Danh nhân họ Lê

35 vị khai quốc công thần trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

HLVN- Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428), có 35 vị khai quốc công thần được Lê Thái tổ Ngự danh trong “Lam Sơn thực lục” (xếp theo thứ tự trong bản Ngự danh)

 1/ Lương Quốc Công Lê Thạch  (? – 1421)

Lê Thạch người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con Lê Học, gọi Lê Lợi là chú ruột. Ông không chỉ có công tổ chức tham gia vào quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà ông còn là vị tướng liên tục lập nên những chiến công hiển hách trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1421). Ông mất tháng 12 năm Tân Sửu 1421 trong trận đánh quân Ai Lao ở sách Thủy.. Hiện nay thành phố Thanh Hóa và thủ đô Hà Nội có đường phố mang tên ông.

2/Thái bảo Quốc công Lê Lý (? – 1443)

Lê Lý vốn gốc họ Nguyễn, người làng Dao Xá, hương Lam Sơn, huyện  Lương Giang, nay là làng Dao Xá, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là một trong 18 người tham gia Hội thề Lũng Nhai. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa theo làm Thứ thủ kỵ binh. Ông mất năm Thái Hòa nguyên niên, Quý Hợi (1443).

3/ Thái phó Hoằng Quận công Lê Thận (? – 1448)

Lê Thận vốn gốc họ Nguyễn, người sách Mục Sơn, huyện Lôi Dương, nay là làng Mục Ngoại, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi Lê Lợi khởi binh ông là một trong những người trước tiên hăng hái tham gia. Tên ông đứng thứ 3 trong Hội thề Lũng Nhai (sau Lê Lai). Trong suốt những năm kháng chiến chống giặc Minh, trong hầu hết các trận chiến lớn nhỏ, từ rừng núi phía Tây Thanh Hóa, vào Nghệ An rồi ra Bắc đều có sự đóng góp của Lê Thận.

Ông mất năm Mậu Thìn 1448, triều đình cho lập đền thờ ông tại sách Mục Sơn, quê hương ông.

4/ Bảo chính vương Lê Văn Linh (? – 1448)

Lê Văn Linh vốn gốc họ Trần quê xã Bảo Đà, huyện Lôi Dương, sau chuyển về thôn Hải Lịch nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, là người dứng thứ 4 trong hội thề Lũng Nhai. Khi Lê Lợi tế cờ khởi nghĩa, Lê Văn Linh được làm Mưu sỹ, chuyên bàn việc quân cơ, bày mưu kế đánh giặc. Ông là khai quốc công thần và là nguyên Lão đại thần của 3 triều vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông.

Ông mất ngày 17 tháng 4 năm Mậu Thìn 1448, an tang tại quê nhà xã Hải Lịch (nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân). Hiện nay nơi đây còn nhà thờ Thái phó Lê Văn Linh được xây dựng ngay khi ông qua đời.

 

5 Thái phó Khắc Quốc công Lê Văn An (1384 – 1437)

Lê Văn An người làng Diên Hào, sách Mục sơn, huyện Cổ Lôi, trấn Thanh Hóa, nay là làng Diên Hào, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông đến tụ nghĩa nghĩa Lam Sơn năm Ất Mùi 1415, trước khi có Hội thề Lũng Nhai. Trong văn thề Lũng Nhai tên ông đứng thứ 5. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Lê Lợi cử ông làm Thứ thú vệ kỵ binh quân Thiết đột. Ông theo Lê Lợi tham gia đánh nhiều trận lớn, lập được nhiều chiến công.

Ông mất ngày 9 tháng 4 năm 1437, đền thờ được xây dựng năm 1597 tại sách Mục Sơn, sau chuyển về làng Diên Hào, tháng 4 năm 1972 bị B52 của Mỹ ném bom, hư hại hoàn toàn. Đầu thế kỷ XXI đền thờ được xây lại trên nền cũ, hiện đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý do con cháu cất giữ.

6/ Trung túc vương Lê Lai (? – 1419)

Lê Lai người thôn Dựng Tú (làng Tép), sách Đức Giang thuộc hương Lam Sơn, huyện Lương Giang nay là làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là tấm gương tráng liệt, “xả thân cứu chúa” trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo tương truyền, Lê Lợi đã dặn dò con cháu họ tộc nhà Lê sau này phải cúng giỗ Lê Lai trước giỗ mình một ngày, vì vậy trong dân gian có câu: “hai mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

Ông mất ngày 29 tháng 4 năm 1419. Đền thờ được xây dựng năm 1450 đời vua Lê Nhân Tông tại làng Tép quê hương ông nên còn có tên Đền Tép.

