Tìm về cội nguồn

Họ Lê Việt Nam và hành trình đi tìm dấu tích thành Bình Lỗ

Để tỏ lòng thành kính biết ơn các vị tiên liệt của dòng họ đã có nhiều công lao lãnh đạo nhân dân ta chống ngoại xâm thắng lợi, trong đó có Hoàng đế Lê Đại Hành, người đã trực tiếp cầm quân và chỉ huy quân và dân Nhà nước Đại Cồ Việt tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất (năm 980-981), Hội đồng Họ Lê Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu và đi tìm dấu tích thành Bình Lỗ, một công trình quân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần làm nên chiến công hiển hách thế kỷ thứ 10.

Ảnh: Mặt bằng thành Bình Lỗ, hình ảnh qua vệ tinh (thôn Ngọc Hà, Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội)

  1. Căn cứ để đi tìm thành Bình Lỗ

Về ý nghĩa của thành Bình Lỗ, Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần đã hé lộ trong một câu chuyện như sau: ”Ngày 24 tháng 6 năm Canh Tý (tức năm 1300), Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) ốm nặng. Vua (Trần Anh Tông) ngự giá đến nhà thăm, hỏi rằng: Chẳng may chết, giặc phương Bắc lại xâm lấn, thì kế sách làm sao? Hưng Đạo trả lời: Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh, thì nhân dân làm kế thanh dã, rồi đem đại quân từ Khâm Châu đánh vào Trường Sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thì. Đến thời Đinh – (Tiền) Lê, dùng được người hiền lương, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một lòng, lòng dân không chia, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống, đó là một thì”.

Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu dựa vào sử liệu cũ và nhất là qua câu chuyện trên đã đi đến khẳng định chiến thắng Bình Lỗ là có thật  và trận Bình Lỗ đã xảy ra ở nơi có thành Bình Lỗ.

Theo các nghiên cứu đã công bố, Bình Lỗ là tên công trình quân sự (bao gồm hệ thống thành lũy và chiến hào) do Hoàng đế Lê Đại Hành cho xây dựng, nhờ công trình phòng thủ này mà đầu năm 981 Đại Cồ Việt đã đánh tan quân Tống. Tuy nhiên đã hơn 1000 năm mà chưa ai chỉ ra được thành Bình Lỗ ở đâu. Trong hội thảo khoa học toàn quốc năm 2005 ở Hà Nội về “Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn” (dịp kỷ niệm 1000 năm ngày mất của Hoàng đế Lê Đại Hành) cũng chưa ai xác định được chính xác vị trí, hình dạng, kích thước và vai trò của tòa thành này. 

Để thực hiện nguyện vọng và mong muốn của đông đảo bà con dòng Họ Lê trong cả nước được hiểu biết đầy đủ hơn về thành Bình Lỗ, từ năm 2016 đến nay Hội đồng Họ Lê Việt Nam đã nhiều lần cử các đoàn đi khảo sát và làm việc với các địa phương tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, để sớm có căn cứ đề nghị chính quyền các địa phương làm hồ sơ trình cơ quan chức năng công nhận di tích thành Bình Lỗ. Đại hội lần thứ III của Hội đồng Họ Lê Việt Nam ngày 28/5/2018 đã chính thức đưa vào nghị quyết của Đại hội một nội dung quan trọng của nhiệm kỳ là tiếp tục tìm hiểu và xác định dấu tích thành Bình Lỗ .

Sơ đồ: Đường tiến của quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và đường hành quân đánh chặn của quân Đại Cồ Việt theo hệ thống sông ở Bắc Bộ

Từ năm 2016 đến nay, Hội đồng Họ Lê đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát thực địa. Cụ thể có 3 đợt chính sau:

– ĐỢT 1: Ngày 3/6/2016  do Chủ tịch  Lê Văn Tam và Phó Chủ tịch Lê Phúc Nguyên dẫn đầu. Tham gia đoàn còn có Chủ tịch Hội đồng Họ Lê tỉnh Bắc Ninh Lê Ba, đại diện phòng văn hóa Yên Phong (Bắc Ninh) và một số thành viên của Họ Lê Lục Chi (Hậu duệ Hoàng đế Lê Trung Tông)  ở thôn Phương La Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

+  Nhiệm vụ của đợt này là khảo sát tổng thể khu vực cửa sông Cà Lồ, thị sát hiện trạng thành Bình Lỗ.

