Văn bản điều hành

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu họ Lê toàn quốc lần thứ III

ĐOÀN KẾT – PHÁT TRIỂN – RẠNG DANH LÊ TỘC VIỆT NAM

(Báo cáo của Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam

Tại Đại hội đại biểu họ Lê toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023)

Hà Nội, ngày 27, 28 tháng 5 năm 2018

Tổ chức hoạt động dòng tộc họ Lê đã từ năm 1930. Qua mỗi thời kỳ, tên tổ chức dòng họ có thay đổi:  “Bắc kỳ Lê Tộc Hội” (1930-1946), “Bắc Việt Lê Tộc Hội” (1948-1954), “Lê Tộc Ái Hữu Tương Tế Hội” (1970 ở Nam Bộ), “Lê Tộc Hội ở Quảng Nam – Đà Nẵng” (từ năm 1936 ở Trung Bộ).

Năm 1995, tại Hà Nội, Ban liên lạc họ Lê được thành lập. Ngày 6-5-2006, tại Toà soạn báo Nhân dân, Hà Nội, hơn 200 đại biểu các chi, dòng tộc họ Lê khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến họp mặt. Tại cuộc họp lần thứ nhất này, các đại biểu đã quyết định: Thành lập Ban liên lạc họ Lê Việt Nam, Thông qua Quy ước hoạt động của Ban liên lạc họ Lê Việt Nam. Cuộc họp này được coi là Đại hội đại biểu họ Lê Việt Nam lần thứ nhất.

Trong hai ngày 29 và 30-9-2007, hơn 1.000 đại biểu con cháu dòng tộc họ Lê khắp mọi miền Tổ quốc họp măt tại Công ty Mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại cuộc gặp mặt lần này, các đại biểu thống nhất: Lấy tên tổ chức họ Lê trong cả nước là “Hội đồng họ Lê Việt Nam”; Thông qua Quy ước bổ sung hoàn chỉnh; Kiện toàn Ban Thường trực Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch phụ trách các mặt công tác; Chủ trương phát triển dòng họ Lê tại các địa phương trong nước; Tăng cường quan hệ với bà con họ Lê ở nước ngoài; Tập hợp Doanh nhân họ Lê trong cả nước và các địa phương vào Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân họ Lê Việt Nam, xây dựng Quỹ Họ, Phả tộc, Khuyến học, khuyến tài; Hoàn thiện các Ban chuyên trách. Cuộc gặp mặt lần này được coi là Đại hội đại biểu họ Lê Việt Nam lần thứ II. Do nhiều lý do, nhất là hoạt động của Hội đồng họ Lê (HĐHL) Việt Nam ổn định và phát triển nên nhiệm kỳ II kéo dài từ tháng 9-2007 đến nay đã gần 11 năm.

Trong nhiệm kỳ II, cùng với sự phát triển về tổ chức họ Lê, các hoạt động của HĐHL Việt Nam ngày càng phong phú, thiết thực, được đông đảo bà con trong dòng họ hưởng ứng, tích cực tham gia, được xã hội thừa nhận.

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

CỦA HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM TRONG NHIỆM KỲ II

A- CÁC HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT.

I- Phát triển tổ chức HĐHL các cấp.

Thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ II, HĐHL Việt Nam mở rộng tổ chức dòng họ ra cả nước, Quy ước được bổ sung, hoàn chỉnh một bước, nhiệm vụ việc Họ được đề ra rõ ràng, cụ thể. HĐHL Việt Nam đã tổ chức ba lần gặp mặt bà con họ Lê cả nước vào các năm 2009, 2012 và 2015 tại Thanh Hóa và một lần tại Hà Nội vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Hội đồng họ Lê Việt Nam được tổ chức và hoạt động tại nhiều tỉnh thành và địa phương, bà con dòng tộc họ Lê đã tập hợp sinh hoạt tại các chi họ, dòng họ ở làng, xã, thôn, bản lên đến cấp huyện, cấp tỉnh.

Tháng 7-2007, HĐHL tỉnh Thanh Hóa ra mắt, đi vào hoạt động, tổ chức thành công cuộc gặp mặt đại biểu họ Lê toàn quốc vào tháng 9-2007 tại tỉnh Thanh Hóa. Sau cuộc gặp mặt đó, HĐHL các tỉnh, thành phố lần lượt được thành lập: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Bình, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh. Một số tỉnh có tổ chức HĐHL ở thành phố, huyện: Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Tam Điệp (Ninh Bình), Sông Lô (Vĩnh Phúc).

