Doanh nhân HL tiêu biểu

Một người đồng hương là anh hùng

Thừa Thiên – Huế có nhiều anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động. Năm 2008 lại có thêm một anh hùng lao động thời kỳ đổi mới: Lê Văn Kiểm.

Anh có một lý lịch ngắn gọn: Quê ở Thành phố Huế. Sau 1945, khi còn nhỏ, anh đã theo cha mẹ lên chiến khu Thừa Thiên. Ba tham gia bộ đội chủ lực khu 4 đóng quân tại Thanh Hoá. Hồi đó miền Tây Thanh Hoá còn đồn Pháp. Đơn vị của ba anh đã tiêu diệt đồn Cổ Lũng. Và người chiến sĩ Lê Văn Lân – ba của Kiểm đã ngã xuống và được chôn cất ở nghĩa trang xã Xuân Thành huyện Thọ Xuân năm 1949 khi anh mới 4 tuổi. Lê Văn Kiểm không nhớ mặt cha nhưng được sống trong vòng tay ấm áp của bạn cha, của mẹ. Họ đã nhường cho anh từng miếng cơm, củ sắn – những phần ăn ít ỏi và quý giá ở chiến khu. Sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc, hai mẹ con về thăm mộ liệt sĩ Lê Văn Lân.

Lê Văn Kiểm đi học trên miền Bắc. Đó là thời học sinh miền Nam được Bác Hồ và nhân dân chăm sóc tận tình từ miếng ăn đến việc học hành. Cũng không ít học sinh do “công thần” từ cha mẹ nên có lúc gây phiền hà cho các cô chú.

Miền Nam ngày càng vất vả trong chống Mỹ. Lời kêu gọi từ miền Nam vọng ra thôi thúc bao thanh niên yêu nước sống trên miền Bắc – đặc biệt là con em miền Nam đang được nuôi dưỡng khá chu đáo. Năm 1971 Lê Văn Kiểm xin về miền Nam chiến đấu theo gót người cha thân yêu… Anh đã bị từ chối vì là con duy nhất của liệt sĩ, lỡ có bề gì thì gây thêm đau đớn cho gia đình.

Lê Văn Kiêm đã cắn tay lấy máu viết thư xin Trung ương cho anh về miền Nam chiến đấu. Lời đề nghị trong lá thư viết bằng máu đã làm xúc động nhiều người. Năm 1973 anh đã được phép vào bộ đội và sau đó tham gia đoàn cán bộ kinh tế về Nam để xây dựng vùng giải phóng và chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Năm 1973 Lê Văn Kiểm đã vượt Trường Sơn về Nam công tác ở Ban giao thông Trung ương Cục. Anh đã cùng anh em lái xe, khuân vác đưa hàng từ Trường Sơn về các chiến trường. Đơn vị anh đóng ở vùng rừng thưa gần cầu Cần Đăng (Tân Biên – Tây Ninh). Một lần hành quân trên biên giới Việt Nam – Campuchia tổ công tác của anh đã bị địch phục kích, song các anh đã chống trả và thoát hiểm. Có lẽ với chiến công đó, anh được mời tham gia Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia để đánh dấu những ngày chiến đấu trên đất bạn.

Sau ngày giải phóng, Lê Văn Kiểm mở cơ sở may Huy Hoàng trên đường vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh phía tay mặt. Người dân Thành phố và cả nước biết tên anh khi Lê Văn Kiểm tham gia xây dựng vòng xoay Hàng Xanh. Tại Lễ khai trương, Ban giao thông vận tải miền Nam trao tặng anh lá cờ truyền thống của ngành giao thông giải phóng. Tại buổi lễ có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Phan Văn Khải và đông đảo bạn bè học sinh miền Nam, đồng đội trong chiến tranh và đồng bào, Lê Văn Kiểm lần đầu tiên đóng góp tiền bạc để xây dựng một công trình công ích chào mừng ngày thành phố giải phóng.