7/ Thái bảo Trang Quận công Bùi Quốc Hưng (? – 1448)

Bùi Quốc Hưng người xã Cống Khê, huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam Thượng. Khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, ông vào Thanh Hóa làm gia sư cho gia đình Lê Lợi. Biết Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 10 năm 1415, ông ghi tên nhập nghĩa quân. Ông và Lê Văn Linh là 2 văn thần về tụ nghĩa trước hội thề Lũng Nhai. Trong Hội thề Lũng Nhai tên ông đứng hàng thứ 9. Bùi Quốc Hưng là một trong 14 người lừa lúc giặc ngủ say, đội cỏ khô bơi theo dòng nước lấy lại hài cốt linh xa nhà vua đem về động Chiêu Nghi bí mật an táng.

Ông mất khi đang đương chức vào năm Thái Hòa thứ 6, Mậu Thìn 1448, được phong Thái bảo Trang Quận công.

8/ Quỳ Quốc công Lê Liễu

Lê Liễu tên thật là Võ Liễu người Lam Xuyên, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, làm gia thần cho Lê Lợi, vì có võ nghệ hơn người nên Lê Lợi đặt họ tên là Võ Liễu. Lê Liễu là vệ sỹ luôn bên cạnh bảo vệ Lê Lợi, có mặt trong Hội thề Lũng Nhai và được Lê Lợi ghi tên trong “Lam Sơn thập Lục”. Ông là một trong 14 người đi cướp hài cốt linh xa nhà Lê Lợi đem về an táng ở động Chiêu Nghi. Trong 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, Lê Liễu không rời Lê Lợi nửa bước.

Không rõ ngày sinh và ngày mất của ông. Đền thờ ông và dòng họ (còn được gọi là đền thờ họ Lê Công thần) hiện ở làng Bản Định, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

9/ Thái phó Hiển Khánh Vương Trịnh Khả (? – 1451)

Trịnh Khả người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh nay là xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông mang nặng thù nhà nợ nước nên nghe tin Lê Lợi tụ nghĩa diệt giặc Minh, Trịnh Khả gia nhập nghĩa quân. Ông có mặt trong Hội thề Lũng Nhai, cùng những người bí mật đoạt lại hài cốt và Linh xa nhà vua đem về an táng tại động Chiêu Nghi. Khi Lê Lợi khởi binh, ông theo Lê Lợi đi đánh giặc, tham chiến mấy chục trận, trận nào cũng xông lên phía trước, lập được công lớn.

Ông mất tháng 7 năm 1451, triều đình cho dựng đền thờ và khắc bia ghi công lao của Trịnh Khả tại quê nhà.

10/ Đình Thượng Hầu Lê Hiểm (1392 – 1464)

Lê Hiểm quê ở Thiệu Thiên Phủ nay là huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một đại quan lang dưới đời Trần. Khi nghe tin Lê Lợi chiêu tập nghĩa sỹ, ông mang theo con trai độc nhất của mình là Lê Hiêu về với Lê Lợi. Ông có công trong việc chiêu tập chiến mã, quyên góp lương thực tập trung cho ngày khởi nghĩa. Trong Hội thề Lũng Nhai tên ông đứng hàng thứ 10. Trong những năm kháng chiến ông lập được nhiều công lao, được Lê Thái Tổ phong tặng Đệ nhất công thần, tên ông đứng thứ 10 trong số 35 người có công đầu được chính vua Lê Thái Tổ ngự danh trong “Lam Sơn thập lục”

Ông mất ngày 15 tháng 5 năm Quý Sửu 1464, lăng mộ an táng tại Lam Sơn. Đền thờ Lê Hiểm được xây dựng năm 1554 tại xã Phục Đội, huyện Cư Phong nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, quê vợ cũng là nơi con cháu ông được cấp 100 mẫu ruộng để đời đời hưởng lộc.