Tháng 7-2016, sau gần 3 năm soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của HĐHL các tỉnh, thành phố, Hội đồng họ Lê Việt Nam đã chính thức ban hành “Quy ước của Hội đồng Họ Lê Việt Nam” mới theo hướng tổ chức  hoạt động tinh gọn hơn, chú trọng vào tổ chức, hoạt động của Hội đồng họ Lê các địa phương; Xây dựng mối liên hệ giữa Thường trực HĐHL Việt Nam với HĐHL các tỉnh, thành phố, bổ sung các Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) HĐHL các tỉnh, thành phố là thành viên của HĐHL Việt Nam. HĐHL Việt Nam đặt trụ sở Văn phòng đặt tại chùa Huy Văn, thành phố Hà Nội, nơi có đền thờ Vua Lê Thánh Tông.

Bước vào Đại hội III, trong cả nước đã có 34 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức HĐHL hoặc Ban vận động thành lập HĐHL. HĐHL thành phố Hà Nội, Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh kiện toàn ban lãnh đạo, bầu Ban thường trực mới, thực hiện các nhiệm vụ theo Quy ước của HĐHL Việt Nam. Một số HĐHL cấp tỉnh đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ (Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh…) bầu lại ban lãnh đạo, củng cố, kiện toàn các ban giúp việc, bổ sung, hoàn thiện Quy ước và các Quy chế, đưa hoạt động dòng họ đi vào chiều sâu, thu hút được đông đảo bà con họ Lê ở các lứa tuổi tích cực tham gia. HĐHL tỉnh Quảng Bình hoàn thành đại hội họ Lê ở tất cả thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh, hoàn thành đại hội điểm ở 3 xã thuộc thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh.

Ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh… các bước kết nối dòng họ, tiến tới thành lập Ban Vận động thành lập HĐHL cấp tỉnh đang được tiến hành.

Theo quyết nghị từ đầu nhiệm kỳ, tháng 6-2014, Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam ra mắt.

Ngày 13-1-2018, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam ra mắt và đi vào hoạt động với Ban Chủ nhiệm tập hợp các doanh nhân ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, tâm huyết với dòng họ, ra được Quy chế tổ chức, hoạt động, ra lời kêu gọi doanh nhân họ Lê cả nước tham gia.

II- Làm tốt các nội dung hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Kế thừa kinh nghiệm hoạt động của tổ chức họ Lê từ nhiều năm trước, trong các năm từ 2007 đến 2018, HĐHL Việt Nam cùng HĐHL các cấp tiếp tục củng cố, tăng cường các hoạt động phù hợp với sự phát triển của đất nước, xã hội và dòng họ. Những hoạt động dòng họ đã được định hình:

  1. Tri ân tiên tổ, tìm về nguồn cội, kết nối gia phả, tham gia tôn tạo di tích dòng họ.

Đây là một trong các hoạt động trung tâm của HĐHL các cấp, thu hút sự tham gia đông đảo bà con họ Lê trong cả nước. Hoạt động tri ân hướng về các vị vua Lê có công lao to lớn với dân tộc Việt Nam, như Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, đức vua mở đầu thời đại Tiền Lê Lê Đại Hành, đức vua anh minh bậc nhất trong các triều đại phong kiến Lê Thánh Tông, các anh hùng, liệt sĩ trong dòng họ có công trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc, các danh nhân văn hóa, khoa học, các bậc tiền bối có công mở mang bờ cõi, khai phá đất mới, xây dựng làng xã, giúp dân có ruộng cày, các vị thành hoàng có công với nhân dân trong vùng…

HĐHL Việt Nam đã cùng với HĐHL tỉnh Thanh Hóa, HĐHL thành phố Hà Nội thực hiện thành công việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông, vị vua thứ 21 trong vương triều Hậu Lê. Bà con họ Lê tỉnh Thanh Hóa đã góp tiền của, công sức xây dựng ba công trình mới: Ngọ Môn trong khu di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ, đền Thi thờ tướng quốc Lê Phúc Thành và có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo 21 di tích họ Lê được xếp hạng cấp quốc gia, 86 di tích họ Lê được xếp hạng cấp tỉnh.

