng Hoá phong vật ca ngợi Quốc công Trịnh Toàn.

危 疑 不 點 忠 勤 節

Nguy nghi bất điểm trung cần tiết

世 世 紜 礽 慶 有 餘

Thế thế vân nhưng khánh hữu dư

Dịch:

Ngờ vực chẳng hoen mờ khí tiết

Đời đời rợp bóng phúc tràn trề.

Ngoài danh tướng Trịnh Toàn, Lê Thị Ngọc Ngỗi còn sinh một người con gái tên là Trịnh Thị Ngọc Ý, hoàng hậu của vua Lê Chân Tông.

Xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp bình dân nông thôn, từng trải nhiều năm tháng kiếm sống lam lũ, Lê Thị Ngọc Ngỗi đã gắng sức học hỏi, tu luyện tài năng và trở thành một giai nhân sắc tài trọn vẹn. Bà là vương tần sùng tín đạo Phật, pháp hiệu là Chân Kính, giàu lòng từ bi, nuôi nấng, giúp đỡ nhiều con cái dân đen.

Tác giả  Hoằng Hoá phong vật  dành một bài thơ sau đây ca ngợi bà.

                        Tán thi

十 九 春 秋 窈 窕 姿

Thập cửu xuân thu yểu điệu tư

河 中 禧 上 詠 關 雎

Hà Trung Hy Thượng vịnh “Quan thư”

紅 樓 以 德 姻 王 室

Hồng lâu dĩ đức nhân vương thất,

黃 屋 分 憂 贊 國 幾

Hoàng thất phân ưu tán quốc cơ

聖 母 再 生 成 聖 子

Thánh mẫu tái sinh thành thánh tử

神 明 終 古 配 神 祠

Thần minh chung cổ phối thần từ

富 榮 千 古 英 雄 地

Phú Vinh thiên cổ anh hùng địa

龍 卵 龍 姿 螫 螫 斯

Long noãn long tư trập trập tư

Dịch thơ:

             Bài thơ ca ngợi

Xuân xanh mười chín vẻ non tơ,

Hy Thượng Hà Trung vịnh “Quan thư”.

Lầu đỏ đức cao duyên đế thất,

Nhà vàng gánh đỡ giúp vương cơ.

Mẹ thánh sinh thành nên con thánh

Kính cẩn thần minh phối vẫn thờ

Ngàn thuở đất hùng giàu đẹp mãi

Dáng rồng nườm nượp cảnh càng ưa.

Đối với quê hương, Cung tần Ngọc Ngỗi đã xuất tiền mua vật liệu, chi công thợ để xây dựng cầu Cộng ở xã Phùng Dực, huyện Hoằng Hoá. Cầu được thiết kế 15 gian, có mái che, thi công trong sáu tháng, dân trong vùng vừa có cây cầu qua sông thuận tiện, vừa là công trình kiến trúc làm tăng thêm vẻ đẹp của quê hương. Bài văn khắc trên Bia Hưng công tu tạo kiều Cộng Hà Trung phủ, Hoằng Hoá huyện, Phú Vinh xã đã ghi lại sự kiện xây dựng cây cầu này và trân trọng tri ân sự đóng góp của vị Cung tần Lê Thị Ngọc Ngỗi cho quê hương. Sau đây là bản dịch văn bia:

Bia Hưng công tu tạo cầu Cộng (tức cầu Gòng)

Xã Phú Vinh huyện Hoằng Hoá phủ Hà Trung.

Chính vương phủ nội Cung tần Lê Thị Ngọc Ngỗi vì việc hưng công tu tạo cầu Cộng, từng bảo rằng: “Việc dựng cầu là khởi đầu của vương chính, sông có cầu thì không lo lội; Làm điều thiện là niềm vui nhất lòng người, nhà tích thiện thì phúc có thừa”.

Người xưa đã có người làm điều đó. Như Tử Sản làm ân huệ giúp được người qua [sông ] Trăn [sông] Vĩ; Đỗ Dự làm việc thiện, dựng được cầu ở Phú Bình. Đó đều là những bậc quân tử, thời thế có khác nhưng làm phúc thì giống nhau. Ngày nay Thánh thiên tử cao ngự ngôi rồng, ở sâu gác phượng.

Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng chủ sư phụ công cao nhân thánh Thanh vương khuông phù xã tắc, chống đỡ càn khôn.