11/ Thiếu úy Tuy Quốc công Võ Uy (1390 – 1424)

Theo gia phả, Võ Uy gốc người Chiêm Thành ra phò hai vua Hậu Trần chống giặc Minh từ 1405 đến 1414, về lập nghiệp tại xã Đa Căng, huyện Nông Cống khoảng 1415 – 1416. Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ông theo về làm gia thần cho Lê Lợi, cày ruộng trước động Chiêu Nghi. Võ Uy là một trong 19 vị hào kiệt tham gia Hội thề Lũng Nhai, đứng thứ 12 theo thứ tự trong văn thề Lũng Nhai. Ông là một trong 14 người đi đoạt lại hài cốt linh xa nhà vua đem về an táng tại Chiêu Nghi. Khi tham gia khởi nghĩa, Võ Uy được giao đánh đồn Trấn Năng, bắt được tướng giặc.

Ông hy sinh anh dũng đuổi đánh giặc ở Yên Định vào năm Giáp Thìn 1424, an táng và xây đền thờ ở Lam Sơn, sau con cháu dời về Đa Căng nay là thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

12/ Liệt Hầu Lê Náo

Ông là người Lộ Khả Lam. Ông không có tên trong Hội thề Lũng Nhai cũng không có mặt trong buổi đầu khởi nghĩa (mùng 2 tháng giêng năm Mậu Tuất 1418). Điều ấy chứng tỏ ông về với khởi nghĩa Lam Sơn muộn hơn các vị tướng khác. Theo sách “Lam Sơn thực lục” Lê Náo có tham gia những trận đánh gần như cuối cùng của cuộc kháng chiến, tháng 10 năm 1427.

Hiện nay tài liệu về Lê Náo không còn nhiều. Có điều chắc chắn Lê Náo đã lập được công lớn nên được xếp hạng công thần. Ông đứng thứ 4 trong 14 người được phong tước Liệt hầu, đứng thứ 12 trong 35 vị công thần khai quốc được vua Lê Thái Tổ ngự danh trong sách “Lam Sơn thực lục”.

13/ Thái phó Mục Quận công Lê Lôi (1385 – 1462)

Lê Lôi tên thật là Trương Lôi người thôn Thụ Mệnh, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa. Khi giặc Minh xâm lược, biết tin Lê Lợi thu nạp người hiền tài nên ông quyết về theo. Ông có mặt trong Hội thề Lũng Nhai. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ông được phong làm Đại tướng tiên phong sau được ban Quốc tính họ Lê. Trong 10 năm kháng chiến, Trương Lôi đã dự tất cả các trận đánh lớn, là người được vua sai đem mấy bại tướng và cờ của Liễu Thăng từ Chi Lăng sang Tuyên Quang báo tin cho Mộc Thạch biết. Sau giải phóng Trương Lôi được xếp hang đệ nhất khai quốc công thần.

Ông mất năm Nhâm Ngọ 1462. Đền thờ ông được xây dựng ngay khi ông mất trên khu đất cổ của họ Lê – Trương tại làng Quan Nội, tổng Liên Trì, nay là thôn Tiền Phong, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

14/ Á Hầu hành khiển Nguyễn Trãi (1380 – 1442)

Tổ tiên Nguyễn Trãi ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra tại kinh thành Thăng Long trong dinh thự của ông ngoại Tư đồ Trần Nguyên Hãn. Khi giặc Minh xâm lược nước ta, biết Nguyễn Trãi là người có tài chúng dụ ra làm quan nhưng bị từ chối bèn giam lỏng ông ở Đông Quan. Về sau ông trốn vào Thanh Hóa theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa . Ngày Nguyễn Trãi vào với nghĩa quân Lam Sơn còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chắc chắn rằng ông được Lê Lợi trọng dụng, luôn giữ bên cạnh mình. Ông là tác giả bài “Bình Ngô đại cáo” được coi là một Thiên cổ hung văn bất hủ, có giá trị như là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc.

Ông mất năm 1442, sau vụ án “Lệ chi viên”. Đền thờ Nguyễn Trãi mới được xây dựng tháng 12 năm 2000 tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hái Dương.

15/ Thái phó Vinh Quốc công Lưu Nhân Chú

Ông quê ở An Thuận nay là xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ông cùng cha là Lưu Trung tìm về Lam Sơn theo Lê Lợi từ những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Ông có tên trong Hội thề Lũng Nhai, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, ông được giao làm Phó chỉ huy vệ kị binh trong đội quân Thiết Đột. Không chỉ là vị tướng tài ba luôn đi tiên phong trong các trận đánh, ông còn được Lê Lợi giao trọng trách cùng Đại Tư đồ Tư Tề vào Đông Quan làm con tin. Năm 1429, Triều đình khắc biển ghi tên Khai quốc công thần, tên ông đứng hàng thứ 5 trong số 35 người.