Ngoài HĐHL Thanh Hóa là địa phương có số di tích họ Lê nhiều nhất nước, HĐHL các tỉnh, thành phố khác cũng rất quan tâm đến việc góp phần bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy tác dụng tuyên truyền, giáo dục các di tích họ Lê tiêu biểu trong địa phương mình. Quảng Ninh có đền thờ Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, đền thờ nữ tướng Lê Chân, tướng quân Lê Bá Đức, Ninh Bình có đền thờ Đức vua Lê Đại Hành, Nghệ An có đền thờ Lê Thái Tổ và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Hà Tĩnh có đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, thành phố Hồ Chí Minh có đền thờ Lê Lợi, Bắc Ninh có đền thờ Thái sư khai khoa Lê Văn Thịnh… Sau hơn 580 năm vua Lê Thái tổ băng hà, năm 2017, con cháu họ Lê thành phố Hải Phòng hoàn thành xây dựng đền thờ Đức vua tại thành phố Cảng. HĐHL tỉnh Quảng Ngãi đang vận động các nguồn lực và tích cực thực hiện công tác chuẩn bị để xây dựng di tích ghi nhớ công lao của Đức vua Lê Thánh Tông tại Vạn Tường. HĐHL Quảng Nam-Đà Nẵng làm xong tờ trình xin công nhận Tổ đình Mân Thái là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong những năm qua, HĐHL Việt Nam, HĐHL tỉnh Thanh Hóa kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tư pháp, Liên hiệp các tổ chức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành hữu quan tổ chức 8 cuộc hội thảo về “Lê tộc Việt Nam với 1000 năm Thăng Long-Hà Nội”, về Đức vua Lê Thánh Tông, Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Tướng quân Nguyễn Chích và về Lê Văn Tiến với phong trào chống thuế năm 1908… HĐHL các tỉnh, thành phố đã biên soạn nhiều cuốn sách về họ Lê, trong đó HĐHL tỉnh Thanh Hóa, HĐHL Quảng Nam-Đà Năng, HĐHL tỉnh Bắc Ninh là các đơn vị tiêu bểu trong việc biên soạn, xuất bản sách về các vị vua, danh nhân họ Lê Việt Nam và những vị có công với vương triều nhà Lê.

Thường trực HĐHL Việt Nam cùng HĐHL tỉnh Bắc Ninh đã đi khảo sát, kiến nghị với các địa phương, các cơ quan hữu quan xem xét, nghiên cứu làm rõ những nội dung liên quan đến di tích thành Bình Lỗ tại xã Xuân Giang huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất của quân và dân Đại Cồ Việt dưới triều vua Lê Đại Hành.

Các hoạt động tri ân tiên tổ, tìm về nguồn cội được tiến hành thường xuyên ở các địa phương. Đại diện HĐHL nhiều tỉnh, thành phố hàng năm đều cử đoàn đại biểu vào dự Lễ giỗ vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thánh Tông, Trung Túc vương Lê Lai, tổ chức ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang, vào Hoàng thành Thăng Long dâng hương nhân ngày giỗ của các vị vua họ Lê…, cùng với Ban quản lý nhà thờ các vị họ Lê có công, nhà thờ Lê tộc ở các địa phương, góp sức, góp công tu bổ, sơn sửa trong ngoài, làm cổng ngõ mới, trang trí đẹp, sạch sẽ, xây nhà thờ mới phục vụ cho việc thờ cúng tổ tiên, động viên bà con cô bác  tham dự lễ giỗ các vị danh nhân, danh tướng, giỗ các Đức Vua là người họ Lê trên toàn quốc, thường xuyên chăm sóc đền thờ các danh nhân, người họ Lê có công với dân ở địa phương.

Công tác chắp nối gia phả trong các chi họ Lê ở cả nước chủ động hơn, từng bước đi vào nền nếp. HĐHL nhiều quận, huyện, thị ban hành nhiều tài liệu nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá hoạt động của dòng họ. Việc thông tin, chắp nối gia phả ở nhiều nơi thực hiện có kết quả thiết thực. Một số chi họ Lê đã xây dựng được gia phả 60, 50, 40… đời.

  1. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong dòng họ.

Ngay từ khi thành lập HĐHL Việt Nam, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ Lê đã được HĐHL các cấp coi trọng. HĐHL Việt Nam đã thành lập Ban Thông tin việc Họ với nhiệm vụ: Tổ chức nội dung, in ấn, phát hành, quản trị bản tin “Thông tin họ Lê”, Trang thông tin điện tử “Họ Lê Việt Nam”, các tập sách của HĐHL Việt Nam, lịch hàng năm…; Kết nối, trao đổi thông tin, liên hệ học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hoạt động của HĐHL Việt Nam, bà con họ Lê trong và ngoài nước. Hơn 10 năm qua, HĐHL Việt Nam đã tổ chức xuất bản 18 số Thông tin Họ Lê, lịch họ Lê hàng năm, duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử holevietnam.vn, thực hiện các biện pháp khuyến khích HĐHL các địa phương viết bài, gửi tin ảnh cho bản tin, trang Thông tin điện tử, tạo kinh phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên.

HĐHL tỉnh Nghệ An đã xuất bản được 2 bản tin Họ Lê Nghệ An, HĐHL tỉnh Hà Tĩnh ra trang thông tin điện tử holehatinh.vn từ năm 2015, phát hành bản tin Họ Lê Hà Tĩnh số 1 vào tháng 6-2016, số 2 tháng 12-2017, xây dựng phóng sự “Họ Lê-Trường tồn vinh sách sử sách”, thời lượng 30 phút. HĐHL thành phố Hà Nội xây dựng trang Facebook Họ Lê Hà Nội,. HĐHL tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành xuất bản quyển 1 cuốn Họ Lê Quảng Ninh. Trong cả nước hiện có hơn 20 trang thông tin điện tử của các chi họ.

