Quy ước, quy chế hoạt động

Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam

QUY ƯỚC

CỦA  HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM

Chương I

Tên gọi, tôn chỉ, mục đich, nhiệm vụ

Điều 1: Tên gọi.

Tên gọi của tổ chức là Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Biểu tượng là chữ Lê (Hán tự ) màu đỏ, nền vàng, khung đỏ.

Điều 2: Tôn chỉ, mục đích hoạt động.

1. Tôn chỉ:

Hội đồng họ Lê Việt Nam là tổ chức xã hội tự nguyện, đại diện cho cộng  đồng người Việt Nam mang họ Lê hoặc mang họ khác nhưng có nguồn gốc họ Lê.

Hội đồng họ Lê Việt Nam hoạt động vì mục tiêu đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, vì mục  tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Mục đích hoạt động:

a. Hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, đền ơn đáp nghĩa.

b. Phát huy truyền thống dòng họ: Yêu nước, tự lực, tự cường, hiếu học, sống nhân nghĩa, vị tha.

c. Xây dựng dòng họ bền vững, đoàn kết, tương thân, tương ái, có cuộc sống vật chất và tinh thần khá giả, văn minh, hạnh phúc.

d. Đoàn kết cùng các dòng họ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Điều 3: Nguyên tắc và phạm vi hoạt động.

1. Hội đồng họ Lê Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc:

a. Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số.

b. Tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

c. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận.

d. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Quy ước hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam .

2. Hội đồng họ Lê Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước và những nước có người họ Lê sinh sống.

3. Hội đồng họ Lê Việt Nam có con dấu (nội bộ), tài khoản ngân hàng và tài sản riêng theo quy định của pháp luật.

4. Có Văn phòng tại Hà Nội và có thể thành lập các văn phòng đại diện tại các địa phương.

Điều 4: Nhiệm vụ.

1. Xây dựng dòng tộc:

a. Xây dựng hệ thống tổ chức Hội đồng họ Lê Việt Nam rộng khắp, bền vững.

b. Xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo gồm Qui ước, qui chế hoạt động của Hội đồng họ Lê Việt Nam và Hội đồng họ Lê các địa phương theo đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

c. Xây dựng lịch sử họ Lê Việt Nam, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử liên quan đến dòng họ trên phạm vi cả nước; Nghiên cứu, bảo vệ, tôn vinh và phổ biến  các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp do các bậc tiền nhân để lại.

2. Khuyến học, khuyến tài:

a. Xây dựng họ Lê thành dòng họ học tập, phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

b. Phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích phát triển nhân tài.

c. Giúp đỡ những thành viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

3.Tương thân, tương ái, đền ơn đáp nghĩa:

a. Đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

b. Coi trọng đạo hiếu, làm tốt việc mừng thọ thành viên cao tuổi.

4. Phát triển kinh tế:

a. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân họ Lê liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

b. Thu hút, khuyến khích doanh nhân họ Lê tham gia hoạt động tri ân tiên tổ, khuyến học, khuyến tài và các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của dòng họ.

5.Thông tin, tuyên truyền:

a. Giáo dục truyền thống dòng họ cho mọi thành viên, bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào về dòng họ và dân tộc.

b. Chia sẻ thông tin, chắp nối tộc phả, gia phả.

c. Xuất bản bản tin Thông tin việc Họ, Trang thông tin điện tử Họ Lê Việt Nam và các ấn phẩm lịch sử, truyền thống, văn hóa dòng họ.

d. Tổ chức sự kiện, hội thảo, hội diễn, hội chợ, lễ hội…

Chương II

Thành viên

Điều 5: Thành viên Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Thành viên Hội đồng họ Lê Việt Nam bao gồm những người mang họ Lê, có nguồn gốc họ Lê, con dâu, con rể đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, giới tính tuổi tác, tán thành Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam và tham gia sinh hoạt tại các tổ chức dòng họ các cấp theo Quy ước của Hội đồng họ Lê các cấp.

Điều 6: Quyền lợi của thành viên.

  1. Được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng dòng họ.
  2. Được tham gia biểu quyết, ứng cử, đề cử vào các chức danh của Hội đồng Họ Lê các cấp.
  3. Được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Hội đồng họ Lê Việt Nam.
  4. d) Được quyền xin rút, không tham gia tổ chức của Hội đồng họ Lê Việt Nam .