Về cái chết của Lưu Nhân Chú, trong “Đại Việt thông sử” Lê Quý Đôn viết: “Năm thứ 6, vua Lê Thái Tổ mất, Thái Tông còn nhỏ, quan Đại Tư đồ Lê Sát ghen ghét, ngầm bỏ thuốc độc giết hại ông. Nay đền thờ ông được nhà nước xây dựng tại quê nhà.

16/ Hoàng Nghĩa hầu Trịnh Vô

Trịnh Vô không rõ năm sinh, quê quán. Chỉ biết lúc bấy giờ Lê Lợi là người đứng đầu một ấp làm nghề cày ruộng, thường sai bọn Vũ Uy, Trương Lôi, Trịnh Vô cày cấy ở động Chiêu Nghi. Trịnh Vô là một trong 14 người đi lấy lại hài cốt tổ tiên nhà vua về an táng tại động Chiêu Nghi, là người đứng thứ 15 trong văn thề Lũng Nhai, khi phất cờ khởi nghĩa ông được phong làm Gia tướng của vua, ba lần theo vua lên núi Chí Linh và theo vua đánh trận, không rời nửa bước.

Hiện nay tài liệu về Trịnh Vô không nhiều. Ông có tên trong bản ngự danh, đứng thứ 16 trong 35 người trong sách “Lam Sơn thực lục”

17/ Thiếu úy Thái bảo Trịnh Đồ

Ông là người Cổ Mọc, huyện Nông Cống nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trước khởi nghĩa, Trịnh Đồ biết Lê Lợi chiêu hiền đãi sỹ nên về kiến diện. Khi khởi nghĩa, ông trở về dắt theo một thớt voi xung vào nghĩa quân. Ông cùng Trịnh Khả, Trương Lôi được Lê Lợi cử sang bắt vua Lào phải cấp lương ăn và vũ khí cùng voi ngựa để chiến đấu với giặc Minh. Ông theo Lê Lợi đánh hàng mấy chục trận lớn nhỏ cho đến ngày toàn thắng.

Năm Thuận Thiên thứ hai 1429, khắc biển công thần, ông được phong tước Quan Nội hầu, tên đứng thứ 4 trong 13 người. Hiện nay tại Tân Ninh, Nông Cống còn nhà thờ ông và dòng họ.

18/ Thiếu úy Đại Tri phủ Lê Luân (? – 1454)

Ông là người xã Đàm Thi, hương Lam Sơn,huyện Lương Giang nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội Lê Luân là Lê Khí làm quan đời Trần, bố là Lê Miêu sinh được 2 con trai, trưởng là Lê Lộng, thứ là Lê Luân.

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa cả nhà Lê Luân theo cờ khởi nghĩa. Họ đều là những võ quan xông pha trận mạc lập được công lớn. Lê Miêu năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) được phong Thái lộc hầu, được treo biển Công thần khai quốc. Lê Lộng tham gia nghĩa quân trước ngày khởi nghĩa, trải qua nhiều gian lao nguy hiểm được phong Ngân Thanh Quang lộc, tước quan nội hầu.

Lê Luân, khi phất cờ khởi nghĩa Lê Lợi đã phong làm tướng trong 52 tướng văn, tướng võ, ông xếp thứ 2 sau Lê Khang. Do lập được nhiều công lớn nên năm 1428 Lê Luân được phong Thiếu úy đồng tổng quản Đại tri phủ, tước Á hầu, xếp thứ 35/93 người được treo biển ngạch Công thần khai quốc.

Lê Luân mất năm Diên Ninh thứ nhất 1454 tại thôn Ngô, xã Phù Chẩn, huyện Thụy Nguyên, nay là thôn Bình Ngô, xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

19/ Đặng Lộc hầu Đinh Lan

Ông là người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, đã đến tụ nghĩa ở Lam Sơn từ rất sớm, có mặt trong Hội thề Lũng Nhai. Là một tướng văn, ông giúp Lê Lợi trù hoạch binh lương, xây dựng chính quyền mới ở những nơi đã được nghĩa quân giải phóng.

Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, ông được phong Đặng Lộc hầu, năm Thuận Thiên thứ 2 ông được phong biển Công thần. Ông được Lê Thái Tổ ghi tên (Ngự danh) trong “Lam Sơn thực lục”.

20/ Thái bảo Cảnh Quốc công Lê Sát (? – 1437)

Ông người làng Bỉ Ngũ, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang. Ông là một trong những người đầu tiên hăng hái tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông là người rất có tài cầm quân nên được Lê Lợi trao quyền chỉ huy một trong những cơ ngũ của nghĩa quân Lam Sơn, liên tiếp lập được nhiều công lớn. Năm 1427 ông được phong hàm Thiếu úy – Tư Mã. Năm 1429, nhà Lê triều lập biển khắc tên 93 khai quốc công thần, Lê Sát vinh dự được xếp hàng thứ hai.

Năm 1433 Lê Sát được phong Đại Tư Đồ. Năm 1434 ông được trao quyền Tể tướng. Ông là cố mệnh đại thần,một lòng trung với vua, nhưng tính tình nóng nảy, giết oan Nhân Chú nên vua cho là lộng quyền. Năm 1437 vua Lê Thái Tông cho ông được tự vẫn tại nhà. Năm 1484, đời vua Lê Thánh Tông cho rằng ông là người có công, chết không đáng tội nên truy tặng Thái Bảo Cảnh Quốc Công. Đền thờ ông ở xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

21/ Lễ Bình Hầu Phạm Lôi (? – 1442)

Ông là người Lộ Khả Lam, huyện Lương Giang, là một trong 18 anh hùng hào kiệt cùng Lê Lợi trong Hội thề Lũng Nhai. Ông cùng với các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn tham gia đánh hàng chục trận lớn nhỏ, lập công lớn.

Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, ông được phong tước Quan Nội Hầu. Năm Thuận thiên thứ hai 1429, vua sai khắc biển cho các công thần khai quốc Lũng Nhai, ông được phong tước Lễ Bình Hầu. Ông mất năm Nhâm Tuất 1442.

22/ Vĩnh Tuy Hầu Lê Văn Độ (Lê Độ)

Ông là người sách Cổ Đằng, nay là huyện Hoằng Hóa. Vì bị Lương Nhữ Hốt, người cùng huyện chèn ép, nên nghe tin Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 9 năm 1417 ông lên Lam Sơn tham gia nghĩa quân. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, ông được làm tướng chỉ huy quân Hỏa thủ Thiết đột. Ông xông pha chiến trận, lập được công lớn, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi Lãnh đạo.

Ông là một trong 35 người được vua Lê Thái tổ ngự danh trong “Lam Sơn Thực lục”, năm 1428 được xếp hang Tam công (công thứ ba), năm 1429 ông được khắc biển Công thần khai quốc, phong tước Vĩnh tuy Hầu, ban họ vua.

Hậu duệ của Lê Văn Độ hiện nay đang ở làng Quần Kênh (xưa gọi là làng Quần Đót), xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Xưa ở đây có nghè thờ ông. Năm 1952 bị giặc Pháp ném bom, hiện nay còn Lăng mộ, đền thờ do con cháu mới xây dựng đầu thế kỷ XXI.

23/ Thái bảo Hiệp Quận công Lê Văn Lễ (? – 1449)

Ông là người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, đến Lam Sơn tụ nghĩa tháng 5 năm 1417, là người giỏi võ nghệ, tính cương trực, thẳng thắn nên trong 10 năm kháng chiến ông luôn theo sát bảo vệ Lê Lợi. Ông đã cùng Chủ tướng Lê Lợi 3 lần kéo quân lên Linh Sơn (Chí Linh) để củng cố lực lượng, rồi từ đây cùng Chủ tướng vào Nghệ An, ra Bắc. Khi vây địch ở Đông Quan ông không có điều kiện tham gia các trận đánh, mà luôn bên cạnh Lê Lợi giúp vua điều binh, khiển tướng, cung cấp lương thảo, nhân lực cho các mặt trận.

Năm 1428 ông được phong Bảo chính công thần nhập nội thiếu úy, năm 1432 ông được phong Tán trị hiệp mưu công thần. Ông mất năm 1449, thọ 82 tuổi. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông ông được truy tặng Thái bảo Hiệp Quận công.