Việc xuất hiện các ấn phẩm, nhiều trang thông tin điện tử đã làm cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, quảng bá các hoạt động của họ Lê trong nội bộ dòng họ và các tầng lớp nhân dân được rộng rãi, phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ của HĐHL các cấp.

  1. Khuyến học khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Sau ngày Hội đồng Khuyến học họ Lê (HĐKHHL) Việt Nam ra mắt (15/6/2014), Thường trực Hội đồng đã thông qua Qui ước HĐKHHL Việt Nam với 4 chương 13 điều, nhiệm vụ công tác của các thành viên Thường trực, quyết định về việc trao giải thưởng cho các cháu thi đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng quốc gia. Thường trực đã phân công nhau đi các tỉnh đề phối hợp với các cán bộ phụ trách khuyến học ở các tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Nam-Đà Nẵng khen thưởng và tuyên dương các cháu họ Lê học giỏi, đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Sau gần 4 năm hoạt động, HĐKHHL Việt Nam đã xét tặng Bằng vinh danh, trao thưởng khuyến học cho gần 100 học sinh, sinh viên người họ Lê có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, đỗ thủ khoa vào các trường đại học, đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế.

Công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được tất cả các chi họ, cửa họ Lê các tỉnh, thành phố quan tâm. Ở hầu hết HĐHL các cấp đều có tổ chức Ban Khuyến học, chú ý đến việc thường xuyên kiện toàn, bổ sung nhan sự, soạn thảo quy ước hoạt động, lấy ý kiến tham gia của Thường trực Hội đồng để thực hiện. Nhiều chi họ Lê trong cả nước xây dựng được Quỹ Khuyến học, tiến hành phát thưởng hàng năm cho các cháu họ Lê chăm ngoan, học giỏi, vinh danh các cháu đoạt giải quốc gia, quốc tế, đi dự đại hội khuyến học cấp tỉnh. Nhiều HĐHL cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo thành lập quỹ khuyến học ở các dòng họ, hàng năm thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, con em trong họ gặp khó khăn, diện chính sách, trẻ khuyết tật.

Tích cực làm công tác khuyến học khuyến tài, họ Lê được Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là một trong những dòng họ làm tốt công tác này, có nhiều điển hình hiếu học, đỗ đạt cao ở cấp làng xã.

  1. Xây dựng, phát triển Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê.

Ngay từ khi ra mắt hoạt động, HĐHL nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng công tác tập hợp đội ngũ doanh nhân họ Lê trong tỉnh, thành phố để xây dựng CLB Doanh nhân họ Lê. Trong tổng số các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập HĐHL, đến nay có 12 HĐHL tỉnh, thành phố xây dựng được CLB Doanh nhân họ Lê: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Bình,Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế.

CLB Doanh nhân HĐHL các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Dương… hoạt động có hiệu quả, bước đàu kết nối, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực trong việc duy trì hoạt động của Hội đồng, tài trợ xuất bản bản tin HĐHL tỉnh, thành phố, ủng hộ Quỹ Khuyến học, khuyến tài, xây dựng nhà thờ họ, giúp các gia đình họ Lê bị thiệt hại do bão lũ…

Giữa năm 2017, Thường trực HĐHL Việt Nam họp, thảo luận, thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thành lập Ban vận động xây dựng CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam. Ngày 18-11-2017, tại Hà Nội, Thường trực HĐHL Việt Nam tổ chức Hội nghị trù bị thành lập CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam. Hội nghị thống nhất quyết định thành lập CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam, ra mắt vào ngày 13-1- 2018. Trong ngày ra mắt, đã có 70 doanh nghiệp tham gia CLB (HĐHL Hà Nội 7 doanh nghiệp, HĐHL Hải Phòng 10 doanh nghiệp, HĐHL Quảng Ninh 5 doanh nghiệp, HĐHL Hải Dương 3 doanh nghiệp, HĐHL Bắc Ninh 9 doanh nghiệp, HĐHL Ninh Bình 5 doanh nghiệp,  HĐHL Thanh Hoá 4 doanh nghiệp, HĐHL Nghệ An 7 doanh nghiệp, HĐHL Hà Tĩnh 9 doanh nghiệp, HĐHL  Quảng Bình 9 doanh nghiệp, HĐHL Quảng Nam-Đà Nẵng 3 doanh nghiệp). Ban Vận động thành lập đã chỉnh sửa, hoàn thiện Điều lệ, Quy chế lâm thời, đông thời soạn thảo các văn bản, thư kêu gọi, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, doanh nhân Họ Lê toàn quốc tham gia CLB, tích cực chuẩn bị để tiến hành Đại hội đại biểu Doanh nhân họ Lê toàn quốc vào thời gian thích hợp.