Điều 7:  Nghĩa vụ của thành viên.

a. Chấp hành Quy ước, Quy chế, Nghị quyết và các quyết định của Hội đồng họ Lê đã được Đại hội, Hội nghị của Hội đồng họ Lê các cấp thông qua.

b. Tuyên truyền, giáo dục trong gia đình và gương mẫu thực hiện đạo lý, truyền thống, văn hóa dòng tộc và các chủ trương, chỉ đạo hoạt động của Hội đồng họ Lê các cấp.

c. Đoàn kết trong dòng họ và với các dòng họ khác, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

d. Tham gia xây dựng tổ chức dòng họ phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả.

e. Đóng góp Quỹ theo quy định của Hội đồng họ Lê các cấp.

Chương III

Tổ chức, bộ máy

Điều 8:  Hội đồng họ Lê tổ chức ở 4 cấp.

  1. Hệ thống tổ chức của Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức theo 4 cấp, gồm:

– Hội đồng họ Lê Việt Nam.

– Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Hội đồng họ Lê Việt Nam các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

– Hội đồng họ Lê xã, phường, thị trấn.

  1. Số lượng ủy viên Hội đồng Họ Lê Việt Nam khoảng 80 người. bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các ủy viên, trong đó có đại diện các Hội đồng họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  2. Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng họ Lê Việt Nam được giới thiệu và hiệp thương từ Hội đồng họ Lê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được thông qua tại Đại hội đại biểu Hội đồng họ Lê cả nước.
  3. Mọi quyết định của Hội đồng họ Lê Việt Nam được thông qua theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
  4. Số lượng ủy viên của Hội đồng họ Lê ở các địa phương do cộng đồng họ Lê ở địa phương quyết định, bầu hoặc hiệp thương cử ra. Hội đồng họ Lê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu đại diện của Hội đồng họ Lê địa phương tham gia Hội đồng họ Lê Việt Nam. Số lượng cụ thể do Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt nam quy định.

Điều 9: Thủ tục thành lập (những nơi chưa thành lập Hội đồng Họ Lê Việt Nam).

  1. Thành lập Ban vận động hoặc Hội đồng họ Lê lâm thời, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên, các tổ chức dòng họ cùng tham gia chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Hội đồng họ Lê.
  2. Tổ chức Lễ thành lập:
  3. Triệu tập đại biểu.
  4. Thông qua báo cáo phương hướng hoạt động, dự thảo Quy ước, Quy chế và danh sách Hội đồng họ Lê để lấy ý kiến các đại biểu và bầu Hội đồng.
  5. Ra mắt Hội đồng.

Điều 10: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội đồng họ Lê Việt Nam.

  1. Nhiệm kỳ đại hội 5 năm. Trường hợp có 2/3 số Hội đồng Họ Lê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị thì triệu tập đại hội sớm hơn.
  2. Thành phần dự Đại hội: Toàn thể thành viên Hội đồng họ Lê Việt Nam, đại biểu do Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu hoặc cử ra, khách mời.
  3. Nhiệm vụ của đại hội:

a. Thảo luận thông qua báo cáo nhiệm kỳ.

b. Quyết định phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới.

c. Bầu Hội đồng họ Lê Việt Nam, bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên Ban Thường vụ. (Hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết thông qua).

d. Bổ sung, sửa đổi Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam.

e. Vinh danh tập thể và cá nhân tiêu biểu trong nhiệm kỳ.

Điều 11: Nhiệm vụ của Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Hội đồng họ Lê Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của dòng họ giữa hai kỳ đại hội.

Hội đồng họ Lê Việt Nam có nhiệm vụ:

  1. Tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam, các chủ trương, nhiệm vụ quan trọng trong từng thời gian do Hội đồng đề ra.
  2. Tập trung chỉ đạo các hoạt động theo kế hoạch.

Điều 12: Nhiệm vụ của Ban Thường vụ, Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam.

  1. Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số ủy viên phụ trách khu vực, vùng miền từ Danh sách Hội đồng họ Lê Việt Nam được Đại hội đại biểu họ Lê toàn quốc bầu ra.

Ban Thường vụ có nhiệm vụ:

a. Thay mặt Hội đồng họ Lê Việt Nam giải quyết các công việc thường xuyên và đột xuất giữa hai kỳ họp của Hội đồng họ Lê Việt Nam.

b. Quyết định nhân sự, bổ sung hoặc miễn nhiệm các thành viên trong Hội đồng họ Lê Việt Nam khi cần thiết để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ.

c. Xây dựng và ban hành chương trình hành động, quy chế, qui định, Nghị quyết, kế hoạch tài chính và kiểm tra đôn đốc, tổng hợp báo cáo hoạt động của Hội đồng Họ Lê các cấp.

2. Thường trực Hội đồng Họ Lê Việt Nam gổm Chủ tịch và một số phó Chủ tịch trong Danh sách Ban Thường vụ do Đại hội đại biểu họ Lê toàn quốc bầu ra.

