Tin tức – sự kiện

Sơ kết phong trào khuyến học khuyến tài và trao giải thưởng Lê Đình Lục của họ Lê Quốc Oai năm 2012

Ngày 30 tháng 12 năm 2012, Hội đồng họ Lê huyện Quốc Oai, Hội Khuyến học khuyến tài Lê Đình Lục, đã tổ chức sơ kết việc khuyến học khuyến tài và trao tặng giải thưởng Lê Đình Lục tại nhà thờ cụ, thôn Việt Yên, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Buổi lễ đã được tổ chức trang trọng, chu đáo.

Mở đầu là lễ tri ân tổ tiên trong không khí linh thiêng xúc động. Sau đó ông Lê Đình Ất, trưởng họ Lê thôn Việt Yên giới thiệu vắn tắt thân thế, sự nghiệp và nhân cách của cụ Lê Đình Lục. Cụ Lê Đình Lục, nguyên hội trưởng Bắc kỳ Lê tộc hội – tổ chức hội họ Lê đầu tiên của nước ta – từ 1930 đến 1946. Cụ sinh năm 1871. Năm 20 tuổi đỗ cử nhân nho học rồi ra làm quan, từ huấn đạo đến tri huyện, tri phủ. Do có tinh thần yêu nước, ủng hộ phong trào Đông kinh nghĩa thục, chính quyền thực dân đã để cụ làm tri huyện đến 20 năm. Năm 1929 cụ về hưu với hàm Án sát. Nhân dân quê hương quen gọi tên cụ Án Đồi. Cụ quan tâm đến việc học, mở mang dân trí, cả khi đương chức và khi đã về hưu, mở trường lớp ngay trong nhà mình và vận động để xây được một trường tiểu học khang trang cho quê hương. Sau Cách mạng tháng 8/1945, cụ Lê Đình Lục là nhân sĩ yêu nước, được bầu làm ủy viên hội đồng nhân dân khóa thứ nhất của tỉnh, bầu cử đầu năm 1946, và là ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Sơn Tây. Cụ sống giản dị, thanh bạch, quan tâm và gần gũi nhân dân, được nhân dân yêu quý. Cụ qua đời năm 1949, khi giặc Pháp đang đánh chiếm ác liệt quê hương, thọ 78 tuổi. (Có thể xem thêm tiểu sử cụ Lê Đình Lục tại trang Web họ Lê – mục lịch sử – hay trong THÔNG TIN VIỆC HỌ số 6 tháng 1/2009).

2) Ông Lê Tiến Mậu, chủ tịch hội đồng họ Lê huyện Quốc Oai báo cáo sơ kết:

a) Cuối năm 2011 hội khuyến học khuyến tài họ Lê Quốc Oai ra đời với tên gọi “Hội khuyến học khuyến tài Lê Đình Lục”. Hội có quy chế 6 chương, 19 điều, ban hành ngày 20/11/2011.

Qua một năm thực hiện quy chế đã có 10/15 chi tộc tổ chức được chi hội khuyến học khuyến tài, phát thưởng cho 212 em học sinh giỏi bậc tiểu học, trung học, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng và đại học. Ngoài thưởng bằng sách vở, bằng tiền, nơi nào cũng có giấy khen trình bày đẹp, ép plastic hoặc khung kính trang trọng. Với các em đỗ vào đại học, mức tiền thưởng khoảng 100 nghìn, 200 nghìn, 300 nghìn đồng, tùy địa phương (họ Lê thôn Phú Hạng, xã Tân Phú thưởng 300 nghìn đồng).

b) Năm 2012, huyện Quốc Oai có 21 em học sinh họ Lê thi đỗ vào các trường đại học chính quy, nguyện vọng 1; có 4 em tốt nghiệp cao học. Đặc biệt hoan nghênh và biểu dương sự cố gắng của học sinh và phụ huynh thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, số em thi đỗ vào đại học chiếm gần một nửa (10/21) của toàn huyện.

21 em thi đỗ vào đại học và 4 em tốt nghiệp cao học được trao tặng “Giải thưởng Lê Đình Lục” của huyện gồm 1 bằng vinh danh và 100 nghìn đồng.