Thành lập CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam là việc làm cần thiết nhằm kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân họ Lê trong toàn quốc, tập hợp đội ngũ doanh nhân đông đảo để hợp tác kinh tế, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý điều hành của doanh nghiệp, giúp đỡ nhau ổn định sản xuất kinh doanh, cùng nhau xây dựng các ý kiến đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm phản biện xã hội xây dựng các chính sách phù hợp giúp cho các doanh nghiệp phát triển. Do mục đích tốt đẹp đó, CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam đang có chiều hướng phát triển thuận lợi.

  1. Tương thân tương ái trong dòng họ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Nhưng năm gần đây, nhiều vùng trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt lũ lụt. Sau khi có đánh giá nhiều nơi có đông gia đình họ Lê bị thiệt hại nặng nề, Thường trực HĐHL Việt Nam Lê chủ trương kêu gọi Hội đồng họ Lê và bà con họ Lê các tỉnh, thành phố giúp đỡ. Sau khi nhận được lời keu gọi, HĐHL các địa phương đã phổ biến tới các cấp trực thuộc và bà con họ Lê. Việc ủng hộ được thực hiện theo nhiều hình thức: tham gia cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương, tham gia cùng cơ quan, đơn vị nơi đang làm việc, gửi thẳng về gia đình họ Lê chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh… Việc làm này thể hiện sự quan tâm của HĐHL các cấp tới bà con họ Lê trong cả nước khi gặp hoạn nạn, tạo được niềm tin của nhiều người họ Lê với tổ chức của dòng họ mình, động viên người thân tích cực tham gia việc Họ.

Hoạt động tương thân tương ái trong dòng họ được tiến hành phổ biến trong các chi họ ở làng, xã với nhiều hình thức phong phú, ý nghĩa thiết thực: ủng hộ giống cây trồng, vật nuôi ở nông thôn, cho vay vốn phát triển sản xuất, giúp xây dựng nhà cửa, giúp đỡ tạo việc làm, khởi nghiệp, khắc phục thiên tai…

HĐHL các cấp ở nhiều tỉnh, thành phố làm tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động mọi thành viên trong dòng tộc sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, hướng vào chấp hành kỷ cương phép nước, bài trừ các tệ nạn xã hội, nêu cao cảnh giác, đoàn kết với các họ tộc khác trong cộng đồng người Việt tại địa phương là phên giậu, lá chắn vùng biên ải của đất nước, động viên kịp thời những gương tốt của bà con cô bác, anh chị em, các cháu có thành tích trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh giỏi.

  1. Thắt chặt quan hệ với các dòng họ bạn.

Những năm gần đây, nhiều dòng họ đã xây dựng tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Quan hệ chặt chẽ với các dòng họ bạn được thường trực HĐHL Việt Nam, HĐHL các địa phương coi là việc làm cần thiết, góp phần tích cực vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Ở các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, liên kết thực hiện nhiệm vụ chung của xã hội giữa họ Lê với các dòng họ khác diễn ra thường xuyên với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực.

Từ năm 2014, khi đại hội, ra mắt HĐHL các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi…, đại hội, ra mắt HĐHL nhiều huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố, Ban tổ chức đều mời đại biểu các dòng họ bạn: họ Trần, họ Nguyễn, họ Phan, họ Bùi, họ Trương, họ Hoàng-Huỳnh, họ Phạm, họ Vũ-Võ, họ Đỗ-Đậu, họ Đặng, họ Hồ, họ Ngô, họ Dương, họ Trịnh, họ Trương, họ Đinh, họ Đoàn… tham dự.

HĐHL Việt Nam,  HĐHL các tỉnh, thành phố, các đơn vị cấp huyện, cấp xã cũng đã nhiều lần cử đại biểu tham gia các hoạt động của các dòng họ bạn, được các dòng họ bạn đánh giá cao về tổ chức, nền nếp sinh hoạt, các nội dung hoạt động phong phú, đạt hiệu quả cao của họ Lê Việt Nam.

Nổi bật trong hoạt động quan hệ với các dòng họ bạn là cuộc họp đại diện ba dòng họ Lê, Trịnh, Nguyễn vào ngày 27-10-2017 tại Vĩnh Phúc. Cuộc họp bàn về điều kiện, khả năng và ý đồ tập trung trữ lượng di sản của ba họ Lê, Trịnh, Nguyễn tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng các di sản liên quan trên toàn quốc và nước ngoài cần phục dựng, tôn tạo, trùng tu. Ba họ nhất trí cam kết phối hợp bảo vệ di sản lịch sử văn hóa, hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần, vật chất.

B- ĐÁNH GIÁ CHUNG, NGUYÊN NHÂN, KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ.