24/ Trụ Quốc công, Thượng tướng quân Lê Nỗ (1393 – 1439)

Ông tên thật là Doãn Nỗ sinh ra trong một gia đình Danh gia vọng tộc tại làng Cổ Định, nay là làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1415 quân Minh vây ráp vùng Nông Cống, giết hại 3000 người. Riêng hương Cổ Na chỉ có 18 người chạy thoát, trong đó có 2 anh em Doãn Năng và Doãn Nỗ. Ngày 7/2/2018 hai anh em Doãn Năng và Doãn Nỗ tìm đến Lê Lợi và trở thành 50 tướng đầu tiên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Ông tham gia chỉ huy chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, lập công xuất sắc, được Lê Lợi ban Quốc tính (họ vua), sau đó được phong Trụ Quốc công, Thượng Tướng quân đạo Sơn Nam. Khi nhận chức ông đưa gia đình về làng Hạ Yên Quyết, Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, trấn Sơn Nam Thượng

Ông mất năm 1439, lăng mộ và đền thờ được xây tại hương Phương Chiểu, tổng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay là thôn Phương Trung, xã Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

25/ Thái úy Giới Quận công Lưu Trung (? – 1459)

Ông là người xã Đàm Thi, nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lưu Trung đến Lam Sơn phò tá Bình định vương Lê Lợi năm 1417. Ông là 1 trong 14 người được cử đi đoạt lại hài cốt linh xa nhà Lê Lợi bị quân Minh cướp, đem về an táng tại động Chiêu Nghi. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Lưu Trung là một trong 51 tướng văn, tướng võ chia nhau chỉ huy nghĩa quân trực tiếp đánh địch, lập nhiều công trạng.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, ông giữ chức Đồng tổng quản vệ qui hóa. Lưu Trung thờ 3 triều vua: Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông, làm quan cao cấp ở bên ngoài, xa chốn triều đình. Ông được vua Lê Thánh Tông đánh giá rất cao về tài năng và đức độ. Năm Hồng Đức thứ 15 Giáp Thìn 1484, ông được  truy tặng Thái úy Giới Quận công. Ông cùng con trai là Lê Nhân Chú đều là khai quốc công thần và được ngự danh trong “Lam Sơn thực lục”.

26/ Thái phó Từ Quốc công Lê Lãng (? – 1442)

Ông tên đầy đủ là Lê Khả Lãng người thôn Dao Xá, hương Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, Phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hóa. Ông là Phò mã đô úy triều Trần, từng theo nhà Hậu Trần đánh đuổi giặc Minh. Khi nhà Hậu Trần mất ông trở về làng Dao Xá ẩn danh. Năm 1418 ông cùng 2 con trai là Lê Khả Ngang và Lê Khả Liệt tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công trạng.

Năm 1428, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được phong Thái bảo, tước Từ Quận công. Ông là một trong 35 vị công thần do Lê Lợi “ngự danh”. Đến năm 1484 ông được vua Lê Thánh Tông truy phong Thái phó Từ Quốc công.

Ông mất ngày 25 tháng 1 năm Nhâm Tuất 1442, được phong Thần và thờ ở nhiều nơi và là thành hoàng thờ ở đình làng Hương Nhượng, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

27/ Phương Quận công Trần Duy

Là một tướng văn, Trần Duy không trực tiếp tham gia các trận đánh, bởi thế các bộ sử lớn như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử”…đều không chép tên ông. Trong khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, ông chuyên lo binh lương và vũ khí, lập nhiều công lớn nên sách “Lam Sơn thực lục” do chính Lê Lợi viết, xếp Trần Duy vào hàng công thứ ba, Năm 1428 Trần Duy được phong Phương Quận công do có công chăm lo binh lương quốc sự.

Cho đến nay, ngoài thông tin ít ỏi ghi trong “Lam Sơn thực lục”, chúng tôi hầu như chưa biết nhiều về Trần Duy như quê quán, hậu duệ, đền thờ, sắc phong vv..Chúng tôi huy vọng từ bài viết này ai biết gì về Khai quốc công thần Trần Duy cung cấp, để công chúng được biết công trạng một vị khai quốc được ghi trong “Lam Sơn thực lục” cất trong rương vàng tại Lam Kinh.

