Hội đồng họ Lê Việt Nam

Dòng họ và hoạt động dòng họ

– Thời gian qua, Hội đồng họ Lê Việt Nam có đề nghị xin đóng góp ý kiến bổ sung sửa đổi Quy ước và Quy định của Hội đồng họ Lê Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2018. Hoạt động này đã được sự ủng hộ và góp ý của Hội đồng họ Lê các tỉnh. Đa số ý kiến đều thống nhất theo dự thảo, một vài ý kiến đề nghị cần chỉnh sửa, bổ sung. Nhân việc này chúng tôi bàn thêm về dòng họ và hoạt động dòng họ.

– Dòng họ là một hiện tượng lịch sử, văn hóa mang tính phổ quát, xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người và tồn tại ở mọi nước, mọi dân tộc, mọi nền văn hóa. Cho đến nay, đã có rất nhiều cách lý giải về “họ”, “dòng họ”.

– Trong tiếng Hán, họ được ghi bằng chữ “tộc”. Sách Từ Nguyên do Thương vụ ấn thư quán Hồng Kông xuất bản năm 1972, tr.314 giải thích chữ “tộc” là chỉ quan hệ thân thuộc trong huyết thống, dòng giống. Sách Từ Hải do Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1981, tr. 1351 ghi: “Tộc, thuộc dã, vị liên hệ chi thân thuộc dã”. Nghĩa là: Họ tộc là chỉ quan hệ thân thuộc dòng giống với nhau. Sách Từ Lâm Hán Việt từ điển do Vĩnh Cao, Nguyễn Phố biên soạn, Nxb. Thuận Hóa, 2001, tr. 555, giải thích: tộc, họ tộc là dòng, giống, loài; là quan hệ thân thuộc. Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Nhạc Nghị: Nxb Thế giới, H., 1997, tr. 763 ghi rằng: chữ “tộc”, cổ văn là dưới lá cờ có mũi tên, mũi tên biểu thị vũ trang. Thời xưa, những người cùng một thị tộc, chẳng những có quan hệ huyết thống mà còn thường xuyên phải hiệp lực chiến đấu dưới cờ. Chế độ nhà Chu còn coi “100 nhà là một tộc”. Nguyễn Từ Chi trong sách Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, H.2003, tr. 253 ghi: “Họ, quá lắm cũng chỉ có thể xem là một dạng đặc biệt của gia đình mở rộng, mà tác dụng chính đối với các thành viên của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành nó) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống”. GS. Nguyễn Lân trong cuốn sách Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000, tr. 1851 ghi: “Tộc, họ, cộng đồng người có những điểm giống nhau về ngôn ngữ, văn hóa. Dân tộc ta có hơn năm chục tộc khác nhau đều đoàn kết lại”.

– Khái quát một số cách giải thích, một số định nghĩa về họ, dòng họ như trên, ta thấy rằng, phần lớn các học giả đều thống nhất cho rằng, dòng họ là một thiết chế xã hội đặc biệt gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống khởi sinh từ một thủy tổ. Trong mối quan hệ cùng huyết thống này, các cá nhân, cả người đang sống lẫn người đã chết, đều mang tộc danh về phía bố, từ đó mà coi trọng họ nội. Từ mối quan hệ này đã khiến cho dòng họ người Việt hình thành hàng loạt mối quan hệ khác: quan hệ cha truyền con nối, quan hệ kinh tế với chế độ lưu giữ và trao quyền gia sản, quan hệ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà trước hết là thờ thủy tổ, quan hệ cộng đồng của các thành viên cùng sống trong một thiết chế xã hội được tổ chức theo nguyên tắc luân lý,… Như vậy, trong môi trường của những mối quan hệ đặc thù này, dòng họ người Việt đã dần dần hình thành và xác định bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc, được thể hiện trên các bình diện: Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội hay còn gọi là văn hóa tổ chức cộng đồng.

* Về văn hóa vật chất
Dòng họ Việt cho đến nay vẫn còn lưu giữ văn hóa vật chất dòng họ trên nhiều bình diện như: từ đường, gia tộc, dòng tộc, bia đá, gia phả, mộ tổ, nghĩa trang chung của dòng họ. Đối với mỗi người dân Việt Nam, mộ tổ là một trong những bảo vật rất có giá trị nên luôn được chăm sóc chu đáo. Việc xây dựng lăng mộ, nhất là mộ tổ quan trọng đến mức các triều đại Trần, Lê, Nguyễn,… đều ban hành những quy định xây dựng theo khuôn khổ nhất định. Dân tộc Việt Nam, từ người Việt cổ cho đến người Việt hiện nay đều nhận thức rằng, chết không phải là sự kết thúc mà chỉ là quá trình chuyển di từ thế giới này sang thế giới bên kia – thế giới vĩnh hằng. Vì nhận thức về sự sống đang tiếp diễn ở thế giới vĩnh hằng và niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên của những người đã chết có thể tác động vào những người đang sống là nguyên nhân sâu xa thôi thúc người đang sống thực hiện những hành vi mang tính chất thiêng liêng đối với những người đã chết như: nghi lễ mai táng, xây dựng phần mộ, lăng tẩm, thờ cúng tổ tiên những người đã khuất. Ngày nay, vượt qua bao sóng gió của giao thoa văn hóa toàn cầu, người Việt vẫn giữ gìn nghi thức chăm chút đặc biệt phần mộ tổ của dòng tộc – một trong những nghi thức quan trọng thờ cúng tổ tiên.