I- Đánh giá chung:

-Ưu điểm:
Hơn 10 năm hoạt động, HĐHL đã trở thành một tổ chức dòng họ thống nhất trong cả nước, đoàn kết một lòng vì tổ quốc, tổ tiên và tổ ấm gia đình. HĐHL các tỉnh, thành phố, HĐHL các đơn vị cấp huyện, cấp xã tập hợp được đông đảo bà con họ Lê tham gia, định hình được các hoạt động dòng họ, thu được những kết quả to lớn. Thường trực HĐHL Việt Nam, Thường trực HĐHL các tỉnh, thành phố, HĐHL cấp huyện, cấp xã đã có nhiều cố gắng, dành nhiều thời gian công sức phát triển tổ chức và tiến hành các hoạt động của dòng họ. Hầu hết đều là kiêm nhiệm và không có thù lao, phụ cấp, nhưng với  trách nhiệm cao trước dòng tộc, đều đã hoàn thành các mặt công tác được giao.

-Tồn tại, hạn chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của HĐHL các cấp còn một số tồn tại, hạn chế:

  1. Hoạt động của HĐHL cấp tỉnh chưa đồng đều. Bên cạnh nhiều HĐHL cấp tỉnh tổ chức chặt chẽ, phát triển các hoạt động sâu rộng xuống cơ sở, hoàn thành nhiều mặt công tác của dòng họ thì vẫn còn một số HĐHL cấp tỉnh đã thành lập nhưng ít hoạt động, chưa mở rộng tổ chức dòng họ tới cấp huyện, cấp xã. Thường trực HĐHL Việt Nam, HĐHL các tỉnh, thành phố chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động thành lập tổ chức dòng họ ở địa phương.
  2. Một số HĐHL thiếu chủ động đề ra các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ HĐHL Việt Nam đã thông qua. HĐHL một số tỉnh, thành phố có điều kiện thành lập CLB Doanh nhân họ Lê nhưng chưa triển khai. Hoạt động của một số HĐHL cấp tỉnh, cấp huyện chưa rõ nét, còn lúng túng. Nhiều địa phương chưa xây dựng được quy ước hoạt động của HĐHL cấp huyện, cấp xã.
  3. Thường trực HĐHL Việt Nam, một số HĐHL cấp tỉnh, nhiều HĐHL cấp huyện, cấp xã chưa kịp thời kiện toàn, củng cố tổ chức, nhân sự đảm bảo đủ mạnh để chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện toàn diện các việc Họ.
  4. Chế độ thông tin hai chiều có lúc chưa tốt. Một số địa phương ít thông báo cho Thường trực HĐHL Việt Nam những việc đã làm được, những việc đang làm và sẽ làm.
  5. Kinh phí hoạt động của HĐHL các cấp còn rất hạn hẹp. Nhiều nơi chưa xây dựng được quỹ hoạt động.

II- Nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế:

  1. Nhận thức của một số vị trong HĐHL các cấp về tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ, phương pháp công tác việc Họ còn hạn chế.
  2. HĐHL các cấp đề ra quá nhiều hoạt động trong khi năng lực, tài lực thực hiện chưa bảo đảm đủ.
  3. Thường trực HĐHL Việt Nam cũng như nhiều Thường trực HĐHL cấp tỉnh, cấp huyện chưa thu hút, tập hợp được nhiều người có uy tín, năng lực, tâm huyết với công việc dòng họ.

III- Bài học kinh nghiệm:

Từ những việc HĐHL Việt Nam, HĐHL cấp tỉnh, HĐHL cấp huyện, HĐHL cấp xã làm được và chưa làm được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

  1. Xây dựng được đội ngũ người làm công tác dòng họ trong HĐHL các cấp tâm huyết với việc Họ, có năng lực công tác, có uy tín với bà con.
  2. Xác định nội dung hoạt động cụ thể, sát với dòng họ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con trong họ, thu hút được nhiều người tham gia.
  3. Hoạt động dòng họ cần bắt nguồn từ cơ sở, có sự tham gia đông đảo của bà con họ Lê. HĐHL các cấp phải thực sự hoạt động hiệu quả để tạo sự lan tỏa tới các địa phương và cơ sở.

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ

HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ TRONG NHIỆM KỲ III

Hiện nay công việc dòng họ ngày càng nhiều, phạm vi hoạt động mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu Để tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức họ phát triển sâu rộng, hoạt động hiệu quả, trong nhiệm kỳ III, HĐHL các cấp cần tập trung vào các nhiệm vụ chính như sau:

I- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức họ Lê các cấp.

  1. Phát triển tổ chức HĐHL rộng khắp toàn quốc.

Theo kết quả các kỳ điều tra dân số toàn quốc, họ Lê nằm trong ba họ (họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê) có nhân khẩu lớn nhất, chiếm gần 60% dân số cả nước. Người mang họ Lê trong nước và người mang họ Lê có quốc tịch Việt Nam sống ở nước ngoài hiện có gần 10 triệu người.