28/ Thái phó Hoằng Quốc công Lê Ngân (? – 1437)

Ông là người xã Đàm Thị, huyện Lương Giang, nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là danh tướng tài ba có nhiều công lao trong khởi nghĩa Lam Sơn. Mặc dù Lê Ngân không có mặt trong Hội thề Lũng Nhai, cũng không có mặt trong buổi dựng cờ khởi nghĩa mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, nhưng ông xuất hiện đúng lúc, khi nghĩa quân Lam Sơn cần một vị tướng tài và cần một trận thắng lớn để gây thanh thế. Vì thế Lê Ngân là người có công lớn, xứng đáng là khai quốc công thần bậc nhất của nhà Hậu Lê.

Lê Ngân mất tháng 11 năm 1437 tại tư gia do bị tố giác thờ tượng Phật trong nhà để cầu lợi riêng. Năm Thái Hòa thứ 11 Quý Dậu 1453, Lê Ngân được vua Lê Nhân Tông minh oan, truy tặng Thái phó Hoằng Quốc công.

29/ Tư đồ Trượng Quận công Lê Hiêu (? – 1459)

Ông người thôn Ngọc Châu, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang. Ông có mặt ngày đầu khi Lê Lợi khởi binh. Lúc ấy binh tướng của ta còn rất ít, Lê Hiêu cùng các ông Lê Khang, Lê Luân, Lê Sao, Lê Nanh, Lê Lễ….chia nhau cầm quân đối địch với giặc Minh. Ông là vị tướng dũng cảm, tham gia hầu hết các trận đánh , cùng Lê Lợi trải qua bao gian lao, nguy hiểm, lập công lớn, được Lê Lợi rất tin dùng.

Năm 1428, khi kháng chiến thắng lợi, Lê Hiêu được ban quốc tính (họ vua), được xếp hạng nhất Khai quốc công thần Lũng Nhai. Năm 1429, khắc biển công thần, Lê Hiêu được phong Á hầu, tên xếp thứ 8 trong 16 người. Năm 1431, Lê Thái Tổ viết “Lam Sơn thực lục”, trong bản ngự danh, Lê Hiêu đứng thứ 29 trên 35 người. Ông  làm quan qua ba triều vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Ông mất năm 1459 khi đang giữ chức Tư đồ Bình chương sự. Năm 1484 ông được vua Lê Thánh Tông phong tặng Trượng Quận công.

Hiện nay còn nhà thờ, gia phả, sắc phong và hậu duệ của ông ở xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

30/ Thái úy Vinh Quận công Lê Sao (1381 – 1452)

Ông quê ở làng Đoán Lương, huyện Lương Giang, nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lê Sao cùng em Thái úy Tán Quốc công Lê Khôi và anh là Thái úy Quỳ Quốc công Lê Khang có mặt ngay từ ngày đầu trong cuộc khởi nghĩa Lám Sơn, được Lê Lợi tin dùng. Khi phất cờ khởi nghĩa  (1418) Lê Lợi đặc biệt quan tâm đến chuẩn bị lương thảo bằng nguồn lương thực của các quan lang miền núi. Vấn đề này Lê Lợi giao cho Lê Sao phụ trách.

Năm 1428, cuộc kháng chiến thắng lợi, Lê Thái Tổ xét công phong thưởng 35 công thần theo vua từ ngày đầu, Lê Sao xếp thứ 30 trong bản ngự danh và được phong  tước Vinh Quận công. Lê Sao mất ngày 11 tháng 5 năm 1452 thọ 71 tuổi. Mộ táng bên mộ tổ tại làng Đoán Lương (Hào Lương).

31/ Thái bảo Lý Quận công Trương Chiến (? – 1436)

Ông là con trai khai quốc công thần Trương Lôi, người thôn Thụ Mệnh, tên ghi thứ 19 trong văn thề Lũng Nhai. Khi Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, ông được nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, đã góp nhiều công sức, lập nhiều chiến công. Ông cùng cha luôn bên cạnh Lê Lợi trong những ngày chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, thực hiện ý đồ của Lê Lợi trong việc tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ và địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Hai cha con Trương Lôi, Trương Chiến còn đặc biệt có tài huấn luyện voi chiến và nổi tiếng với tài cầm quân lấy ít thắng nhiều.

