Quy ước, quy chế hoạt động

Qui ước hội đồng họ Lê Việt Nam năm 2015

HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM

––––––––––––––––

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

––––––––––––––––––––––––

QUI ƯỚC HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT MAM

Chương I: Tên gọi, tôn chỉ, mục đich, chức năng, nhiệm vụ.

Điều 1: Tên gọi của tổ chức là Hội đồng họ Lê Việt Nam. Biểu tượng là chữ Lê (Hán tự ) màu đỏ, nền vàng, khung đỏ.

Điều 2: Tôn chỉ, mục đích của  Hội đồng họ Lê Việt Nam là đoàn kết dòng họ, phát huy truyền thống tốt đẹp của họ Lê, cùng  với các họ khác và nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, vì mục  tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh “

Điều 3: Chức năng, nhiệm vụ:

  1. Hội đồng họ Lê Việt Nam là tổ chức đại diện cho cộng đồng người Việt  trong nước và ngoài nước mang họ Lê hoặc có  nguồn gốc họ Lê. Hội đồng có chức năng chỉ đạo các hoạt động dòng họ hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đoàn kết, góp phần tích cực xây dựng  và bảo vệ đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh.
  2. Hội đồng họ Lê Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố, huyện quận, thị xã, xã, phường… tổ chức hoạt động trên một số nội dung chính như sau:

– Tri ân tiên tổ, giáo dục các thế hệ gìn giữ, phát huy truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dòng họ Lê Việt Nam, làm rạng danh dòng họ.

– Xây dựng, củng cố tổ chức Hội đồng dòng họ ở các địa phương và cơ sở trong nước và nước ngoài, làm cho tổ chức dòng họ ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

– Khuyến đức, khuyến học, khuyến tài, góp phần  xây dựng xã hội học tập, động viên mọi thành viên đem hết tài năng, sức lực phục vụ đất nước, dòng họ, gia đình.

– Tham gia bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa, lịch sử vật thể và phi vật thể của đất nước nói chung và dòng họ Lê nói riêng.

–  Kết nối, giao lưu dòng họ, sưu tầm, bổ sung, hoàn thiện phả tộc dòng họ và từng chi họ.

Chương II: Tổ chức và phương thức hoạt động.

Điều 4:  Hệ thống tổ chức của Hội đồng họ Lê toàn quốc.

  1. Hệ thống tổ chức của Hội đồng họ Lê toàn quốc gồm: Hội đồng họ Lê Việt Nam; Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hội đồng họ Lê  các quận, huyện, thị xã; Hội đồng họ Lê xã, phường, thị trấn.
  2. Số lượng ủy viên Hội đồng họ Lê Việt Nam khoảng 80-120 người, bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên thường trực, trong đó có đại diện các Hội đồng họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  3. Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên do Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam giới thiệu và hiệp thương từ Hội đồng họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được thông qua tại hội nghị đại biểu Hội đồng họ Lê cả nước.
  4. Mọi quyết định của Hội đồng họ Lê Việt Nam được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận, thiểu số phục tùng đa số.
  5. Các địa phương tổ chức Hội đồng họ Lê ở địa phương. Số lượng ủy viên của Hội đồng dòng họ địa phương do cộng đồng họ Lê ở địa phương quyết định, bầu hoặc hiệp thương cử ra. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu một đại diện là Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê của địa phương, tham gia Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Điều 5: Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam.

– Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam khoảng 19-25 người, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động do Hội đồng dòng họ đề ra.

– Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (trong đó có: 1 Phó Chủ tịch thường trực, 1 Phó Chủ tịch phụ trách công tác tổ chức, kiểm tra, 1 Phó Chủ tịch phụ trách văn phòng, 1 Phó Chủ tịch phụ trách công tác tài chính và CLB doanh nhân Họ Lê, 1 Phó Chủ tịch phụ trách tuyên truyền và giáo dục truyền thống, 1 Phó Chủ tịch thường trực tại Thanh Hóa) và các Ủy viên thường trực là Trưởng và Phó Trưởng ban thường trực của các ban chuyên trách.

Điều 6: Các ban chuyên trách của Hội đồng họ Lê Việt Nam:

– Văn phòng.

– Ban tổ chức, thi đua, khen thưởng, kiểm tra.