Khảo sát nguyện vọng của bà con họ Lê, đa số muốn có tổ chức họ Lê phát triển thống nhất, định hướng hoạt động thiết thực, bổ ích, nêu cao lòng tự hào, phát huy tốt truyền thống của dòng họ, thu hút được nhiều người tham gia.

Trên cơ sở Quy ước của HĐHL Việt Nam, HĐHL các địa phương xây dựng hoàn chỉnh Qui ước của HĐHL cấp tỉnh, thông tin kịp thời, đầy đủ tôn chỉ, mục đích, các nội dung việc Họ để mọi người trong họ nhận thức đầy đủ, tự nguyện tham gia sinh hoạt và đóng góp xây dựng HĐHL các cấp.

Phát triển tổ chức HĐHL theo tình hình cụ thể ở các tỉnh, thành phố:

– Xây dựng mới HĐHL ở 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có tổ chức họ Lê, hoặc có nhưng đã ngừng hoạt động. Trước mắt tuyên truyền, vận động, tổ chức Ban Vận động thành lập HĐHL ở các tỉnh, thành phố này, khi đủ điều kiện thì ra mắt HĐHL cấp tỉnh.

– Với các tỉnh, thành phố đã thành lập HĐHL cấp tỉnh nhưng chưa xây dựng tổ chức dòng họ cấp huyện thì phấn đấu đến năm 2020 phát triển tổ chức HĐHL tất cả các thành phố, thị xã, quận, huyện thuộc tỉnh, thành phố.

– Với các tỉnh đã có HĐHL cấp huyện thì cần thành lập Ban Vận động ở cấp tỉnh, mở rộng tổ chức HĐHL tới cấp huyện, chuẩn bị nhân sự, sớm ra mắt HĐHL cấp tỉnh .

Trong hai năm 2018, 2019: Tích cực, chủ động kết nối để vận động thành lập HĐHL các tỉnh đã có Ban vận động, đã có HĐHL cấp huyện: Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu; Vận động bà con họ Lê ở các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và các địa phương khác đã có điều kiện thành lập Ban vận động thành lập HĐHL cấp tỉnh để sớm ra mắt.

Phấn đấu trong nhiệm kỳ III có 80% tổng số tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập xong HĐHL cấp tỉnh.

  1. Kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐHL các cấp.

Thường trực HĐHL Việt Nam trong nhiệm kỳ mới cần tập hợp được những người có tâm, có tầm, có uy tín; trên cơ sở Quy ước đã bổ sung, sửa đổi, xây dựng đầy đủ các quy chế về tổ chức, hoạt động tài chính, quan hệ với các dòng họ bạn, quan hệ với họ Lê ở nước ngoài. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan đã có của Thường trực, bảo đảm đủ sức làm tham mưu cho Hội đồng và chỉ đạo được nội dung các công tác chuyên môn của HĐHL cấp tỉnh trực thuộc trung ương: Văn phòng, thi đua, khen thưởng, các ban: Thông tin việc Họ, Nghiên cứu lịch sử và phả tộc, Tổ chức, kiểm tra, Đối ngoại. Chỉ đạo hoạt động của Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam mang lại kết quả tốt.

HĐHL các địa phương cần bảo đảm đủ số lượng, chất lượng để chỉ đạo được đầy đủ các mặt công tác việc Họ, hướng mạnh về cơ sở, tập hợp được đại đa số chi họ, liên chi họ trong địa phương mình vào tổ chức HĐHL cấp huyện, cấp xã, giữ mối liên hệ chặt chẽ với HĐHL Việt Nam, kiện toàn đầy đủ các ban chuyên trách trực thuộc, chọn được những người có tâm, có tầm, có nhiệt tình, có trách nhiệm, có uy tín, biết làm việc họ tham gia công tác dòng họ. Trong HĐHL các cấp cần phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng người để bảo đảm phát huy được sở trường, hoạt động có hiệu quả.

II- Đẩy mạnh các hoạt động đã định hình, mang lại kết quả thiết thực.

