Quy chế hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam khóa IV ( 2023-2028)
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 18/ QĐ-HLVN ngày 25 tháng 02 năm 2024)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thành viên tham gia Họ Lê Việt Nam
Thành viên họ Lê Việt Nam gồm những người mang họ Lê, có nguồn gốc họ Lê sinh sống ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, giới tính tuổi tác, tán thành Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam và tham gia sinh hoạt tại các tổ chức dòng họ các cấp theo Quy ước của Hội đồng họ Lê các cấp. Không tham gia các tổ chức khác ngoài họ Lê Việt Nam.
Điều 2. Hội đồng Họ Lê Việt Nam
Là cơ quan lãnh đạo của tổ chức họ Lê Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu Họ Lê Việt Nam; do Đại hội hiệp thương bầu ra, có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động của dòng họ Lê theo đúng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Quy ước của dòng Họ.
Chương II
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
CỦA HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
Điều 3. Tổ chức của họ Lê Việt Nam
- Họ Lê Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp như sau:
– Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Hội đồng họ Lê cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Hội đồng họ Lê cấp tỉnh).
– Hội đồng họ Lê cấp huyện (quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã).
– Hội đồng họ Lê cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, chi họ, gia tộc, …).
- Quy định về nhiệm kỳ và số lượng của Hội đồng họ Lê Việt Nam
– Nhiệm kỳ của Hội đồng họ Lê Việt Nam khóa IV là 5 năm (2023- 2028). Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ do Ban Thường vụ Hội đồng đề xuất, Hội nghị Hội đồng quyết định hoặc ủy quyền cho Ban thường vụ Hội đồng quyết định. Thời gian rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ không sớm hoặc muộn quá 1/3 nhiệm kỳ chính thức.
– Số lượng Ủy viên Hội đồng được hiệp thương bầu ra tại Đại hội đại biểu Họ Lê Việt Nam lần thứ IV là 89 vị. Cơ cấu trong cả nhiệm kỳ được chỉ định bổ sung tùy thời điểm và không vượt quá 90 ủy viên.
– Việc cơ cấu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh của Ủy viên Hội đồng trong nhiệm kỳ, chỉ định bổ sung nhân sự Hội đồng do Thường trực Hội đồng đề xuất, Ban thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam xem xét, quyết định.
Điều 4. Ban thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam
Ban thường vụ Hội đồng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội đồng họ Lê Việt Nam giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể của Hội đồng họ Lê Việt Nam. Ban thường vụ do Hội đồng họ Lê Việt Nam hiệp thương bầu ra, gồm 30 người, được cơ cấu:
– Chủ tịch Hội đồng;
– Phó Chủ tịch thường trực;
– Các Phó Chủ tịch;
– Các Ủy viên Thường vụ.
Điều 5. Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam
Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch và một số phó Chủ tịch phụ trách Văn phòng, các Ban chức năng, Hội đồng khuyến học, CLB Doanh nhân và một số CLB khác của Hội đồng họ Lê Việt Nam. Số lượng Ủy viên Ban thường trực là 10 người, có thể bổ sung nhưng không quá 11 người.
Điều 6. Các Ban chuyên môn và các Câu lạc bộ của Hội đồng họ Lê Việt Nam
- Văn phòng Hội đồng họ Lê Việt Nam.
- Ban Phát triển tổ chức dòng Họ.
- Ban Truyền thông Sự kiện Đối ngoại
- Ban Tổ chức Kiểm tra Khen thưởng
5 Ban Phả tộc và Lịch sử dòng họ
- Ban Văn hóa Nghệ thuật
- Hội đồng khuyến học Khuyến tài họ Lê Việt Nam.
- Ban Tài chính
- Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam.
….
Tổ chức và hoạt động của Văn phòng, các ban chức năng và các Câu lạc bộ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam
Ban Thường trực Hội đồng quyết định việc giao các Phó Chủ tịch phụ trách Văn phòng, các Ban chuyên môn, Hội đồng khuyến học, CLB Doanh nhân và một số CLB khác của Hội đồng.