+ Các căn cứ để khảo sát:

Bản đồ khu vực: Tỷ lệ 1/100.000. In tại Cục Đo đạc và bản đồ Phủ Thủ tướng năm 1969.  Bản đồ này được sao từ bản đồ năm 1927 của Pháp; Bản đồ trên internet; Các di tích trong vùng; Các tư liệu lịch sử.

– ĐỢT 2: Ngày 21/12/2017  do Phó Chủ tịch Lê Phúc Nguyên dẫn đầu. Tham gia còn có Chủ tịch Hội đồng Họ Lê tỉnh Bắc Ninh Lê Ba, đại diện Họ Lê Lục Chi (Hậu duệ Hoàng đế Lê Trung Tông)  cùng một số chuyên gia về khảo cổ và lịch sử, khảo sát địa hình, giao thông cùng một số nhà văn, nhà báo.

Nhiệm vụ của đợt này là đi sâu thu thập thông tin về thành Bình Lỗ, xưa và  nay, các dấu tích và các di tích trong khu vực có liên quan đến các dã sử và truyền thuyết.

– ĐỢT 3 năm 2019, do ông Lê Phúc Nguyên dẫn đầu. Tham gia còn có ông Lê Đình Bình Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Hà Nội. Nhiệm vụ đợt 3 là làm việc với UBND xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), đơn vị quản lý khu vực thành Bình Lỗ và thu thập thêm thông tin có liên quan.

  1. Xác định khu vực khảo sát và tổ chức đi thực địa

Để góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ địa danh thành Bình Lỗ và chiến công lừng lẫy ở Bình Lỗ,  chúng tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các thư tịch và tiến hành khảo sát trên thực địa vùng đất cổ có tên Bình Lỗ.

– Hai thông tin quan trọng giúp xác định vị trí của thành Bình Lỗ là:

+ Khi chú thích sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, giáo sư Hà Văn Tấn đã chứng minh Bình Lỗ thuộc khu vực sông Cà Lồ, một nhánh nguồn đổ vào sông Cầu ở ngã ba Xà.

+ Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong nghiên cứu của mình cũng cho rằng thành Bình Lỗ thuộc quận Bình Lỗ xưa, chạy từ núi Sóc tới sông Cà Lồ.

– Những nội dung đã tìm hiểu trên thực địa

Tại khu vực từ ngã ba Xà thuộc Yên Phong-Bắc Ninh đến xã Xuân Giang –huyện  Sóc Sơn đã tìm hiểu và xác định được:

– Vị trí, hình dạng, kích thước và vai trò của thành Bình Lỗ:

Thành Bình Lỗ (hiện thuộc xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn) nằm trên một gò đất cao có cao độ khoảng 8 m so với mực nước biển (cao hơn mốc cao đạc ghi trên bản đồ gần cửa sông)  khoảng 3 m.  Có tọa độ là 21.236822 vĩ tuyến Bắc và 105.918846  kinh tuyến Đông, ngay bờ Nam sông Cà Lồ. Nơi này cách cửa sông Cà Lồ khoảng 2 km. Gò đất có hình dạng giống như một chiếc móng chân ngựa, chỗ rộng nhất lên đến trên 700 m, hơn 2/3 chu vi được bao bọc bởi dòng sông Cà Lồ tạo thành con hào thiên nhiên khó vượt qua. Lòng sông Cà Lồ nhỏ hẹp, bề ngang trung bình khoảng 50 m và về mùa cạn mực nước thông thường chỉ dao động từ 1,0 m đến 2,5 m. Với điều kiện như vậy nên xưa kia Lê Hoàn có thể ra lệnh cho quân và dân “thung mộc hạn giang” nghĩa là có thể đóng cọc tre gỗ thẳng xuống lòng sông từ bờ này sang bờ kia để cản giặc.

-Nghiên cứu và khảo sát tổng quan khu vực:

+ Khảo sát dấu tích Thành Phủ ở thôn Ngọc Hà (xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Nơi này, tương truyền là đại bản doanh của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát thời Triệu Việt Vương.

+ Khảo sát đình làng Tiên Tảo (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tại đây thờ chung Trương Hống, Trương Hát và bà mẹ của 2 ông (theo truyền thuyết Thánh Tam Giang).