  1. Tri ân tiên tổ, giáo dục các thế hệ gìn giữ, phát huy truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dòng họ Lê Việt Nam, làm rạng danh dòng họ. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất, tuyên truyền rộng rãi tài đức, công lao to lớn của Đức vua Lê Thánh Tông với dân tộc. Tiếp tục thực hiện việc tranh thủ ý kiến của các cơ quan chức năng của Nhà nước để tiến hành các thủ tục đề nghị Nhà nước trình UNESCO công nhận Đức vua Lê Thánh Tông là Danh nhân Văn hóa thế giới.
  2. Tham gia bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử vật thể và phi vật thể của dòng họ Lê; Phát động các chi họ, dòng họ sưu tầm, kết nối gia phả, giao lưu dòng họ, sưu tầm, bổ sung, hoàn thiện phả tộc dòng họ và từng chi họ. Tiếp tục làm việc với lãnh đạo xã Xuân Giang, lãnh đạo huyện Sóc Sơn, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội trong việc xác định vị trí thành Bình Lỗ, tham gia xây dựng đề án phục hồi, tôn tạo thành để tôn vinh công lao của Đức vua Lê Đại Hành và quân dân Đại Cồ Việt đánh thắng quân Tống lần thứ nhất năm 981.
  3. Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam cần được củng cố, xây dựng, có quy chế tổ chức, hoạt động, các quy định về đối tượng khen thưởng, vinh danh, nguồn kinh phí, mối quan hệ với HĐHL chủ quản và Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam, nắm chắc phong trào thi đua học tập, phấn đấu đỗ đạt cao của thanh thiếu niên họ Lê trong địa phương mình, phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những tấm gương xuất sắc.

 HĐHL các tỉnh, thành phố tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Khuyến học, liên hệ chặt chẽ với Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam để tạo sự thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất việc động viên, khuyến khích, cổ vũ phong trào.

  1. Củng cố, xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam và CLB Doanh nhân họ Lê các cấp. Những năm trước mắt tập trung củng cố, xây dựng CLB Doanh nhân họ Lê ở các tỉnh, thành phố đã thành lập HĐHL. Tích cực tuyên truyền phát triển hội viên, thực hiện đầy đủ các nội dung Quy chế đã được thông qua.

CLB Doanh nhân họ Lê các tỉnh, thành phố duy trì, đổi mới nội dung hoạt động, làm cơ sở vững chắc cho CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam phát triển. Sớm tiến hành Đại hội đại biểu Doanh nhân họ Lê Việt Nam.

Phát động rộng rãi phong trào khởi nghiệp trong con em họ Lê.

  1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục truyền thống dòng họ. Nâng cao chất lượng, phát hành đúng định kỳ tờ Thông tin họ Lê Việt Nam, nâng cao chất lượng trang Thông tin điện tử www.holevietnam.vn. HĐHL các địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh cho Ban Thông tin việc Họ để có tài liệu đưa vào các ấn phẩm, trang Thông tin điện tử của dòng họ, phản ánh kịp thời lên holevietnam.vn.

Tích cực vận động các nhà văn, nhà báo, nhà sử học, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội,…biên tập và xuất bản, phát hành “Tổng tập họ Lê Việt Nam”. Vận động, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ người trong họ Lê và người ngoài họ Lê sáng tác “Lê tộc ca”, thống nhất chọn “Lê tộc kỳ”.

Thực hiện tốt thông tin hai chiều, nhất là từ dưới lên, để Thường trực HĐHL Việt Nam có số liệu tổng hợp, báo cáo sát tình hình thực tế và phúc đáp kịp thời khi có yêu cầu.

  1. Triển khai các hoạt động tương thân tương ái trong dòng họ, góp phần tích cực xây dựng quê hương đất nước, vận động xây dựng quỹ hoạt động của HĐHL các cấp, Quỹ khuyến học.
  2. Giữ mối quan hệ thân tình với các họ bạn, tích cực kết nối với cá nhân, tổ chức người họ Lê ở nước ngoài, quan hệ với các tổ chức họ Lê của nước ngoài cần tôn trọng đặc thù dòng họ, bảo đảm đúng các quy định, theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
  3. HĐHL các cấp triển khai các hoạt động vận động xây dựng quỹ hoạt động của HĐHL các cấp, Quỹ khuyến học, Quỹ Khởi nghiệp để hỗ trợ con em họ Lê lập nghiệp..

Gần 11 năm triển khai các nhiệm vụ của nhiệm kỳ II, HĐHL các cấp đã có những cố gắng to lớn, thu được những kết quả khả quan. Chúng ta đã có các mô hình tổ chức dòng họ hoạt động có hiệu quả, định hình được các hoạt động chính, hình thành đội ngũ làm công tác dòng họ từ trung ương đến cơ sở nhiệt tình , biết cách làm việc và có uy tín. Với những thành quả đạt được, trong tình hình đất nước đang tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động dòng họ, sự quan tâm của bà con họ Lê cả nước đến hoạt động dòng họ ngày càng sâu sắc hơn, với tinh thần “Đoàn kết- Phát triển-Rạng danh Lê tộc Việt Nam”, chắc chắn trong nhiệm kỳ III, HĐHL các cấp, bà con họ Lê cả nước sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ hoạt động đã đề ra, đưa tổ chức và các hoạt động của dòng họ Lê Việt Nam tiến lên một bước phát triển mới.

Xem chi tiết tại đây

Các tin liên quan