Việc giới thiệu, xem xét và quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức danh trong các Ban chuyên môn và Văn phòng của Hội đồng do Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam quyết định.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng họ Lê Việt Nam
– Lãnh đạo, chỉ đạo nội dung, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu họ Lê Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
– Quyết định nội dung và chỉ đạo việc ban hành, tổ chức thực hiện Quy ước họ Lê Việt Nam và Quy chế hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam khóa IV.
– Ủy quyền cho Thường trực Hội đồng quyết định công nhận kết quả Đại hội và bộ máy tổ chức Họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Xem xét các báo cáo định kỳ và bất thường của Ban Thường trực, Ban thường vụ Hội đồng, các Ban chức năng tại các Hội nghị toàn thể của Hội đồng.
– Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng tổ chức Họ Lê trong phạm vi cả nước.
– Chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các chương trình hành động, các chủ trương, nghị quyết của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Thảo luận và quyết định việc chuẩn bị nội dung, nhân sự, thời gian, địa điểm để triệu tập Đại hội Đại biểu họ Lê Việt Nam lần thứ V.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam
– Thay mặt Hội đồng họ Lê Việt Nam giải quyết các công việc thường xuyên và đột xuất giữa hai kỳ họp của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Xem xét và quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh của Ủy viên Hội đồng, Ủy viên Thường vụ Hội đồng trong nhiệm kỳ khi Thường trực Hội đồng HLVN đề xuất.
– Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công việc và ban hành các quyết định của Hội đồng giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể của Hội đồng.
– Quán triệt, cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chỉ thị của Hội đồng.
– Quyết định những chủ trương, giải pháp và những vấn đề quan trọng nảy sinh giữa hai kỳ hội nghị Hội đồng và báo cáo lại Hội đồng trong hội nghị gần nhất.
– Quyết định phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Hội đồng, các chức danh trong Thường trực Hội đồng.
– Triển khai tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh đối với nhân sự các Ban chức năng, Văn phòng của Hội đồng, khi Thường trực Hội đồng đề xuất.
– Quyết định thành lập, giải thể, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với các tổ chức và nhân sự trong các tổ chức trực thuộc khác của Hội đồng.
– Trực tiếp quyết định và điều hành công tác tài chính dòng họ, các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, đối nội, đối ngoại và khuyến học.
– Quyết định nội dung và thời gian triệu tập hội nghị toàn thể Hội đồng HLVN định kỳ hoặc bất thường.
– Xây dựng và ban hành chương trình hành động, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định và các văn bản quan trọng của Hội đồng giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể.
– Thực hiện việc khen thưởng và xử lý vi phạm; hoạt động hòa giải dòng họ và xây dựng tổ chức cơ sở.
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam
– Xem xét, đề nghị Ban Thường vụ quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh của Ủy viên Hội đồng, Ủy viên Thường vụ Hội đồng trong nhiệm kỳ.
– Chuẩn bị các nội dung và giải pháp trình Ban thường vụ nhằm cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chỉ thị của Hội đồng.
– Đề nghị Ban Thường vụ xem xét quyết định những chủ trương, giải pháp và những vấn đề quan trọng nảy sinh giữa hai kỳ hội nghị Hội đồng và báo cáo lại Hội đồng trong hội nghị gần nhất.
– Đề nghị Ban Thường vụ quyết định phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Hội đồng, các chức danh trong Thường trực Hội đồng.
– Đề nghị Ban thường vụ xem xét, quyết định việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy ước, Quy chế hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Đề nghị Ban Thường vụ xem xét quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh đối với nhân sự các Ban chức năng, Văn phòng của Hội đồng.
– Đề nghị Ban Thường vụ xem xét quyết định việc thành lập, giải thể, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với các tổ chức và nhân sự trong các tổ chức trực thuộc khác của Hội đồng.
– Trực tiếp điều hành Văn phòng và các ban chức năng của Hội đồng họ Lê Việt Nam; Chỉ đạo hoạt động của Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam và các CLB khác.
– Chuẩn bị nội dung, triệu tập các hội nghị định kỳ và đột xuất của Ban Thường vụ và Hội đồng họ Lê Việt Nam.
Điều 10. Chủ tịch danh dự Hội đồng Họ Lê Việt Nam
Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Nguyên chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam khóa II và khóa III, là người có uy tín, cống hiến nhiều cho hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam, được Đại hội Đại biểu họ Lê Việt Nam tôn vinh là Chủ tịch Danh dự Hội đồng họ Lê Việt Nam.