+ Khảo sát sông Hữu Ninh:  thực chất  đây là đoạn hạ lưu của sông Cà Lồ.

Về con sông này, khi nghiên cứu về cuộc chiến tranh Tống-Việt năm 981, chúng tôi thấy có 3 tài liệu cổ nhất, đó là “Việt sử lược” (thế kỷ XIII), “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Thiền Uyển tập anh” (thế kỷ XIV) đều nhắc đến một con sông, ở đó quân Tống đại bại và chủ tướng giặc là Hầu Nhân Bảo bị giết. Tuy cái tên sông trong sách sử có chép khác nhau, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng vẫn là một và đó là sông Hữu Ninh. Biết rằng trận Bình Lỗ là trận quyết định số phận của quân Tống năm đó, cho nên trận đánh trên sông Hữu Ninh chính là trận Bình Lỗ và diễn ra chủ yếu bên ngoài thành Bình Lỗ.

– Con sông Hữu Ninh từ lâu đã bị chắn cả 2 đầu, bị bồi lấp, nên các nhà sử học xưa không tìm thấy. Trên bản đồ ngày nay (qua vệ tinh, internet) không thể tìm thấy con sông này, tuy nhiên vẫn còn dấu tích trên các bản đồ cũ hơn, cụ thể là bản đồ tỷ lệ 1/100.000, in tại Cục đo đạc và bản đồ thuộc Phủ thủ tướng vào năm 1969. Bản đồ này được xây dựng và tham khảo từ các bản đồ cũ hơn in vào các năm 1927 đến 1942, năm 1962, 1964 có điều tra thực địa và sửa chữa, nên có độ chính xác cao.

– Đối chiếu trên thực địa ta thấy còn dấu tích của con sông này, đặc biệt là nó chảy qua một số địa danh có những cái tên rất cổ liên quan đến một trận đánh lớn như Ngòi Ác, cầu Cửa Ma, Đầm Lâu, Bờ Xác. Con sông chảy qua vùng đất của một dòng họ đã lập nghiệp tại đây hơn 1000 năm, đó là Họ Lê Lục Chi, hậu duệ của Hoàng đế Lê Trung Tông (Tiền Lê).

(Xem Truyền thuyết Thánh Gióng và bí mật của con sông Hữu Ninh- https://nghiencuulichsu.com/2020/09/08/truyen-thuyet-thanh-giong-va-bi-mat-cua-con-song-huu-ninh/ )

– Khảo sát các di tích ở làng Xà và các dấu tích gắn với trận chiến trên sông Hữu Ninh (xem ở bài sau Chuyến đi định mệnh của hậu duệ Hoàng  đế Lê Trung Tông về vùng cửa sông Cà Lồ).

Ảnh: Một góc thành Bình Lỗ xưa. Nơi đây đang bị đào bới sâu xuống lòng đất để lấy nguyên liệu, phi tang một cách vĩnh viễn mọi dấu tích xưa

  1. Đánh giá kết quả

Kết quả nghiên cứu và khảo sát của chúng tôi khảng định Thành Bình Lỗ là có thật, nằm ở khu vực cửa sông Cà Lồ được hoàng đế Lê Đại Hành cho xây dựng cuối năm 980 đến đầu năm 981 đã góp phần chặn đứng quân Tống  và đưa chúng đến thất bại hoàn toàn.

Trận đánh Tống năm 981 chủ yếu xảy ra trên một con sông có tên là Hữu Ninh, không phải ở sông Chi Lăng như Đại Việt sử ký toàn thư đã  chép  hay ải Chi Lăng như trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.  Con sông này chảy vòng quanh thành Bình Lỗ, nó chính là đoạn hạ lưu của con sông Cà Lồ. Đoạn hạ lưu này có 2 nhánh chính và đều chảy vào sông Cầu, tạm gọi là nhánh 1 và nhánh 2 của sông Cà Lồ.  Do chương trình đắp đê trị thủy có từ cuối thời nhà Trần, nhánh 2 bị bịt kín, chặn cả 2 đầu nên hầu như đã bị vùi lấp. Nhưng theo phân tích của chúng tôi thì trận đánh Tống năm đó đã xảy ra chủ yếu trên nhánh 2 này.

LÊ PHÚC NGUYÊN
Phó Chủ tịch Thường trực HĐHL Việt Nam

Các tin liên quan