Thường trực có nhiệm vụ:

a. Trực tiếp điều hành Văn phòng và các ban chuyên môn của Hội đồng họ Lê Việt Nam; Chỉ đạo hoạt động của Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam..

b. Chuẩn bị nội dung và triệu tập các Hội nghị định kỳ và đột xuất của Ban thường vụ và Hội đồng họ Lê Việt Nam.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam:

a. Điều hành chung

b. Chủ tài khoản.

c. Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng, Ban thường vụ và Thường trực Hội đồng.

d. Chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đại hội và các Hội nghị của Hội đồng, Ban thường vụ và Thường trực Hội đồng.

e. Ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; Ký ban hành Quy ước, Nghị quyết và các quyết định thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất và quan trọng; Ký quyết định phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí vụ việc và hàng năm; Ký các văn bản giao dịch hành chính với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ; Ký các quyết định khen thưởng, tặng kỷ niệm chương và bằng vinh danh.

f. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của các tổ chức, đơn vị thuộc Hội đồng họ Lê Việt Nam.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó chủ tịch:

a. Tham gia chỉ đạo, điều hành các công việc chung của Hội đồng họ Lê Việt Nam.

b. Chịu trách nhiệm các phần việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam.

c. Được ký thay một số văn bản theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.

d. Phó Chủ tịch thường trực thay mặt Chủ tịch điều hành các công việc có thời hạn theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng khi Chủ tịch đi vắng.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban thường vụ:

a. Cùng tập thể Ban thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam chịu trách nhiệm trước Hội đồng tổ chức thực hiện các công việc theo quyền hạn, nhiệm vụ được quy định; Trực tiếp chỉ đạo thực hiện các công việc theo sự phân công của chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam.

b. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Thường vụ Hội đồng.

6. Nhiệm vụ của Văn phòng:

Văn phòng là bộ máy giúp việc của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, có quyền hạn và nhiệm vụ:

a. Chánh văn phòng được tham dự các cuộc họp của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, nắm vững chủ trương, nhiệm vụ để triển khai, ra thông báo và hướng dẫn triển khai.

b. Xây dựng chương trình hoạt động của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam, lập biên bản các cuộc họp của Hội đồng, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đồng, chuẩn bị báo cáo định kỳ theo quy định, thông qua Chủ tịch trước khi trình Ban Thường vụ, Thường trực Hội đồng và Hội đồng.

c. Quản lý, bảo quản hồ sơ, tài liệu, con dấu của Hội đồng, tài liệu có giá trị lịch sử, sổ sách ghi chép công đức, sổ khen thưởng, vinh danh các cá nhân, tập thể…

d. Thống kê, quản lý phương tiện, trang thiết bị làm việc, tài sản, báo cáo kiểm kê hàng năm theo quy định.

e. Thực hiện một số công việc do Thường trực Hội đồng giao.

7. Các ban chuyên trách của Hội đồng họ Lê Việt Nam:

– Văn phòng-Thi đua, khen thưởng

– Ban Thông tin, tuyên truyền.

– Ban Tổ chức-Kiểm tra.

– Ban Tài chính.

– Ban Nghiên cứu lịch sử, phả tộc.

– Ban Đối ngoại.

– Ban Công tác xã hội.

– Hội đồng khuyến học họ Lê Việt Nam.

– Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam.

Tổ chức và hoạt động của Văn phòng, các ban tham mưu chuyên trách, Hội đồng khuyến học họ Lê Việt Nam,  Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Điều 13: Đại hội Hội đồng họ Lê Việt Nam ở địa phương và cơ sở.

– Nhiệm kỳ Đại hội 5 năm một lần.

– Số lượng và thành phần đại biểu Đại hội Hội đồng họ Lê cấp nào do cấp đó quyết định.

– Thành phần đại biểu chính thức gồm các ủy viên đương nhiệm Hội đồng họ Lê cấp triệu tập đại hội và đại biểu do cấp dưới cử đi dự đại hội.

– Đại hội phải có ít nhất 2/3 số lượng đại biểu triệu tập tham dự.

– Bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội đồng họ Lê các cấp phải được Đại hội tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết thông qua.

Điều 14: Chế độ hội họp.

– Hội đồng họ Lê Việt Nam họp một năm một lần,

– Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam họp 6 tháng một lần.

– Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam họp 3 tháng một lần.

Hội đồng họ Lê Việt Nam, Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam, Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam họp đột xuất khi cần thiết.

– Các ban chuyên trách tự quy định chế độ hội họp.

Điều 15: Gặp mặt Họ Lê cả nước.