Kính nghĩ

Chính vương phủ nội Cung tần, là lan thơm của Đông Sơn, Hoằng Hoá, là ngọc đẹp của Phù Lưu, Phú Vinh. Làng của bà có cầu cổ tích, xã Phùng Dực có một dòng sông nhỏ, từ cửa bể dẫn sóng thủy triều tiến vào, phía đông biển phun sóng cả, phía nam chợ thông nguồn hàng, phía tây làng xóm ở vui, phía bắc sông lớn chảy qua. Thiên hạ lấy làm nơi vãng lai đại thắng cảnh. Các bậc thiện nhân quân tử đều đã từng sáng tạo từ trước nhưng lâu năm đã trải tinh sương nhiều phen. Nay được thấy:

Vương tần phát tâm bồ đề, mở đường phương tiện, bèn xuất tiền của nhà ra mua gỗ thiết lâm. Vật dụng đã đủ, thợ nghề đã họp, lấy giờ Dậu tốt lành ngày 13 tháng Hai năm Bính Thân, đến ngày mồng mười (ngày Ất Dậu) tháng Tám, cáo việc bắc cầu đã hoàn thành. Mười lăm gian mái cầu màu sắc cầu vồng, bên kia ván hạm tịnh ngọc đều lát gỗ mầu, một cơn gió che kín sen vàng, các trụ cầu hướng lên trời cao vút, những rèm che như những cái cánh đón lấy ánh trăng. Người ngồi như ở trong gác vàng nơi cung cấm Kim Pha; người đi như bước trên mây xanh chốn đài cao Tử Mạch. Ngựa rầm rập sấm dậy đất bằng, dải mũ chen nhau như trời sao dưới cầu, nhìn lại chiếc cầu quy mô nhỏ bé kia khác nhau đâu chỉ là trời vực. Khi công trình hoàn tất, đến ta xin văn, ta bèn ghi lại sự thật, khắc lên đá để truyền lại lâu dài.

Ta từng đến cầu ca ngợi công đức của Vương tần rằng Đức là đức tốt, tiếng truyền tiếng hay, Duệ cung nuôi phượng, mười chín tuổi xuân hầu quân vương, xe ngọc đón rồng, ba ngàn son phấn không nhan sắc; noi theo đức Khương hậu bỏ trâm giúp nhà Chu, lập nên công Nữ Hoàng luyện đá để vá trời; công năng ấm, phúc năng tích, phúc lộc bền lâu mãi, tường phất đến, lộc tốt về, tường lộc sẽ thấm xa. Phúc tự trưng trong Chu Dịch, tường mừng thấy ở Thượng Thư; tam linh (nhật, nguyệt, tinh) dâng phúc được yên, bói mai rùa hay bói cỏ thi đều được điềm lành, chín miếu chứa điều tốt đẹp, gợi nên mộng lại hùng bi; công hầu lớp lớp nảy sinh, sự nghiệp ngành ngành đều có.

Vả lại, phụ thân của vương tần trước kia là đô đốc Mỹ quận công, tích đức hành nghĩa, ấm tặng công ban; anh trai của vương tần là Tham đốc Triều Vinh hầu, đồng trưởng liên chi, gia phong hầu trật. Con trai của vương tần là Thái uý Ninh Quốc công, nòi tướng kì tài, ngôi cao chức trọng, oai dương lữ phấn, gấu beo im bặt, vịt ngỗng dẹp bằng.

Trưởng nữ của vương tần là công chúa gả cho Đô đốc quý phủ, thứ nữ là Hoàng hậu đệ nhất chánh cung, ly triền khải thụy, thái cực lưu phương.

Cháu trai của Vương tần là hai Hiệu điểm hầu tước, phong vân gặp hội, cá nước duyên ưa; cháu gái của vương tần là ba quý nhân sủng ái, lan huệ cùng thơm, quế tiêu được dự. Một con hưởng nhiều ơn vua, cả nhà cùng ăn lộc trời; Vinh hoa thịnh đạt ấy còn gì hơn nữa, ôi phồn vinh thay! Cùng dài lâu với trời đất vậy!

Kinh Thư nói rằng: “Người làm điều thiện, thì giáng cho trăm điều lành”. Lời ấy chí phải, lại càng ứng nghiệm, đáng khắc vào đá để truyền mãi mãi.

Có bài minh rằng:

Trời mở Đại Việt,                              Đất định Hà Trung.

Huyện tên Hoằng Hoá                      Vực trấn đề phong.

Cờ hồng lượn bắc,                                      Sóng biếc triều đông.

Tây làng xóm vững,                          Nam họp chợ thông.

Sông hồ trong vắt,                                      Hình thế đẹp hùng.

Vương tần Lê Thị,                                      Đức trùm hậu cung.

Núi sông hợp mạch,                          Trời đất gom công.

Thợ toàn thợ khéo,                                     Bắc nên cầu Phùng.

Sẻ cao cất cánh,                                Lưng treo cầu vồng.

Áo mũ chen chúc,                             Xe ngựa họp cùng.

Non xanh dạo bước,                          Gác vàng thong dong.

Lại qua lui tới,                                   Ân trạch khắp vùng.

Các tin liên quan