Từ ngày đó, Lê Văn Kiêm luôn tìm cách đóng góp cho công việc chung những lúc anh “ăn nên làm ra”. Bước vào thời kỳ đổi mới, Lê Văn Kiểm đã mạnh dạn đầu tư phát triển may xuất khẩu. Công việc mới mẻ lại vào thời kỳ “thăm dò”, không tránh khỏi có vấp váp, khó khăn, nợ nần. Anh đã phải trả giá khá nặng nề có lúc khá nguy hiểm cho cá nhân và phải hy sinh cả vị trí chính trị mà anh đã tạo nên để theo con đường của người cha liệt sĩ. Song các đồng chí lãnh đạo đã tin vào tấm lòng người con liệt sĩ, người cựu chiến binh với tấm lòng chân thật, năng nổ làm ăn theo chủ trương của Đảng.

Anh lầm lủi tìm cách làm ăn đúng hướng và luôn được các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ. Anh đã vượt qua khó khăn, làm ăn có lời, trả được nợ nần cũ và bước vào thời kỳ kinh doanh mới. Anh đầu tư cho con gái Thuỳ Dương mở khu du lịch biển ở Vũng Tàu. Anh cho con trai Huy Hoàng mở rộng xưởng may xuất khẩu theo đúng hướng Nhà nước đang mở ra cho các doanh nghiệp ngành may. Còn anh và vợ là chị Trần Cẩm Nhung “bắt nhịp” với xu hướng của khu vực, xin xây dựng sân gold đầu tiên ở nước ta tại khu Long Thành. Đây là một nghề kinh doanh mới mẻ nhưng Lê Văn Kiểm cố gắng học hỏi ở bạn bè khu vực, mời chuyên gia nước ngoài để đưa sân gold Long Thành trở thành cơ sở lớn nhất nước ta.

Khi vượt qua được “hiểm nguy”, khi làm ăn có lãi, Lê Văn Kiểm tin rằng các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã “phù hộ” cho anh. Từ đó anh nghĩ đến việc “đền ơn đáp nghĩa” đối với bao người đã hy sinh, bao gia đình đã mất con, bao gia đình nạn nhân chiến tranh đang sống vất vả nghèo khó do chiến tranh gây ra. Anh đã tự nguyện đóng góp một phần tiền lời vào quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đối với bộ đội, thanh niên xung phong, đồng bào trong cả nước. Lê Văn Kiểm đã trở thành người đóng góp cho các quỹ nhiều nhất ở nước ta.

Từ đó cuộc đời Lê Văn Kiểm được mọi người chú ý trên cả hai mặt: mạnh dạn kinh doanh bằng cách vượt lên khó khăn, trói buộc và tấm lòng vì đồng đội, vì những người có công và vì người nghèo.

Về kinh doanh, Lê Văn Kiểm đã mạnh dạn vay vốn để làm ăn và chưa lời thì đã thua lỗ. Cũng vì việc làm ăn táo bạo mà anh được liệt vào các “đại gia nguy hiểm” – khi các quy định còn ngặt nghèo. Nhờ sự cổ vũ và cởi mở trong cao trào đổi mới, Lê Văn Kiểm vượt qua được “hiểm nghèo” vươn lên làm ăn có lời. Bấy giờ trên khu đất hoang 340 ha, vốn là rừng hoang và đầm lầy, chua phèn – đã trở thành một danh lam thắng cảnh và một sân gold 36 lỗ. Đi trên đường uốn lượn vào trung tâm sân gold, chúng ta gặp các cây cổ thụ, cây dừa, cây cọ và những thảm xanh mát mắt. Lê Văn Kiểm đang tiếp tục đầu tư để nâng sân gold lên 72 lỗ – trở thành sân gold lớn nhất Đông Nam Á.