Chủ tịch danh dự HĐHL Việt Nam được mời tham dự các cuộc họp của Ban Thường trực, Ban Thường vụ và Hội đồng họ Lê Việt Nam, được tham gia đóng góp ý kiến chỉ đạo các hoạt động của HĐHL Việt Nam, được tham dự các sự kiện quan trọng do Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức, không tham gia biểu quyết.
Điều 11. Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam
– Là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong Hội đồng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu họ Lê Việt Nam lần thứ IV và Quy chế làm việc của Hội đồng.
– Thực hiện vai trò nòng cốt lãnh đạo, trung tâm đoàn kết của tập thể Hội đồng họ Lê Việt Nam, Ban thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng.
– Thay mặt Hội đồng họ Lê Việt Nam làm việc với các cơ quan trung ương và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở địa phương.
– Chủ trì các Hội nghị toàn thể Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng.
– Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng.
– Chỉ đạo chuẩn bị nội dung, chương trình, chủ trì và kết luận các hội nghị định kỳ cũng như các cuộc họp bất thường khác của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng.
– Xây dựng các mối quan hệ đối với các tổ chức xã hội, văn hóa và dòng họ khác.
– Ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng; Ký ban hành Quy ước, Nghị quyết và các quyết định thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất và quan trọng; Ký các quyết định khen thưởng, tặng bằng vinh danh. Ký quyết định phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí vụ việc và hàng năm.
– Ký các văn bản giao dịch hành chính với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ…
Điều 12. Phó Chủ tịch thường trực
– Cùng Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo toàn diện công việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng.
– Thay mặt Chủ tịch điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng khi được ủy quyền.
– Ký các văn bản quan trọng của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng khi có sự thống nhất của Chủ tịch Hội đồng.
– Chỉ đạo công tác tổ chức, nhân sự, khen thưởng, kỷ luật của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
Điều 13. Các Phó Chủ tịch
– Tham gia chỉ đạo, điều hành các công việc chung của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Chịu trách nhiệm các phần việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Được ký thay một số văn bản theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.
– Các Phó Chủ tịch được phân công phụ trách một lĩnh vực hoạt động, một khu vực, chịu trách nhiệm trước tập thể Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng về các nhiệm vụ được giao. Trực tiếp giải quyết các công việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm.
Điều 14. Các Ủy viên Hội đồng họ Lê Việt Nam
– Tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực HĐHLVN.
– Trực tiếp phụ trách một tổ chức trực thuộc Hội đồng hoặc một lĩnh vực công việc theo phân công của Thường trực.
– Được Thường trực HĐHLVN ủy nhiệm giải quyết một số công việc cụ thể khi cần thiết.
– Không được tự ý thay mặt Hội đồng, Ban thường vụ, Thường trực Hội đồng ký các văn bản, phát ngôn hoặc giải quyết các công việc ngoài phạm vi chức trách đã quy định.
– Đề xuất với Hội đồng, Thường vụ, Thường trực Hội đồng những nội dung liên quan đến chủ trương, giải pháp trong công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, đoàn kết, phát triển và kết nối họ tộc.
– Thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả công việc trên những lĩnh vực được phân công phụ trách với Thường trực và Chủ tịch HĐHLVN.
Điều 15. Nhiệm vụ của các ban chức năng Hội đồng họ Lê Việt Nam.
- Văn phòng
Văn phòng là bộ phận giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng, Ban Thường trực, Ban Thường vụ HĐHL Việt Nam toàn khóa và hàng năm. Chuẩn bị báo cáo định kỳ theo quy định, dự thảo các văn bản hướng dẫn, thông báo, quyết định của Thường trực, Ban thường vụ và Hội đồng họ Lê Việt Nam.
– Làm biên bản các cuộc họp của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng.
– Quản lý, bảo quản hồ sơ, tài liệu, con dấu của Hội đồng, Quản lý phương tiện, trang thiết bị làm việc, thống kê báo cáo hàng năm theo quy định.