Ông mất năm 1436, được dòng họ và dân địa phương xây lăng mộ và đền thờ tại cố hương là Thôn Quan Nội, vùng đất lộc điền của họ Trương, nay thuộc xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

32/ Thiếu úy Mậu Quận công Lê Nanh

Ông người làng Giao Xá, sách Khả Lam, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa. Lê Nanh có thân hình cao to, tiếng nói vang như chuông, bước đi như hổ báo, ngay từ đầu đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi phong cho ông chức Đại tướng. Ông là một trong 14 người được Lê Lợi sai đi lấy lại hài cố và linh xa bị giặc Minh cướp, dem về chôn cất vào chỗ cũ (động Chiêu Nghi).

Lê Nanh là vị tướng tài ba, thông minh, văn võ song toàn. Trong 10 năm kháng chiến ông luôn kề vai sát cánh bên cạnh Lê Lợi cho đến ngày giành được thắng lợi hoàn toàn.

33/ Đường Quận công Lê Cố

Họ và tên đầy đủ của ông là Lương Thế Cố, dân tộc Thái, người động Nhân Trầm, xưa thuộc huyện Thọ Xuân, nay là xóm Nhân, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Lúc mới khởi nghĩa, Lê Lợi cùng Trương Lôi và Lê Liễu rút lên Linh Sơn để bảo toàn lực lượng. Trên đường gặp một nông dân đang cày ruộng bèn hỏi đường. Người nông dân xưng là Lương Thế Cố, từ lâu muốn đến Lam Sơn theo Lê Lợi, nay gặp ở đây liền về nhà mang cơm rượu ra thết đãi rồi cùng Trương Lôi và Lê Liếu bảo vệ Lê Lợi lên Linh Sơn.

Lương Thế Cố là người am tường đường đi lối lại rừng núi miền Tây Thanh Hóa nên 3 lần Lê Lợi rút lên núi Chí Linh, hết lương, ông đều vượt vòng vây của địch, đến nhà dân xin cơm gạo mang về cho chủ tướng và binh sỹ.

Lương Thế Cố là người được Lê Lợi sai ở lại vớt thi hài bà phi Phạm Thị Ngọc Trần, rồi cùng 500 quân mang quan tài bà về quê mai táng.

Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, Lương Thế Cố được phong Quốc tính (họ vua). Năm Thuận Thiên thứ hai được phong tước Á hầu. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) ông được tặng Đường Quận công. Ông có tên trong 35 vị công thần được ngự danh trong “Lam Sơn thực lục”

34/ Thái bảo Nghị Quận công Lê Hối

Lê Hối vốn họ Trịnh người ở sách Lại Thượng, huyện Lương Giang, nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông có mặt từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và được gắn ngạch “Công thần Lũng Nhai”.

Trịnh Hối theo Lê Lợi đánh giặc 10 năm, cùng nằm gai nếm mật, khi đất nước khải hoàn, năm thuận Thiên thứ nhất 1428, Trịnh Hối được ban Quốc tính (họ vua) và được phong Bảo chính công thần nhập nội. Năm 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 15,ông  được vua Lê Thánh Tông tặng Thái bảo Nghị Quận công.

35/ Thái úy Trung Quốc công Lê Lâm (? – 1431)

Ông là con thứ ba của Trung Túc vương Lê Lai, người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Trung túc vương Lê Lai sinh được ba người con trai: Lê Lôi, Lê Lộ và Lê Lâm.

Lê Lôi năm 1425 vào vây đánh thành Nghệ An bị hy sinh, được tặng Kiến Quận công. Lê Lộ theo Lê Lợi đánhTrà Lân, Bồ Lạp 1424 thắng được Phương Chính, được phong Chiêu Quận công.

Lê Lâm là người văn võ song toàn, có nhiều đóng góp trong khởi nghĩa Lam Sơn. Năm Thuận thiên thứ nhất 1428, Lê Lâm được xếp hàng công thứ 3 trong các vị khai quốc công thần. Năm 1430 giặc Ai Lao nổi lên quấy rối, Lê Lâm xin làm tướng tiên phong, đuổi giặc đến động Hồng Di bị trúng tên độc mà chết. Ông mất ngày 16 tháng 5 năm 1430, mộ táng và đền thờ tại thôn Bỉ Ngủ, nay là thôn Kiên Minh, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Lê Xuân Giang biên soạn

(Theo  sách“35 vị khai quốc công thần Lam Sơn” NXB Thanh Hóa – 2017)

Các tin liên quan