* Về văn hóa tinh thần
– Suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển, trải qua bao nhiêu tác động ngoại lai, nhưng người Việt vẫn giữ gìn và phát huy văn hóa dòng họ. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “xẩy cha có chú, xẩy mẹ bú dì”, “người ta có tổ có tông, như cây cội, như sông có nguồn,…”. Sống trong xã hội, người Việt luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở nội tộc. Trong dòng họ, tinh thần này ngày càng được phát huy. Một trong những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu của dòng họ người Việt là ý thức tìm về cội nguồn tổ quán. Dù ở đâu và bất cứ khi nào thì ý thức về tổ tiên dòng tộc vẫn là một trong những ý thức sâu sắc nhất, thấm đẫm trong xương máu của người Việt. Ý thức này thể hiện rất rõ trong việc thờ cúng tổ tiên dòng tộc. Ngay cả những người Việt vì nhiều lý do phải xa quê hương, đất nước, sinh sống ở nước ngoài, nhưng ý thức về dòng tộc lúc nào cũng được khắc ghi trong tâm cốt. Tiêu biểu là dòng họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc. Con cháu dòng họ này không chỉ xây dựng một Trung hiếu đường ở Bong Hwa trên đất nước Hàn Quốc để sớm tối thờ cúng mà hàng chục năm qua, cứ đến ngày 15 tháng 3 hàng năm, con cháu dòng họ Lý ở Hàn Quốc vẫn trở lại cố hương, hội tụ về đền Đô (Bắc Ninh, Việt Nam) hương khói thờ cúng thủy tổ dòng họ. Ngày nay, nhiều dòng tộc ở Việt Nam đang ra sức hợp nhất chi phái, tìm nguồn, ghép nối phả hệ như họ Nguyễn có nguồn gốc phát tích ở Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa,… truy nguyên đến thủy tổ Nguyễn Bặc (924-979) là Công thần khai quốc nhà Đinh ở Ninh Bình. Họ Doãn phát tích ở Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa đã ghép nối các chi ở Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, phát hiện thủy tổ của mình là Doãn Anh Khái giữ chức Lệnh thư gia, Triều đại Lý Thần Tông. Họ Lê Việt Nam cũng đang trên đường nghiên cứu phả tộc dòng họ, đã và đang chắp nối các chi phái dòng họ trong toàn quốc, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, định hướng và giáo dục con cháu hướng tới các giá trị văn hóa chân, thiện, mỹ làm rạng danh dòng họ, cùng nhân dân cả nước bảo vệ, xây dựng đất nước phồn vinh.

* Về văn hóa, xã hội – văn hóa tổ chức cộng đồng
– Xét về quá trình lịch sử – văn hóa tổ chức cộng đồng của dòng họ có nhiều cách biểu hiện, song nét biểu hiện rõ nhất là dòng họ được tổ chức theo nguyên tắc phụ quyền và vận hành với phương thức tự trị. Tuy chịu ảnh hưởng của văn hóa dòng họ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên tắc phụ quyền trong dòng họ, nhưng người Việt thực thi nguyên tắc phụ quyền không triệt để.

– Về tính tự quản trong tổ chức dòng họ, mỗi dòng họ người Việt tự thiết lập một bộ máy tổ chức với cơ chế quản lý theo phương thức vận hành riêng phù hợp với điều kiện dòng họ, thích ứng với hoàn cảnh lịch sử. Hiện nay, ở Việt Nam, các dòng họ danh gia vọng tộc như họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần, họ Phạm,… đang tổ chức kết nối các chi nhánh trên toàn quốc để thành lập Hội đồng gia tộc (chữ “gia” ở hoàn cảnh này phải hiểu là nội hàm quốc gia – gia đình lớn trong toàn quốc, tức là gia đình dòng họ lớn trong nước). Nhiều họ còn thành lập Hội đồng dòng họ hay Hội đồng dòng tộc, hay Hội đồng họ Lê (Nguyễn, Trần,…). Để đảm bảo cho Hội đồng tổ chức hoạt động, Hội đồng của các dòng họ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình mà đặt ra các quy ước hoạt động cho phù hợp. Có dòng họ thành lập Hội đồng gia tộc, có dòng họ thành lập Ban Liên lạc dòng họ trong toàn quốc, dưới Ban Liên lạc có các Liên chi hội dòng họ ở các tỉnh, thành; các huyện, thị trở xuống có các chi hội dòng họ, đảm bảo thông tin liên lạc hoạt động dòng họ đến các hội viên,v.v…