– Thực hiện một số công việc do Thường trực Hội đồng giao.
– Chánh văn phòng, Phó văn phòng được tham dự các cuộc họp của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, nắm vững chủ trương, nhiệm vụ để triển khai, ra thông báo và hướng dẫn triển khai. Được ký một số văn bản thừa lệnh, thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng như: Thông báo, giấy mời họp, giấy triệu tập họp và văn bản của Văn phòng HLVN.
- Ban Phát triển tổ chức dòng Họ
Là cơ quan giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Kết nối xây dựng dòng tộc thông qua Hội đồng họ Lê các cấp.
– Tham mưu và chủ trì soạn thảo văn bản quy định của Thường trực, Ban thường vụ và Hội đồng họ Lê Việt Nam về công tác phát triển dòng họ để hướng dẫn Hội đồng họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thống nhất thực hiện.
– Tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm, hội nghị rút kinh nghiệm về công tác phát triển tổ chức dòng họ các cấp.
- Ban Tổ chức, Kiểm tra, Khen thưởng
Là cơ quan giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có một số quyền hạn và nhiệm vụ cơ bản sau:
– Theo dõi, tham mưu đề xuất việc bổ sung, miễn nhiệm nhân sự HĐHL Việt Nam. Đề nghị chuẩn y nhân sự HĐHL các tỉnh, thành phố.
– Tham mưu, đề xuất việc xét khen thưởng, tặng bằng vinh danh đối với tập thể và cá nhân thuộc HĐHL các cấp.
– Theo dõi, tham mưu, đề xuất tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp tập thể và cá nhân vi phạm Quy ước tổ chức và hoạt động của HĐHL Việt Nam và Quy chế hoạt động của Hội đồng Họ Lê Việt Nam.
- Ban Phả tộc và Lịch sử dòng Họ.
Là bộ phận giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Tiếp nhận, lưu giữ, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài liệu về lịch sử dòng họ, phả tộc.
– Tham mưu, đề xuất và xây dựng kế hoạch tổ chức sưu tầm, biên soạn gia phả, tộc phả.
– Tổ chức triển khai việc xây dựng lịch sử họ Lê Việt Nam, nghiên cứu, tổng kết các giá trị văn hóa- lịch sử của dòng Họ.
– Theo dõi việc tu bổ, xây dựng hệ thống di tích lịch sử, nhà thờ, lăng mộ, các công trình kỷ niệm.
- Ban Truyền thông Sự kiện Đối ngoại
Là cơ quan giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Tổ chức việc thông tin, tuyên truyền hoạt động dòng họ trên bản tin in và hộp thư điện tử: holevietnam.vn.
– Tổ chức hệ thống thông tin, tuyên truyền về dòng họ trên mạng xã hội. Chấn chỉnh, loại bỏ những trang mạng xã hội có tác dụng xấu.
– Tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp và phổ biến các giá trị tốt đẹp của họ Lê Việt Nam; các tấm gương sáng họ Lê trên các lĩnh vực đang sinh sống làm việc trong nước và nước ngoài.
– Đổi mới nội dung và hình thức thể hiện các bản tin, các ấn phẩm điện tử và in. Tổ chức xuất bản bản tin và Lịch Họ Lê hàng năm.
– Tham mưu, đề xuất tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo về các nội dung xây dựng dòng Họ.
– Phối hợp tuyên truyền về dòng họ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tham mưu, đề xuất các hoạt động đối ngoại như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hoạt động phối hợp …nhằm tăng cường và thắt chặt quan hệ với các dòng họ bạn.
- Ban Văn hóa Nghệ thuật.
Là cơ quan thuộc Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Đề xuất tổ chức các hoạt động sáng tác tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật về họ Lê Việt Nam: âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh, văn học…
– Tham mưu, tổ chức nghiên cứu, biên soạn các công trình về văn hóa dòng họ.
– Mời các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà hoạt động nghệ thuật, nhà văn, nhà thơ họ Lê và các họ khác quan tâm đến các đề tài sáng tác văn học nghệ thuật về lịch sử, văn hóa họ Lê Việt Nam.
- Hội đồng khuyến học, khuyến tài
Là cơ quan của Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, vật chất xây dựng Quỹ Khuyến học-Khuyến tài của họ Lê Việt Nam.