– Ban Thông tin việc Họ.

– Ban nghiên cứu lịch sử và phả tộc.

– Hội đồng khuyến học.

– Ban tài chính.

– CLB doanh nhân họ Lê.

Tổ chức và hoạt động của các ban chuyên trách đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Điều 7: Chế độ hội họp:

– Hội đồng họ Lê Việt Nam họp một năm một lần.

– Thường trực Hội đồng họp 3 tháng một lần.

– Các ban chuyên trách tự quy định chế độ hội họp cho phù hợp.

Điều 8: Đại hội đại biểu Hội đồng họ Lê Việt Nam:

– Nhiệm kỳ đại hội 5 năm.

– Thành phần dự Đại hội: Toàn thể thành viên Hội đồng họ Lê Việt Nam, đại biểu Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khách mời.

– Nhiệm vụ của đại hội: Đánh giá tình hình hoạt động dòng họ 5 năm qua và phương hướng hoạt động 5 năm tới; Kiểm điểm hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam; Thông qua danh sách Hội đồng họ Lê Việt Nam nhiệm kỳ tới; Bổ sung, sửa đổi Qui ước Hội đồng họ Lê Việt Nam; Vinh danh tập thể và cá nhân tiêu biểu trong nhiệm kỳ.

Điều 9: Gặp mặt họ Lê cả nước:

– Tổ chức 3- 5 năm một lần, nhằm mục đích tăng cường giao lưu, gắn kết dòng họ; Trao đổi kinh nghiệm hoạt động, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, tích cực trong hoạt động dòng họ của các địa phương và cơ sở.

– Địa điểm gặp mặt: tại Hà Nội, Thanh Hóa, hoặc một địa phương khác do Hội đồng họ Lê tỉnh, thành phố tự nguyện đăng cai.

– Đơn vị đăng cai tự chịu trách nhiệm mọi mặt về công tác tổ chức. Các đại biểu tham dự tự lo kinh phí đi lại, ăn ở và đóng góp một phần chi phí. Đơn vị đăng cai đăng ký trước 6 tháng. Chủ đề cuộc gặp mặt do Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam và địa phương đăng cai thống nhất quyết định.

Chương III: Tài chính.

Điều 10: Nguồn thu:

– Hội phí đóng góp của các thành viên Hội đồng họ Lê Việt Nam góp theo quy định của Thường trực Hội đồng.

– Trích tỷ lệ hội phí do địa phương đóng góp.

– Ủng hộ của tập thể và cá nhân.

– Phát hành các ấn phẩm.

– Các nguồn khác.

Điều 11: Các khoản chi, nguyên tắc thu chi:

– Các khoản chi:

+ Chi phí hoạt động chuyên môn, mua các ấn phẩm của dòng họ, hành chính và khen thưởng của dòng họ.

+ Tổ chức hội nghị, gặp mặt, Đại hội.

+ Thăm hỏi ốm đau, hoạn nạn, phúng viếng.

+ Các chi phí hợp lý khác.

– Nguyên tắc thu, chi:

+ Theo đúng nguyên tắc tài chính.

+ Chủ tịch là chủ tài khoản, hoặc người được Chủ tịch ủy quyền, duyệt chi.

+ Có chứng từ hợp lệ, hợp lý.

+ Công khai tài chính. Báo cáo quyết toán hàng năm với Thường trực Hội đồng.

+ Thực hiện kiểm tra việc thu chi tài chính để bảo đảm minh bạch và tuân theo nguyên tắc tài chính.

Chương IV: Khen thưởng

Điều 12: Các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực xây dựng truyền thống, uy tín, danh dự dòng họ, được Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố đề nghị và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam nhất trí, được Hội đồng họ Lê Việt Nam biểu dương, tặng bằng khen hoặc bằng “Lê tộc Việt Nam vinh danh”.

Tổ chức, cá nhân ngoài dòng họ có những hoạt động thiết thực, hiệu quả đối với dòng họ Lê Việt Nam được tặng bằng “Lê tộc Việt Nam vinh danh”.

Qui ước này được Đại hội Đại biểu họ Lê Việt Nam thông qua tại …………………………………. ngày …. tháng ……. năm 2015 và có hiệu lực từ ngày ký.

TM. HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM

Chủ tịch

Các tin liên quan