Hội khuyến học khuyến tài của huyện cũng vinh danh “CHĂM NGOAN, HỌC GIỎI” và tặng thưởng cho 4 em học sinh họ Lê cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, được giải các cuộc thi do huyện và thành phố tổ chức trong năm học 2011-2012; mỗi em được thưởng 100 nghìn đồng.

c) Nhân dịp này hội đồng họ Lê và hội khuyến học khuyến tài huyện Quốc Oai biểu dương và hoan nghênh những gia đình có nhiều con có trình độ đại học, cao học và cũng là những gia đình luôn hưởng ứng mọi phong trào do Họ đề ra. Đó là những dâu hiền, gái đảm, trai tài của họ Lê Quốc Oai.

Ví dụ tiêu biểu như gia đình cụ Nguyến thị Rượu, tuổi ngoài 80, dâu dòng họ Lê Thạch Thán, người mẹ liệt sĩ, người mẹ, người bà của 22 cử nhân, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Các gia đình tiêu biểu khác: Bà Nguyễn Thị Hương ở Phúc Đức, Quốc Oai; cụ Nguyễn Thị Nhuần ở Thạch Thán; cụ Phùng Thị Thỉnh. Gương hiếu học, thành danh còn nhiều như các gia đình và các cá nhân ở Thạch Thán, Văn Quang, Phú Hạng, Khánh Tân, Phúc Đức, Việt Yên …

Các con, cháu, chắt… của cụ Lê Đình Lục vẫn giữ được truyền thống hiếu học của cha ông, hầu hết đều tốt nghiệp đại học, cao học, có 6 tiến sĩ. Bà Lê Hồng Sâm con gái út của cụ, 83 tuổi vẫn miệt mài trên máy tính, dịch những tác phẩm kinh điển đồ sộ của văn học Pháp. Bà được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn Lâm.

Huyện Quốc Oai còn có Nhà giáo Ưu tú Lê Minh Chân, đức độ, thủy chung, chịu khó học tập và nghiên cứu, là giảng viên lý luận Mác-Lênin của Học viện Báo chí.

d) Ông Lê Tiến Mậu báo cáo tài chính công khai của Quỹ giải thưởng Lê Đình Lục năm 2012, những điều chưa làm được và công việc sắp tới của Hội.

3) Tiếp theo chương trình là lễ trao thưởng trọng thể và vui mừng. Các em được tặng thưởng, phụ huynh và các đại biểu đều phấn khởi, xúc động. Phần thưởng vật chất tuy nhỏ nhưng phần thưởng tinh thần lại nhiều ý nghĩa.

4) Đại biểu cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phát biểu lời chúc mừng, hoan nghênh và ủng hộ công việc khuyến học khuyến tài của dòng họ.

5) Ông Lê Đình Bình thay mặt hội đồng họ Lê thành phố Hà Nội nhắc về truyền thống của tổ tiên coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, động viên con em họ Lê ngày nay hãy phấn đấu cao trong học tập, nghiên cứu để trở thành người có tài, có đức, làm rạng danh dòng họ, tích cực bảo vệ và xây dựng đất nước.

6) Nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm tâm sự với các em về những điều cần quan tâm trong rèn luyện nhân cách và năng lực, nhấn mạnh lòng tự trọng và thói quen tự vấn, tinh thần tự chủ và ý thức tự đào tạo.

 Nhà giáo ưu tú Lê Minh Chân nói lên sự phấn đấu trong học tập và công tác của mình và trao đổi với hội nghị về việc khuyến học khuyến tài của dòng họ.

Em Lê Thị Phượng thay mặt các em được trao thưởng nói lên lòng biết ơn sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường, dòng họ và xin hứa sẽ tiếp tục học giỏi, chăm ngoan xứng đáng với sự động viên của dòng họ.

Buổi lễ sơ kết phong trào khuyến học khuyến tài và trao giải thưởng Lê Đình Lục của họ Lê Quốc Oai năm 2012 đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và đã thành công tốt đẹp.

LÊ TIẾN MẬU

Chủ tịch hội đồng họ Lê huyện Quốc Oai

LÊ THÚC KHIÊM

Các tin liên quan