– Tham mưu, đề xuất soạn thảo hệ thống văn bản hướng dẫn phong trào khuyến học trong tổ chức HĐHL các cấp.
– Tổ chức việc phát hiện, xét và đề nghị trao giải thưởng Lê Quý Đôn cho các học sinh họ Lê đạt giải trong nước và quốc tế, hỗ trợ học bổng những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, hiếu học.
– Tham mưu, đề xuất tổ chức các sự kiện nhằm biểu dương, khuyến khích tài năng học tập, sáng tao của thế hệ trẻ họ Lê.
– Phối hợp với Ban Truyền thông tuyên truyền gương sáng họ Lê trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khởi nghiệp…
8- Ban Tài chính
Là bộ phận giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Xây dựng đề án phát triển các quỹ hoạt động dòng Họ.
– Quản lý, theo dõi các nguồn thu, chi quỹ hoạt động dòng họ và các quỹ khác theo quyết định của Thường vụ HĐHL Việt Nam.
– Tạo nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí tổ chức các sự kiện.
- Câu lạc bộ Doanh nhân.
Là một tổ chức thuộc Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:
– Kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân họ Lê trong cả nước, mời tham gia CLB Doanh nhân Hội đồng họ Lê Việt Nam, động viên các doanh nhân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tham gia hoạt động dòng họ, đóng góp xây dựng Quỹ hoạt động dòng họ, Quỹ khuyến học, khuyến tài và tham gia các hoạt động xã hội.
– Tham mưu, đề xuất tổ chức các cuộc giao lưu, gặp mặt doanh nhân họ Lê nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh…
Điều 16. Chế độ hội họp
– Hội đồng họ Lê Việt Nam họp định kỳ 1 năm/1 lần, không kể hội nghị bất thường. Việc triệu tập và chuẩn bị nội dung Hội nghị định kỳ hay bất thường của Hội đồng do Ban Thường vụ Hội đồng quyết định.
– Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam họp 6 tháng/1 lần, Thường trực HĐHLVN 3 tháng họp 1 lần, không kể hội nghị bất thường. Việc triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị định kỳ hay bất thường của Ban Thường vụ do Ban Thường trực quyết định.
– Các Ủy viên Hội đồng, Ủy viên Ban thường vụ hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng không tham dự hội nghị định kỳ quá 3 lần liên tiếp mà không có lý do chính đáng thì được xem xét cho thôi giữ chức danh Ủy viên Hội đồng, Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Thường trực Hội đồng.
– Trong những trường hợp đặc biệt, có tính quan trọng khẩn cấp, Chủ tịch và Phó Chủ tịch thường trực hội ý để quyết định chủ trương, giải pháp thực hiện; sau đó báo cáo lại Ban Thường trực và Ban Thường vụ Hội đồng trong phiên họp gần nhất.
– Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Thường trực Hội đồng thường xuyên gặp gỡ trao đổi công việc hoặc xử lý công việc hằng ngày bằng điện thoại, email hoặc các phương tiện thông tin khác.
– Các Hội nghị của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng phải đảm bảo tính dân chủ, thiết thực và hiệu quả; các ý kiến thảo luận được thư ký ghi đầy đủ vào biên bản.
– Trong cùng một vấn đề, nếu có nhiều ý kiến khác nhau, chủ tọa Hội nghị có thể lấy biểu quyết (bằng cách bỏ phiếu kín hoặc giơ tay) và quyết định theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
– Thư ký Hội nghị ghi chép biên bản và dự thảo nghị quyết trình Thường trực Hội đồng thông qua trước khi ký ban hành. Tùy theo tính chất của từng Hội nghị, Chủ tịch (hoặc người được ủy quyền chủ trì) sẽ kết luận và quyết định thông báo nội dung đến các thành phần có liên quan.
– Văn phòng Hội đồng chịu trách nhiệm tham mưu việc chuẩn bị nội dung, tài liệu, các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, hậu cần, thông tin liên lạc v.v… phục vụ các kỳ họp.
– Phó Chủ tịch thường trực có trách nhiệm phối hợp các Phó Chủ tịch, chỉ đạo Văn phòng và các Ban chức năng trong việc chuẩn bị nội dung cũng như các điều kiện để tiến hành các Hội nghị của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng.