– Tổ chức 3-5 năm một lần, nhằm mục đích tăng cường giao lưu, gắn kết dòng họ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, tích cực trong hoạt động dòng  họ ở các địa phương và cơ sở.

– Địa điểm gặp mặt: tại Hà Nội, Thanh Hóa hoặc một địa phương khác, do Hội đồng họ Lê tỉnh, thành phố tự nguyện đăng cai.

– Đơn vị đăng cai tự chịu trách nhiệm mọi mặt về công tác tổ chức. Các đại biểu tham dự tự lo kinh phí đi lại, ăn ở và đóng góp một phần chi phí. Đơn vị đăng cai đăng ký trước 6 tháng. Chủ đề cuộc gặp mặt do Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam và địa phương đăng cai thống nhất quyết định.

Chương IV

Hoạt động kiểm tra

Điều 16: Ban Kiểm tra.

  1. Ban Kiểm tra do Ban Thường vụ Hội đồng họ Lê Việt Nam bầu. Số lượng do Ban Thường vụ quyết định. Trưởng ban Kiểm tra là một Phó Chủ tịch Hội đồng. Ban Kiểm tra bầu Phó Trưởng ban Kiểm tra.
  2. Ban kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số.

Điều 17: Nhiệm vụ của Ban kiểm tra.

  1. Kiểm tra việc thực hiện Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam, Nghị quyết Đại hội và nghị quyết các hội nghị của Hội đồng họ Lê Việt Nam. Kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động của Văn phòng và các ban tham mưu giúp việc, các đợ vị trực thuộc Hội đồng họ Lê Việt Nam.
  2. Kiểm tra và trả lời các ý kiến phản ánh của tập thể và các thành viên dòng họ.
  3. Kiểm tra việc thu chi tài chính và quản lý tài sản của Hội đồng.

Chương V

Tài chính

Điều 18: Nguồn thu.

  1. Đóng góp của các thành viên.
  2. Tài trợ của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước.
  3. Hoạt động gây quỹ hợp pháp của Hội đồng Khuyến học họ Lê Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam và Hội đồng họ Lê các cấp.
  4. Công đức của các cá nhân, chi họ, cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.
  5. Các nguồn thu khác hợp pháp.

Điều 19: Các khoản chi.

  1. Chi khen thưởng khuyến học, khuyến tài.
  2. Chi mừng thọ người cao tuổi.
  3. Chi thăm hỏi, giúp đỡ các ủy viên Hội đồng họ Lê Việt Nam khi gặp hoạn nạn, khó khăn đột xuất.
  4. Chi khen thưởng các tập thể, cá nhân được vinh danh vì có đóng góp xuất sắc vào hoạt động dòng họ.
  5. Chi chúc mừng thành lập, Đại hội Hội đồng họ Lê các cấp.
  6. Chi trả thù lao một số hoạt động chuyên trách và nhiệm vụ đột xuất của Hội đồng Họ Lê các cấp.

Điều 20: Nguyên tắc quản lý tài chính.

  1. Quản lý các khoản thu, chi công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về công tác tài chính.
  2. Chủ tịch là chủ tài khoản, hoặc người được Chủ tịch ủy quyền duyệt chi.

Chương VI

Khen thưởng

Điều 21: Các đơn vị, cá nhân có thành tích hoạt động xuất sắc, đóng góp tích cực xây dựng truyền thống, uy tín, danh dự dòng họ, được Hội đồng Họ Lê các tỉnh, thành phố đề nghị bằng văn bản và Thường trực Hội đồng họ Lê Việt Nam nhất trí, được biểu dương, khen thưởng, tặng bằng “Lê tộc Việt Nam vinh danh”, kỷ niệm chương.

Tổ chức, cá nhân ngoài dòng họ có những hoạt động thiết thực, hiệu quả đối với họ Lê Việt Nam được tặng bằng “Lê tộc Việt Nam vinh danh”, kỷ niệm chương.

Chương VII

Điều khoản thi hành:

Điều 22: Sửa đổi bổ sung.

Đại hội giao quyền sửa đổi bổ sung Quy ước cho Hội đồng họ Lê Việt Nam khi cần thiết. Quy ước được sửa đổi, bổ sung khi có ít nhất 2/3 ủy viên Hội đồng họ Lê Việt Nam đề nghị.

Điều 23: Hiệu lực thi hành.

Qui ước này gồm 7 chương 23 điều, đã được Đại hội đại biểu họ Lê Toàn quốc thông qua ngày 27 tháng 5 năm 2018, có hiệu lực ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam ký quyết định ban hành.

HỘI ĐỒNG HỌ LÊ VIỆT NAM

Các tin liên quan