– Trong thời gian qua, Hội đồng họ Lê Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động đạt kết quả tốt, không những được con cháu trong dòng họ ghi nhận mà còn được các cơ quan Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền ở các tỉnh, thành đánh giá, biểu dương, khen ngợi. Có được những thành quả này là do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Hội đồng họ Lê Việt Nam, trong nguyên lý hoạt động tự quản đã xây dựng được bản Quy ước và Quy định hoạt động phù hợp, rất khoa học, có tính tới tất cả các bình diện như: tính chất của tổ chức, thành phần Hội đồng, hệ thống tổ chức, nội dung hoạt động, phương thức hoạt động, và có những quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân tham gia Hội đồng. Bản Quy ước và Quy định của tổ chức dòng họ trong từng giai đoạn khác nhau có thể nên điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện. Tất nhiên, mọi góp ý, bổ sung phải đảm bảo tính khoa học, tính toàn cục, tránh chồng chéo. Những gì đã đúng, đang đúng và trong hoàn cảnh mới vẫn đúng và vẫn tốt thì không nên sửa. Như Điều 4 trong Quy ước hoạt động đã và đang đúng rồi thì không nên sửa theo kiểu bổ sung các tổ chức dưới cho phức tạp, mà chỉ cần điều chỉnh các ý tứ cho chặt chẽ hơn.

– Tin tưởng rằng, với những thành quả đạt được, với sự nhiệt tình, tận tâm, tận lực của Hội đồng, các Ban liên lạc, và các thành viên của dòng họ, với sự phù hộ độ trì của các liệt tổ, liệt tông, mọi hoạt động của dòng họ Lê Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi và luôn được vinh danh.

THÔNG BÁO
của Ban Biên tập Thông tin việc Họ

Từ khi Thông tin việc Họ ra đời đến nay, Ban Biên tập nhận được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Liên lạc họ Lê cấp xã, cấp huyện, dòng họ Lê ở các địa phương và bà con họ Lê trong cả nước qua các việc: Gửi tin, bài, ảnh; Mua và đọc; phổ biến các nội dung Thông tin việc Họ đăng tải tới bà con họ Lê; góp ý xây dựng cho tờ Thông tin việc Họ ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Sự ủng hộ đó là sự động viên tinh thần quý giá, cổ vũ Ban Biên tập làm tốt hơn nhiệm vụ của Hội đồng họ Lê Việt Nam giao phó, sự tin cậy của bà con họ Lê cả nước.

Hiện nay, cơ chế làm việc của Ban Biên tập dựa trên tinh thần tự nguyện, các thành viên của Ban Biên tập không nhận thù lao ở bất cứ khâu công việc nào nhằm bảo đảm giá thành của mỗi cuốn Thông tin việc Họ ở mức thấp nhất.

Trường hợp Thông tin việc Họ số 14 đến tay bà con chậm, giá thành cao, in lỗi chính tả nhiều, Ban Biên tập đã kiểm điểm, tìm ra các nguyên nhân: Thời gian giao nhiệm vụ gấp, công tác biên tập làm không chu đáo, việc chọn vật tư in chưa phù hợp, số lượng in không nhiều, in xong vào dịp Tết Qúy Tỵ được nghỉ tới 9 ngày, Bưu điện không nhận chuyển. Ban Biên tập đã nghiêm khắc nhận thiếu sót do mình gây ra trước Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam và đề ra biện pháp khắc phục ngay từ khi làm Thông tin việc họ số 15.

Mặc dù có nhiều thiếu sót, nhưng khi nhận được Thông tin việc Họ số 14, nhiều Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố, Ban Liên lạc họ Lê thị xã, huyện, thành phố trực thuộc cấp tỉnh, dòng họ Lê ở các địa phương đã chuyển tiền về cho Ban Biên tập đầy đủ. Còn một số nơi chưa gửi, đề nghị kịp thời gửi về để Ban Biên tập có kinh phí xuất bản số tiếp theo.

Xin kính báo và trân trọng cám ơn Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Liên lạc họ Lê cấp xã, cấp huyện, dòng họ Lê ở các địa phương và bà con họ Lê trong cả nước.

TM. BAN BIÊN TẬP
TRƯỞNG BAN
Lê Liên

Các tin liên quan