Điều 17. Chế độ ban hành văn bản
– Hội đồng, Ban Thường vụ và BanThường trực Hội đồng ban hành các văn bản để chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của dòng Họ, gồm: Nghị quyết, quy định, quyết định, kế hoạch, đề án, công văn, thông báo, biên bản, kết luận v.v…
– Các văn bản quan trọng của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng do Phó Chủ tịch Thường trực chủ trì phối hợp soạn thảo. Những văn bản chuyên môn khác do các Ban và Văn phòng Hội đồng tham mưu soạn thảo theo chức năng, nhiệm vụ quy định.
– Văn phòng Hội đồng chịu trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý, nội dung, thể thức của tất cả các văn bản để hoàn thiện trước khi trình ký ban hành; đồng thời có nhiệm vụ tổ chức quản lý và xử lý văn bản đi và đến.
– Các Ban chức năng và các tổ chức trực thuộc Hội đồng được phát hành các văn bản có tính chất chuyên môn, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được quy định hoặc văn bản giao dịch nội bộ. Nếu sử dụng con dấu của Hội đồng phải được sự đồng ý của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
– Con dấu của Hội đồng Họ Lê Việt Nam là cơ sở pháp lý của Họ Lê Việt Nam được đăng ký và thừa nhận của pháp luật. Chánh văn phòng Hội đồng chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng con dấu đúng quy định.
– Hội đồng họ Lê các cấp từ tỉnh, thành phố đến cơ sở sử dụng con dấu theo mẫu hướng dẫn của Hội đồng họ Lê Việt Nam để ban hành các văn bản trong phạm vi thẩm quyền.
– Các tổ chức khác trực thuộc Hội đồng được quyền đăng ký và sử dụng con dấu riêng, mẫu dấu do Thường trực Hội đồng quyết định và phê duyệt.
Điều 18. Chế độ thông tin, tuyên truyền
– Hội đồng họ Lê Việt Nam lập trang website chính thức để đăng tải thông tin hoạt động của Hội đồng. Ban Truyền thông Sự kiện Đối ngoại chịu trách nhiệm quản trị trang website của Hội đồng.
– Ủy viên Hội đồng, Ban thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam được cung cấp thông tin và có quyền bảo lưu ý kiến cá nhân khác với quyết nghị của tập thể Hội đồng và Thường trực Hội đồng, nhưng phải nói và làm theo đúng nội dung quyết nghị đó.
– Ủy viên Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng chấp hành đầy đủ quy định về sử dụng tài liệu của Hội đồng và Thường trực Hội đồng, không được tự ý phát tán tài liệu cá nhân, phát ngôn hoặc viết trên các trang mạng xã hội những nội dung có ảnh hưởng đến dòng họ hoặc uy tín cá nhân của người khác.
– Những vấn đề được tập thể Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng bàn và quyết định nhưng chưa thể hiện bằng văn bản chính thức thì các ủy viên chưa được truyền đạt, phổ biến trên mạng xã hội hoặc những nơi khác.
– Chủ tịch Hội đồng ủy quyền cho Phó Chủ tịch thường trực là người phát ngôn của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
Điều 19. Chế độ thu, chi tài chính
– Chế độ thu, chi tài chính của Hội đồng thực hiện theo các quy định hiện hành về quỹ và lập quỹ của các hội và tổ chức đoàn thể, thông qua hệ thống sổ sách, chứng từ hợp pháp.
– Quy chế tài chính của Hội đồng do Thường trực Hội đồng quyết định nội dung và ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước.
– Quỹ hoạt động của Hội đồng được hình thành từ các khoản thu Quỹ họ hàng năm của các Ủy viên Hội đồng, tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài dòng họ; tiền thu từ các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh của các cơ sở thuộc Hội đồng (nếu có). Mức đóng quỹ Họ do Thường vụ HĐHLVN quy định.
– Hội đồng khuyến khích các Ủy viên Hội đồng, các doanh nhân, các nhà hảo tâm có điều kiện ủng hộ, phát triển Quỹ Họ.