Lê Văn Kiểm vốn có một tấm lòng nhân ái đáng quý. Anh làm ăn có dư tiền của nhưng lại luôn nghĩ đến việc “bớt tiền sinh lợi dành cho gia đình liệt sĩ, thương binh, đồng đội và bà con nghèo, giúp đỡ các đồng bào bị thiên tai hoả hoạn”. Anh tâm sự: Đã qua những ngày chiến đấu và hiểu biết về gia đình mình, anh luôn biết ơn cha, biết ơn các cô chú, đồng đội và đồng bào đã nuôi dưỡng dìu dắt anh nên người. Anh nhớ củ sắn lùi mà các chú nhường cho anh ở chiến khu Bình Trị Thiên, anh nhớ đồng bào miền Bắc dù thiếu thốn vẫn hết lòng nuôi dưỡng học sinh miền Nam. Anh tâm niệm: sẽ dành một phần lợi nhuận để đền ơn đáp nghĩa, để làm từ thiện. Đó là tấm lòng đáng quý, không phải ai cũng nghĩ và làm như Lê Văn Kiểm. Không thiếu gì người ăn nên làm ra, không thiếu gì người bán đất, bán nhà do cách mạng cấp… nhưng rất khó khăn khi mời họ đóng góp cho quỹ từ thiện, giúp người nghèo… Lê Văn Kiểm thì khác, luôn nghĩ đến người khó khăn. Anh đóng góp cho các quỹ từ thiện dành cho người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, anh tặng nhà tình nghĩa, tình thương, tặng bò cho người nghèo, góp tiền mổ mắt cho người mù…

Một lần vợ chồng Lê Văn Kiểm về huyện Tân Biên (Tây Ninh) – nơi anh sống những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ – để tặng nhà và tặng bò cho bà con nghèo. Hằng trăm bà con vây lấy vợ chồng người cựu chiến binh để chúc mừng 15 gia đình nghèo, mỗi người được tặng một con bò. Người nông dân nghèo vùng căn cứ “bỗng dưng” có một con bò để đổi đời thì quả “nằm mơ cũng không có”.

Anh cùng Trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn) vốn là lính bảo vệ khu căn cứ Trung ương Cục về thăm anh em đang bảo vệ khu di tích Trung ương Cục. Anh tặng quà, tặng tiền để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho anh em đang sống, làm việc giữa rừng, để anh em bảo vệ tốt nơi các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và nhiều anh em đã từng sống.

Anh mời bà con nghèo ở Đồng Nai đến thăm sân gold và tại đây anh đã tặng bà con nhà tình nghĩa, tình thương, quà mong bà con vượt qua khó khăn.

Anh về Ngã ba Đồng Lộc thắp nhang cám ơn các cô gái đã hy sinh bảo vệ con đường vào Nam – trong đó có anh đã đi qua. Anh đóng góp tiền xây dựng Khu tưởng niệm để nêu gương cho cháu con.

Anh đã gặp các cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong ở Nghệ An, Thanh Hoá và các nơi khác, giúp đỡ anh em đang gặp khó khăn.

Lê Văn Kiểm gửi về Thừa Thiên-Huế hàng tỷ đồng để xây dựng 2400 căn nhà cho đồng bào Pakoh ở Ahươi, cho bà con nghèo ở quê hương.

Hôm đó, một cuộc giao lưu với những người công an có công và những người dân giúp công tác an ninh trật tự do báo Công an Thành phố tổ chức. Biết trong cuộc họp, có cha người công an đã vì chống ma tuý nên nhiễm AIDS và đã mất, Lê Văn Kiểm đã chạy đến ôm chặt người cha già và tặng 10 triệu đồng để ông an dưỡng tuổi già.

Ở Khu Tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi) Lê Văn Kiểm cũng đã góp phần tạo nên vườn cây xanh mát những người yên nghỉ và người đến thăm. Anh cùng góp sức để mổ mắt cho 1.000 người bị mù, tặng áo ấm cho chiến sĩ biên cương, tặng trâu bò cho bà con bị tai nạn giá rét…

Doanh nhân Lê Văn Kiểm đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Trong lễ trao danh hiệu cao quý này cho Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nói: “Khi trở thành doanh nhân thành đạt, Lê Văn Kiểm luôn chia sẻ với cộng đồng, sống có nghĩa có tình với đồng bào, đồng chí, cũng có trách nhiệm cao đối với xã hội. Tấm lòng và việc làm từ thiện của anh còn vươn rộng tầm xa hơn đến với cựu chiến binh Lào, Cu-ba… giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Nghĩa cử cao đẹp ấy chứa đựng tinh thần quốc tế vô sản thể hiện đạo lý tốt đẹp, tình nghĩa của người Việt Nam”.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã gọi Lê Văn Kiểm là “Sứ giả của lòng nhân ái”./.

Đinh Phong

Các tin liên quan