– Tài khoản của Hội đồng họ Lê Việt Nam được mở tại ngân hàng trong nước. Thường trực Hội đồng quyết định toàn bộ việc thu, chi tài chính của Hội đồng theo Quy chế. Chủ tịch Hội đồng là chủ tài khoản hoặc ủy quyền một Phó Chủ tịch làm chủ tài khoản của Hội đồng.
– Trưởng Ban Tài chính có nhiệm vụ tham mưu và quản lý toàn bộ về tài chính của Hội đồng. Việc thu chi, thanh quyết toán các hoạt động và các hạng mục mua sắm, đầu tư; báo cáo tài chính định kỳ hằng năm và bất thường theo đúng Quy chế tài chính của Hội đồng và tuân thủ quy định của pháp luật.
– Quỹ của Hội đồng được chi cho các hoạt động thường xuyên của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; chi đối nội, đối ngoại, hành chính- văn phòng, thi đua khen thưởng; chi hội nghị, hội họp; cứu trợ thiên tai, an sinh xã hội, mừng thọ, lễ nghi, tâm linh; hỗ trợ, đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhà thờ, từ đường và các khoản chi liên quan khác.
– Quỹ Khuyến học của Hội đồng họ Lê Việt Nam do Thường trực quyết định thành lập và có quy chế riêng.
Điều 20. Mối quan hệ trong và ngoài Hội đồng
– Hội đồng họ Lê Việt Nam thực hiện nguyên tắc bình đẳng và đồng thuận trong quan hệ nội bộ dòng họ; hợp tác để cùng phát triển trong các mối quan hệ đối ngoại.
– Hội đồng họ Lê Việt Nam hoạt động tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam; có lộ trình phấn đấu và mong muốn trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Hội đồng họ Lê Việt Nam có mối quan hệ hợp tác đối với các hội, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị Việt Nam; phối hợp đối với các tổ chức họ tộc khác cũng như các tổ chức văn hóa xã hội trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực hoạt động có liên quan.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Trách nhiệm thực hiện Quy chế
– Các Ủy viên Hội đồng họ Lê Việt Nam, Ủy viên Thường vụ và Ủy viên Thường trực Hội đồng, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.
– Văn phòng Hội đồng có nhiệm vụ phối hợp tham mưu việc triển khai thực hiện Quy chế, giám sát thường xuyên và đánh giá việc thực hiện Quy chế này vào các kỳ họp của Hội đồng, Ban thường vụ và Thường trực Hội đồng.
– Tập thể hoặc cá nhân Ủy viên Hội đồng, Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hội đồng nếu làm trái với các quy định của Quy chế này sẽ phải kiểm điểm, xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
– Việc kiểm điểm, xử lý vi phạm quy chế do Chủ tịch thảo luận với các Phó Chủ tịch để báo cáo Thường trực Hội đồng quyết định hình thức, mức độ xử lý và phạm vi công bố.
Điều 22. Quyền hạn sửa đổi, bổ sung Quy chế
– Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có những vấn đề bất cập hoặc phát sinh, các ủy viên Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng phải kịp thời báo cáo cho Chủ tịch và các Phó chủ tịch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
– Việc bổ sung, sửa đổi các điều khoản trong Quy chế này do Thường trực hội đồng đề xuất để hội nghị Hội đồng họ Lê Việt Nam khóa IV quyết định.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành./.
HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
|
HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
Số: 18/ QĐ- HLVN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy chế hoạt động Hội đồng họ Lê Việt Nam
——————–
HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
– Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;
– Căn cứ Quyết định của Đại hội đại biểu Họ Lê Việt Nam lần thứ IV, ngày 17/9/2023;
– Căn cứ Quy ước hoạt động của Họ Lê Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-HLVN ngày 11/01/2024;
– Theo đề nghị của Chánh văn phòng Họ Lê Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Quyết định ban hành kèm theo Quy chế hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2023- 2028.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Ban Thường vụ, các Ban chức năng có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn Hội đồng Họ Lê các cấp tiếp nhận và thi hành Quyết định này./.
Nơi gửi: – UVHĐHLVN; – Hội đồng Họ Lê các địa phương; – Lưu VP
|
TM. HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Trung tướng Lê Phúc Nguyên |